4 tình huống nguy hiểm trẻ hay gặp nhất mà cha mẹ phải nắm cách xử lý

Sơ cứu đúng cách và kịp thời, trong rất nhiều trường hợp là chìa khóa sống còn cho tính mạng của trẻ. Tuy nhiên thực tế hiện nay, nhiều bậc phụ huy dường như bỏ quên việc trang bị cho mình những kỹ năng sơ cứu cơ bản nhất.

Dưới đây là những cách sơ cứu các tai nạn phổ biến thường gặp ở trẻ nhỏ mà cha mẹ cần phải nắm rõ trong lòng bàn tay.

Sơ cứu khi con bị nghẹn, hóc

Trẻ trong độ tuổi 1-3 rất có khả năng hóc nghẹn các vật dụng nhỏ như tiền xu, kẹp tóc, đinh bấm, cúc áo, các loại hạt cứng… Sặc sữa, sặc cháo cũng khiến trẻ bị bịt đường thở, khó thở, sặc sụa, tím tái dẫn đến tử vong. Lúc này, bố mẹ tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ vì sẽ khiến dị vật đi vào sâu hơn.

Xử trí:

Cách 1: Cha mẹ nên đặt bé nằm sấp trên đùi mình, đầu chúi về phía trước, thấp hơn phần thân, dùng tay chụm lại và vỗ nhẹ vào lưng bé. Với những bé lớn trên 3 tuổi, mẹ có thể yêu cầu bé đứng chúi đầu xuống đất, phần đầu thấp hơn ngực, rồi lấy tay vỗ vào giữa hai xương bả vai của con khoảng 5-7 cái với động tác dứt khoát.

Cách 2: Đặt bé nằm ngửa, đầu hơi ngửa ra đằng sau, lưng dựa vào người cha mẹ, dùng hai ngón tay ấn vào khoảng giữa rốn và phần cuối xương sườn khi ấn phải chú ý ấn vào bên trong và hơi đưa lên trên, động tác phải dứt khoát, nhanh và mạnh. Với những bé lớn có thể nắm lại thành quả đấm (ngón cái nằm trong) rồi cũng ấn mạnh vào khoảng giữa rốn và phần cuối xương sườn của bé, hướng lên trên.

Nếu trẻ vẫn tỉnh táo, hồng hào, không khó thở, vẫn khóc được, nói được thì giữ nguyên thế ngồi, nhanh chóng mang đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra, nếu đúng dị vật đường thở sẽ lấy ra. Nếu trẻ có biểu hiện tím tái, khó thở nặng, ngưng thở, không khóc được, không nói được thì sau khi gọi xe cấp cứu, cần phải tiến hành thủ thuật can thiệp kịp thời trong thời gian đợi xe tới.

Sơ cứu khi con bị bỏng

Khi trẻ không may bị bỏng lửa, nước sôi, cha mẹ và người thân cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nguồn gây bỏng và thực hiện các bước sau:

- Làm mát vết bỏng, tránh cho da khỏi bị rộp bằng cách mở vòi nước cho chảy chầm chậm lên vết bỏng khoảng 15 – 20 phút. Không dùng nước lạnh, nước đá (trong tủ lạnh) để làm mát da cho trẻ.

- Nhẹ nhàng tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như giầy, dép, vòng trước khi vết bỏng sưng nề.

- Che phủ vùng bỏng bằng gạc vô khuẩn. Nếu không có gạc có thể dùng vải sạch.

- An ủi trẻ, cho uống nước và đặt trẻ ở tư thế nằm.

- Nếu vết bỏng nhẹ, diện tích da bị bỏng nhỏ, tổn thương có thể tự liền nhờ quá trình biểu mô hóa, thì sau khi sơ cứu có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu nặng hơn thì ngay sau khi sơ cứu cần chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ điều trị kịp thời.

- Không làm bể các vết bỏng bọng nước vì có thể làm vết bỏng nhiễm trùng nặng thêm.

- Không bôi các chất như nước mắm, giấm, mỡ, kem đánh răng, bùn non lên vết bỏng sẽ làm vết bỏng nhiễm trùng nặng.

Sơ cứu con bị điện giật

- Đầu tiên, hãy cắt ngay nguồn điện. Người lớn đứng trên vật liệu cách điện khô, như quyển danh bạ điện thoại, và dùng thứ gì đó bằng vật liệu không dẫn điện như: nhựa, gỗ, vải khô để tách bé và nguồn điện. Không được chạm trực tiếp vào người bé nếu bé vẫn còn trong nguồn điện.

- Kiểm tra hơi thở của bé, để bé nằm nghiêng qua một bên, co một đầu gối lên, hạ đầu bé xuống để bé không nuốt phải nước dãi chảy ra. Đỡ cổ bằng một cái gối. Với trẻ sơ sinh, bế trong tay, đỡ đầu và hướng mặt xuống để tránh bị nghẹn. Tư thế này giúp bé thở dễ dàng hơn và không bị nghẹn.

- Nếu thấy trẻ bất tỉnh, cần kiểm tra nhịp thở, mạch đập và tiến hành cấp cứu thổi ngạt ấn tim khi có ngưng thở ngưng tim vì ngoài tổn thương bỏng điện tại chỗ, dòng điện còn có thể đi qua tim phổi gây ngừng tim ngừng thở. Khi thấy trẻ ngừng thở ngừng tim phải tiến hành hà hơi thổi ngạt – ép tim ngoài lồng ngực. Sau đó, nhanh chóng đưa bé đến ngay cơ sở y tế.

Sơ cứu khi con bị ngộ độc thực phẩm

- Pha một cốc nước muối loãng rồi cho trẻ bệnh uống, để trẻ nằm đầu thấp, đầu hơi nghiêng rồi dùng tay đặt vào lưỡi, ép cơ thể nôn được càng nhiều các thức ăn trong dạ dày ra càng tốt. Trong trường hợp trẻ bị hôn mê tuyệt đối không tiến hành gây nôn vì như vậy sẽ rất dễ gây sặc thức ăn hoặc tắc thở.

- Khi nôn, trẻ hay bị sặc lên mũi, người lớn phải nhanh chóng dùng miệng hút mũi trẻ nếu không trẻ sẽ bị sặc, khó thở và có thể dẫn đến tử vong.

- Cần bổ sung đầy đủ nước và chất điện giải nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Tuyệt đối không cho bé dùng thuốc cầm tiêu chảy bởi chỉ cần nguồn thức ăn bị tống hết ra ngoài hoặc tiêu hóa hết thì bệnh sẽ khỏi.
 

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang