Từ ngày 1/7, trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ Căn cước riêng

(lamchame.vn) - Từ ngày 1/7 sắp tới, khi luật Căn cước số 26/2023/QH15 có hiệu lực, Bộ Công an sẽ triển khai cấp thẻ Căn cước thay vì thẻ Căn cước Công dân như trước. Một trong những điểm mới của luật Căn cước là sẽ cấp thẻ Căn cước cho người trong độ tuổi từ 0 - dưới 6 tuổi.

Trẻ em dưới 6 tuổi có bắt buộc phải làm thẻ Căn cước?

Luật Căn cước 2023 quy định rõ trường hợp người được cấp thẻ Căn cước từ ngày 1/7/2024 như sau:

- Người được cấp thẻ Căn cước là công dân Việt Nam;

- Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước;

- Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước theo nhu cầu.

Qua đó, đối với người dưới 14 tuổi, không bắt buộc phải làm thẻ Căn cước, nhưng khi có nhu cầu thì hoàn toàn có thể đăng ký thủ tục cấp thẻ Căn cước.

Từ ngày 1/7, trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ Căn cước riêng - Ảnh 1.

Cơ quan quản lý căn cước không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi

Ngoài ra, theo Điều 19 Luật Căn cước 2023 thì công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên thì phải thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước. Quy định này có sự khác biệt so với Luật Căn cước công dân 2014, khi hiện hành không quy định đây là nghĩa vụ mà công dân Việt Nam phải thực hiện mà chỉ đề cập khái quát đến việc được cấp thẻ.

Thẻ Căn cước cho trẻ em gồm những thông tin gì?

Bộ Công an quy định mẫu thẻ Căn cước riêng cho công dân VN từ 0 - dưới 6 tuổi và một mẫu thẻ cho các trường hợp từ 6 tuổi trở lên, trong đó, mẫu thẻ dành cho công dân từ 0 - 6 tuổi sẽ không có ảnh trên Căn cước.

Đối với thẻ Căn cước cho công dân từ 6 tuổi trở lên, thông tin trên thẻ Căn cước gồm: Ảnh của người được cấp thẻ Căn cước cỡ 20 x 30 mm; Thời hạn thẻ có hiệu lực; Số định danh cá nhân; Họ, chữ đệm và tên; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Quốc tịch.

Đối với công dân dưới 6 tuổi, thông tin trên thẻ Căn cước gồm: Số định danh cá nhân; Họ, chữ đệm và tên; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Quốc tịch; Thời hạn thẻ có hiệu lực.

Còn mặt sau thẻ Căn cước cấp cho công dân Việt Nam từ 0 - dưới 6 tuổi và từ đủ 6 tuổi trở lên sẽ có các thông tin giống nhau gồm: nơi cư trú; nơi đăng ký khai sinh; chip điện tử; mã QR; ngày, tháng, năm cấp; ngày, tháng, năm hết hạn; chữ "BỘ CÔNG AN".

Từ ngày 1/7, trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ Căn cước riêng - Ảnh 2.

Ảnh dự kiến mặt trước của thẻ Căn cước cấp cho công dân từ 0-6 tuổi

Từ ngày 1/7, trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ Căn cước riêng - Ảnh 3.

Mặt sau của thẻ Căn cước của trẻ từ 0 - dưới 6 tuổi và từ 6 tuổi trở lên chứa thông tin giống nhau

Thủ tục làm Căn cước cho trẻ em từ ngày 1/7/2024

* Với trẻ em dưới 6 tuổi

Trong trường hợp thông thường: Thực hiện thông qua Cổng dịch vụ công/ứng dụng định danh quốc gia VNeID.

Khi trẻ dưới 6 tuổi chưa đăng ký khai sinh: Thực hiện liên thông với thủ tục đăng ký khai sinh trên Cổng dịch vụ công/ứng dụng định danh quốc gia VNeID/trực tiếp tại cơ quan quản lý Căn cước.

Lưu ý: Đối tượng này không phải thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học.

* Với trẻ em từ đủ 6 - dưới 14 tuổi:

Đối tượng này đến trực tiếp cơ quan quản lý Căn cước cùng với người đại diện hợp pháp để thực hiện các thủ tục thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học.

Việc thực hiện thủ tục do người đại diện hợp pháp thực hiện.

Lưu ý: Đối tượng này phải thực hiện thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học.

* Với trẻ em từ đủ 14 - dưới 16 tuổi

Bước 1: Được kiểm tra, đối chiếu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc chuyên ngành… để xác định chính xác đối tượng được cấp thẻ. Nếu chưa có thông tin thì sẽ được cập nhật.

Bước 2: Được thu thập đặc điểm nhân dạng, sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ Căn cước.

Bước 3: Kiểm tra lại thông tin, ký vào phiếu thu nhận thông tin Căn cước.

Bước 4: Nhận giấy hẹn trả kết quả thẻ Căn cước và có thể yêu cầu trả thẻ Căn cước ở địa điểm khác nếu có yêu cầu và trả phí dịch vụ chuyển phát.

- Thời hạn giải quyết: 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo Điều 26 Luật Căn cước năm 2023.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang