#Tôi dạy con: Khi con ăn vạ giãy đành đạch trên sàn, việc đầu tiên bố mẹ phải nhớ là... "đừng hét"

Nếu bạn ngăn được mình quát con khi bé ăn vạ, xin chúc mừng bạn, bạn đã đi được 50% đoạn đường rồi đấy.

Khi sắp được hai tuổi, em bé bụ bẫm ngoan ngoãn luôn làm theo lời ba mẹ của mình bỗng nhiên chẳng còn vâng lời nữa và bắt đầu ăn vạ không ngừng, đúng là “terrible two” đã tới rồi. Nhờ đọc sách, tham khảo các chị em đi trước, mình đã chấp nhận “ăn vạ” là một bước phát triển rất bình thường của con. Nhờ đó, mình học được cách giữ bình tĩnh để “đương đầu” với chiến sĩ hai tuổi đang gào thét và xây dựng “đối sách” giúp con ngưng ăn vạ, đã áp dụng thành công cho cả hai bé nhà mình. Xin được chia sẻ với mọi người nhé:

Bước 1: Bố mẹ, xin đừng hét!

Nếu bạn ngăn được mình quát con khi bé ăn vạ, xin chúc mừng bạn, bạn đã đi được 50% đoạn đường rồi đấy. Vợ chồng mình có luật: Trong một lúc chỉ có một kẻ được nổi điên. Khi con hét, mình cố gắng kiềm chế. Cũng như có nhiều khi chồng mình phải chờ cho vợ dịu cơn “điên” xuống đấy!

Phần còn lại chỉ là hiểu bé và giúp bé vượt qua cảm xúc khó chịu đó thôi!

Bước 2: Hiểu lý do, nhẹ nhàng đồng cảm

Bé đòi ăn kẹo, bé muốn được xem thêm TV, bé phẫn nộ vì bị tịch thu chiếc đũa bé vừa vớ được trên bàn ăn... tất phải có lý do cho cơn thịnh nộ của bé. Nếu bạn không chắc vào sự phán đoán của mình, bạn có thể dùng dạng câu hỏi: “có phải con đang muốn ăn thêm kẹo không?” để hiểu đúng vấn đề. Sau đó hãy lại gần, nhìn vào mắt bé, ân cần thể hiện sự quan tâm của bạn. Có thể cầm tay bé hoặc chạm nhẹ vào cẳng chân con đang giãy đạp, hay vỗ vào lưng bé và nói “kẹo rất ngon đúng không, con rất muốn ăn thêm kẹo đúng không con?”

Bạn sẽ thấy sức mạnh của sự thấu hiểu, bé lập tức hướng sự chú ý về phía bạn và muốn được bạn xoa dịu thêm ngay. Nếu bé đang quấy khóc to đến nỗi không thể nghe bạn trò chuyện, bạn có thể dịu dàng nhưng cương quyết bế con lên, đi vào một nơi yên tĩnh hơn, vừa đi vừa nói: “Có mẹ ở bên con đây!” và chờ một chút để bé hơi dịu lại. Bước này cũng rất cần thiết nếu bạn sống chung với gia đình lớn, khi mà mỗi cơn quấy khóc của bé lại bị chứng kiến và can thiệp bởi quá nhiều người theo nhiều trường phái khác nhau khiến bé càng thêm bối rối.

Bước 3: Giải thích, rời xa và quay lại

Hãy tiếp tục nhìn con, nói nhẹ nhàng: “Mẹ biết con rất thích ăn kẹo, nhưng con vừa ăn một chiếc rồi. Ăn nhiều kẹo sẽ bị con sâu răng cắn răng con đó. Hôm nay mình không ăn thêm kẹo nữa, ngày mai mẹ sẽ cho con ăn nhé!”

Hãy đảm bảo rằng lời giải thích và giới hạn cho hành động của bạn luôn nhất quán, để con dần dần ghi nhận “luật chơi” trong gia đình, ví dụ như: mỗi ngày 1 chiếc kẹo, mỗi ngày 3 clip trên youtube... Bạn nên thông báo với mọi thành viên khác trong gia đình để mọi người lớn cùng thống nhất việc bảo ban bé vào nề nếp.


Ảnh minh họa

Tất nhiên khi bé không được đáp ứng ngay nhu cầu, bé sẽ tiếp tục gào khóc. Bạn có thể an ủi bé thêm chút nữa, nếu bé vẫn chưa nguôi dịu, bạn đặt bé ngồi an toàn xuống ghế hay sàn, bạn rời bé ra một chút vờ làm việc riêng như đọc sách, nấu ăn trong vài phút, rồi quay lại hỏi han bé. Rồi lại rời đi ... Mục đích của loạt hành động này để bé hiểu: mẹ luôn quan tâm và ở gần mình, nhưng mẹ sẽ không làm theo đòi hỏi của mình đâu. Hãy thật kiên nhẫn trong những “cơn chướng” đầu tiên của con, bạn sẽ thấy bé nhanh chóng biết rút kinh nghiệm như thế nào.

