1. “Tiên học lễ, hậu học văn”
Tại các trường học ở Nhật Bản, học sinh không cần phải làm bất cứ bài kiểm tra nào cho đến khi lên lớp 4 (10 tuổi). Trẻ em học lớp 1 - 2 - 3 chỉ cần làm một vài bài kiểm tra nhