Bà Yến (60 tuổi, quận 3, TP HCM) làm nghề kinh doanh tự do. Hai năm trước, con trai bà đưa bạn gái là chị Thanh Tú (28 tuổi) làm trong ngành hàng không, gia thế giàu có, về ra mắt. Bà Yến rất tự hào, gặp ai cũng khoe. Hồi tháng 3 vừa qua, bà đứng ra tổ chức lễ cưới cho các con.
Ban đầu, bà tính sẽ tặng các con hơn ba cây vàng để làm của hồi môn. Nhưng khi biết nhà gái sẽ cho các con vàng, một căn nhà cùng nội thất như: tivi, tủ lạnh, điều hòa.., bà Yến sợ nhà mình lép vế nên quyết định mua thêm chiếc nhẫn kim cương giả, dự định trao con dâu xong sẽ nói rõ.
Bữa tiệc diễn ra suôn sẻ, bà Yến mải vui quên nói sự thật với các con. Hết tháng trăng mật, vợ chồng con muốn bán số vàng bố mẹ cho để đầu tư kinh doanh thì phát hiện sự thật về chiếc nhẫn. Dù các con không trách, nhưng bà Yến thấy áy náy, có lỗi.
Ảnh: Cưới hỏi Việt Nam
Hơn một tháng liền bà sợ đối diện với các con, sợ nghe phải những lời dị nghị và sợ nhà thông gia chê cười. Cuối cùng, bà quyết định đi gặp chuyên gia tâm lý để tìm hướng giải quyết.
Tiếp nhận sự việc, thạc sĩ tâm lý Lê Thị Minh Hoa, Viện tâm lý và Giáo dục Pháp luật TP HCM quyết định để mẹ con họ gặp nhau và nói hết suy nghĩ, khúc mắc. "Ban đầu, bà Yến rất ngượng với con dâu. Phải đến khi nghe chị Thanh Tú nói không giận mà còn thương mẹ nhiều hơn bà mới vui vẻ", thạc sĩ Hoa nhớ lại.
Vị chuyên gia cũng còn nhớ câu chuyện của chị Hương (huyện Củ Chi, TP HCM), tìm đến nhờ tư vấn làm sao thoát được chồng mới cưới hơn 6 tháng vì phát hiện hơn một cây vàng do nhà chồng tặng là giả. Dù bà Hoa đã khuyên chị nên bình tĩnh, số vàng nhận không quan trọng, quan trọng vẫn là tình cảm hai vợ chồng và tình thương nhà chồng dành cho mình, chị Hương vẫn nhất định không chịu. "Một năm sau, cô ấy báo cho tôi đã được tòa chấp nhận cho ly hôn", bà Hoa kể.
Cũng vì muốn thể hiện với nhà gái, bà Lan (Bình Thuận) muốn tặng vàng cho con trong lễ cưới hồi năm 2017. Nhà không có điều kiện, vợ chồng bà quyết định đi mượn chiếc lắc tay và chiếc kiềng vàng của hai người chị, tổng cộng hơn 6 chỉ, về trao cho con dâu. Đám cưới xong, bà nói các con đưa lại vàng để mang trả thì mâu thuẫn xảy ra. Cuối cùng, vợ chồng bà phải đi vay nợ mua trả lại cho hai người chị.
Bà Hoa cho biết, chuyện tặng vàng giả hay mượn vàng để trao trong ngày cưới khá phổ biến, do nhiều người không có điều kiện nhưng có tính sĩ diện, thích thể hiện mình. Họ thường không lường hết hậu quả. Còn người nhận khi biết được sự thật thì rất sốc, nghĩ mình không được tôn trọng, nên sinh tâm lý ghét ngược.
"Vàng, tiền hay các vật dụng có giá trị chỉ là thước đo về mặt vật chất chứ không phải giá trị hạnh phúc. Cái quan trọng là hạnh phúc của các con, mối quan hệ hòa thuận giữa mẹ chồng - nàng dâu, giữa hai gia đình thông gia với nhau", bà Hoa nói. Theo vị chuyên gia, để tránh xảy ra những chuyện không đáng có, trước đám cưới, hai gia đình, cô dâu - chú rể nên ngồi lại nói thẳng về tài chính, điều kiện kinh tế để có kế hoạch phù hợp, đừng vì hơn thua, muốn thể hiện mà đẩy ra những chuyện không đáng.
* Tên các nhân vật đã thay đổi.
Theo vnexpress.net
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.