Phát hiện 1,8 tấn ốc ở TP.HCM ngâm hóa chất khiến người tiêu dùng hoang mang
Mới đây, khi kiểm tra cơ sở sơ chế ốc ở quận 8 (TP.HCM), lực lượng chức năng phát hiện 1,8 tấn ốc ngâm hóa chất chuẩn bị bán ra thị trường. Cụ thể, vào ngày 18/5, Công an quận 8 (TP.HCM) phối hợp cùng Phòng Tài nguyên Môi trường quận 8 lập hồ sơ, xử lý 2 cơ sở bán ốc không rõ nguồn gốc, ngâm hóa chất độc hại.
Khoảng 7h cùng ngày, tổ công tác gồm Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế và Chức vụ (Công an quận 8) và Phòng Tài nguyên Môi trường quận 8 kiểm tra cơ sở sơ chế thịt ốc phường 7, quận 8 do ông Huỳnh Văn Trường (42 tuổi, chủ cơ sở) làm chủ.
Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 20 can nhựa chứa hóa chất không nhãn mác, không thời hạn sử dụng. Nhà chức trách tạm giữ 1,8 tấn ốc đã ngâm qua hóa chất.
Cũng trong sáng 18/5, tổ công tác còn kiểm tra cơ sở sơ chế thịt ốc của ông Nguyễn Minh Khánh (41 tuổi), nằm ở đường số 2, khu dân cư Bình Điền (phường 7, quận 8). Tại cơ sở này, đoàn kiểm tra phát hiện 400 kg ốc không rõ nguồn gốc đã sơ chế, chuẩn bị bán ra thị trường.
Có thể nói, ốc là một trong những thực phẩm rất được người dân Việt Nam ưa chuộng, dù là ăn những món nấu sẵn ngoài hàng quán như bún ốc, ốc chuối đậu, hay mua ruột ốc, ốc chế biến sẵn về nhà nấu nướng. Nếu ăn phải những loại ốc bị tẩm ướp hóa chất công nghiệp như này, quả thực chuyện gặp phải hậu quả đáng tiếc là điều khó tránh.
Ăn thịt ốc ngâm hóa chất công nghiệp, cơ thể "nhận về" đủ những vấn đề sức khỏe sau!
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) lên tiếng: "Đây là hành vi gian lận thương mại. Làm như vậy, người bán mới có lãi cao. Bởi lẽ, ốc ngâm hóa chất sẽ nặng thêm khoảng vài lạng mỗi cân. Trong khi đó, được ngâm hóa chất công nghiệp thì thời gian bảo quản cũng được lâu hơn. Qua ngày dùng không hết, loại ốc này lại được bỏ tủ lạnh hoặc cấp đông dùng kéo dài nhiều tháng, thậm chí cả năm chẳng sợ ôi hỏng".
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, ăn ốc tẩm ướp hóa chất công nghiệp rất nguy hiểm cho sức khỏe. Hậu quả trước mắt có thể là bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm. Nhưng về lâu dài, nếu cứ ăn những món khoái khẩu kiểu này có thể dễ mắc bệnh mãn tính. Trong đó nguy cơ ung thư là điều không thể tránh khỏi.
"Hóa chất công nghiệp vốn là những loại hóa chất thường được dùng sản xuất sơn, dệt nhuộm, công nghệ giấy. Trong các hóa chất này còn lẫn nhiều tạp chất nguy hại khác. Những loại hóa chất này đều có khuyến cáo sử dụng trong công nghiệp nhưng hòng trục lợi, một số gian thương vẫn mua và sử dụng sai mục đích", chuyên gia khẳng định.
Chuyên gia khuyến cáo, với những loại ốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhất là đã khêu sẵn như món bún ốc cần cảnh giác cao độ. Chỉ nên ăn ở những hàng quán mà mình thường xuyên ghé qua, nắm rõ được nguồn gốc được lấy và chế biến đảm bảo.
"Tốt nhất nên hạn chế tối đa ăn ngoài hàng quán vỉa hè vì có thể ăn phải ốc bẩn, ốc nhiễm sán, ốc cấp đông... Hoặc nếu có ăn cũng chỉ nên ăn ở những cửa hàng quen, uy tín, hiểu rõ quy trình nấu luộc. Nếu được, hãy tự mua ốc về làm, ghi nhớ đảm bảo thời gian ngâm ốc, sơ chế để loại bỏ bùn đất và ký sinh trùng để ăn ốc vừa ngon vừa sạch", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh đặc biệt nhấn mạnh.
Chuyên gia đặc biệt lưu ý, khi mua ốc về nhà tự chế biến cũng cần lưu ý. Để mua được ốc ngon, khi chạm tay vào vỏ ốc, mày ốc tụt nhẹ vào phía trong thì đó là con ốc còn sống và tươi. Nếu không có phản ứng gì hoặc bốc mùi khó chịu, nhiều khả năng, con ốc đó đã chết hoặc để từ lâu, không còn tươi.
Nếu mày ốc tụt sâu vào trong thì có khả năng con ốc đó gầy yếu, không ngon. Nếu mày ốc nằm ngay miệng thì con ốc đó béo, thịt dày. Không nên mua ốc vào đầu hoặc cuối tháng Âm lịch. Bởi lẽ đó là thời gian sinh sản của ốc nên xuất hiện nhiều con gầy hoặc ốc nhỏ, ít thịt, ăn không ngon.
Khi chọn được ốc ngon cần ngâm vào nước vo gạo hoặc ngâm cùng con dao kim loại hoặc các dụng cụ như muôi, thìa, đũa, đĩa... để nhả hết nhớt bẩn rồi mới chế biến. Khi luộc ốc để ăn chú ý luộc kỹ để ngăn chặn nhiễm ký sinh trùng, giun sán...
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.