Liên quan đến vụ việc cháu bé 3 tuổi ở Hà Nội đang hôn mê do có 9 chiếc đinh ghim vào đầu, nghi do bạo hành, bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam vừa có chia sẻ ý kiến xung quanh vấn đề này an toàn đối với trẻ em.
Bà Ninh Thị Hồng cho rằng, vụ cháu bé 3 tuổi ở Thạch Thất bị đinh vào đầu nghi bị bạo hành đã khiến dư luận bàng hoàng, đau xót. Mặc dù cơ quan điều tra đang tiến hành xác minh, làm rõ để có biện pháp xử lý kịp thời, trừng trị thích đáng kẻ đã hãm hại cháu bé, song vụ việc một lần nữa dấy lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận, đặt ra lo ngại về tình trạng bạo hành trẻ em hiện nay, đặc biệt là trong các gia đình có bố/mẹ ly hôn.
“Đây là vụ việc có mức độ nghiêm trọng, tính mạng cháu bé đang bị đe doạ. Trong vụ việc này, cơ quan điều tra sẽ xác minh, làm rõ dị vật trong sọ não cháu bé, nguyên nhân sự việc và những người liên quan để có biện pháp xử lý kịp thời” – bà Hồng nói.
Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết thêm, từ nguồn tin báo chí, mẹ cháu bé đã ly hôn và sống cùng người đàn ông khác. Hiện mẹ cháu bé đang mang bầu. Việc cháu bé bị ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe trong thời gian sinh sống cùng mẹ đã cho thấy, môi trường sống của cháu bé đã có dấu hiệu thiếu an toàn và đã được cảnh báo bảo vệ từ sớm.
“Trước đó, cháu bé đã 2 lần nhập viện cấp cứu, 1 lần là uống thuốc trừ sâu, lần thứ hai là nuốt dị vật. Nếu như gia đình, người thân chú ý, cảnh giác, tìm hiểu về những việc cháu bé trải qua để có cách xử lý kịp thời thì có thể cháu bé đã không rơi vào tình cảnh hiện tại” – bà Hồng nói.
Theo bà Hồng, những vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em thời gian gần đây đang xảy ra với mức báo động. Tỷ lệ ly hôn, ly thân tại các gia đình trẻ ngày càng nhiều. Ở nhiều gia đình sau ly hôn, trẻ em bị ảnh hưởng tâm lý và sức khỏe nặng nề.
“Ở các gia đình “rổ rá cạp lại”, bên cạnh trách nhiệm nuôi dạy con của bố mẹ, người thân cũng phải có trách nhiệm quan tâm, để ý đến cuộc sống của trẻ, xem trẻ có được sống an toàn, đảm bảo không? Nếu có dấu hiệu bị bạo hành, xâm hại, gia đình cần có biện pháp như thay đổi quyền nuôi con, hoặc báo cho cơ quan chức năng địa phương để kịp thời can thiệp, không để những vụ việc đau lòng tiếp tục xảy ra” – bà Hồng kiến nghị.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trung Chi, Chủ tịch UBND xã Canh Nậu, huyện Hoài Đức cho biết, cả hai bên gia đình nội, ngoại của cháu bé đều có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.
Theo lãnh đạo UBND xã Canh Nậu, ông bà nội của bé là người rất yêu thương các con cháu. Vì bố của cháu bé không có thu nhập ổn định nên hầu hết việc nuôi dạy các cháu đều do ông bà nội.
Sau khi bố mẹ cháu bé ly hôn, bố nuôi 2 con nhỏ nhưng đều có sự chung tay của ông bà. Gia đình này thuộc hộ nghèo, chính quyền xã thường xuyên quan tâm đến các chính sách và hỗ trợ khó khăn vào các dịp lễ Tết.
Chiều ngày 17/1, bé Đ.N.A. được mẹ đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất trong tình trạng hôn mê, co giật.
Sau khi chụp X-quang, các bác sĩ phát hiện trên sọ cháu bé có những vật thể giống kim khí găm bên trong, tổng cộng 9 chiếc trong sọ não cháu bé. Thời điểm cháu bé nhập viện có mẹ cháu đi cùng, trên đầu có chút sưng tấy. Khoảng 1 tiếng sau khi cấp cứu, bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.
Khi các bác sĩ hỏi, người thân cháu bé không nói gì.
Lãnh đạo BV cũng cho biết thêm, trước đó khoảng 3 tháng, bé A. từng hôn mê sâu do ngộ độc thuốc trừ sâu và được điều trị ở Bệnh viện Nhi Trung ương. 2 tháng sau đó, bé gái tiếp tục phải nhập viện ở Thạch Thất do có dị vật đường tiêu hóa.
Như vậy, chỉ trong khoảng 3 tháng, bé A. nhập viện tới 3 lần.
Cũng theo bác sĩ tại BV, trước khi nhập viện lần này khoảng 5 ngày, bé A. kêu đau tai và được gia đình mua thuốc cho uống. 2 ngày sau, bé xuất hiện tình trạng nôn, ngày nôn 3 lần. Trước thời điểm vào viện khoảng 30 phút, bé nôn thêm 1 lần và bắt đầu lơ mơ. Khi vào tới viện, bé đã hôn mê và co giật.
Nhận thấy dấu hiệu bất thường, bệnh viện đã báo cho Công an huyện Thạch Thất.
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.