Bước 4: Một giải pháp, một hoạt động thay thế

Khi con nguôi dịu, không còn khăng khăng theo ý mình nữa, hãy đề xuất với con một hoạt động khác để con hướng sự thích thú vào đó và vượt qua “cơn chướng”. Hãy nhắc lại rằng: “Ngày mai mình ăn kẹo nữa nhé. Còn bây giờ, con đi lấy truyện gấu Pooh mẹ đọc cho nhé! Con thích lau chén muỗng chuẩn bị ăn cơm không? Con thích đi dạo tìm chim sẻ với mẹ không?” Mình tin chắc bé sẽ nắm lấy “chiếc phao” mà bạn trao cho bé để vượt qua những cảm xúc khó chịu vừa rồi. Ăn vạ cũng mất sức lắm mà, mẹ hiểu!

Những bí kíp bỏ túi:

Để ngăn nỗi thất vọng khi bị mẹ tắt ti vi khiến bé nổi giận, bạn hãy thông báo với con: “Còn 5 phút nữa mình tắt TV để ăn cơm đấy nhé!” Rồi sau đó bạn lại hiện ra với thông báo: “Một phút nữa nhé!” Khi mốc thời gian đã tới, hãy trao chiếc remote cho con, dạy bé chủ động thực hiện kỷ luật. Khi bé hoàn thành nhiệm vụ khó khăn ấy, nhớ cảm ơn và ngợi khen bé, sẽ rất có ích đối với lòng tự tôn của bé đấy!


Ảnh minh họa

Với những gì cần cương quyết, hãy cương quyết. Nhưng cũng có nhiều trường hợp nên linh hoạt để dạy bé cách “thương thảo”, đặc biệt đối với các bé trong độ tuổi từ 3 - 5 tuổi. Ví dụ như khi bạn chỉ có 20 phút để chơi cờ domino với bé mỗi tối, hãy nhớ thông báo với bé rằng mình chơi thêm 1 ván nữa thôi nhé, trước khi hết giờ. Nhưng khi con nằn nì “chơi thêm 3 ván nữa đi ba”, thì nếu bạn có thể cho con thêm 5 phút, hãy nói rằng: “Hôm nay là ngoại lệ nhé, ba sẽ chơi với con thêm 2 ván nữa!” Đảm bảo là bé sẽ vui mừng và cảm nhận tình yêu mà bạn dành cho bé nhiều lắm đấy!

Tôi đã phải kiên nhẫn trong bao lâu?

Trong trường hợp 2 bé nhà mình, bố mẹ đều nhất quán theo đường lối ôn hòa nhưng kiên quyết này, thì sau 6 tháng, tần suất ăn vạ của bé giảm rõ rệt. Khi qua 3 tuổi, bé trở nên cực kỳ hiểu chuyện, biết dùng đối thoại song phương đa phương để giải quyết vấn đề và không còn ăn vạ nữa. Đặc biệt, bé rất tin cậy và yêu quý ba mẹ! Đó là phần thưởng vô cùng quý giá cho nỗ lực kiên trì của vợ chồng mình.

Trong nhà đã ổn, ra ngoài thì sao?

Khi bé ở nơi công cộng, bé cũng có khả năng ăn vạ y như ở nhà thôi mà. Chỉ khác là bố mẹ có thể vì cảm giác mất mặt mà khó giữ bình tĩnh hơn. Hoặc tệ hơn, bố mẹ đã tự phá bỏ “luật chơi”, nuông chiều con sai cách để cho “nó bớt om sòm làm mình xấu hổ” rồi về nhà “biết tay tao”. Thực ra bé rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt tâm lý của chúng ta, nếu chúng ta không nhất quán, nhất định lần tới bé sẽ càng ăn vạ dữ dội hơn để đạt được mục đích.


Ảnh minh họa

Vì vậy, ngay cả khi ra ngoài, mình cũng cố gắng phớt lờ những ánh mắt tò mò của mọi người, để áp dụng đúng 4 bước trên đây. Ngoài ra mình nói với con rằng: “Công viên là nơi công cộng, có nhiều người, con làm ồn là không đúng đâu”. Sau vài lần như thế, mình giao hẹn trước với con rằng: “Đi công viên con không la hét xô đẩy bạn nhé, nếu con có hành động sai, mẹ sẽ nhắc con một lần, nếu con vẫn lặp lại, mẹ con mình sẽ đi về nhé. Vì không thể làm phiền mọi người xung quanh được”. Quả thật đã có một lần mình không quát tháo gì cả, chỉ nói với con rằng “con đã lấy đồ chơi của bạn hai lần rồi, như vậy là sai, mẹ con mình về thôi!” Rồi mình bế con về. Trưa đó khi con ngủ dậy, cả mẹ và con đều bình tĩnh thì mình mới nhẹ nhàng nhắc lại việc ban sáng, con hiểu và hứa lần sau con sẽ ngoan.

Từ khi con 3 tuổi, con đã rất tự tin và lịch sự khi đi ra ngoài, đặc biệt thích tham gia các buổi tiệc sinh nhật, tiệc cưới. Nếu thấy có gì cần uốn nắn, mình đến nói nhỏ vào tai con, và chốt: “Mẹ nhắc một lần rồi đó nhé!” Bé lập tức tuân thủ “luật chơi” để được chung vui đến cuối buổi tiệc.

Mỗi khi con làm tốt, mình đều trìu mến ngợi khen! Sự thấu hiểu, cổ vũ đã làm nên một em bé ngoan, chứ không phải bằng đòn roi hay quát tháo!

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang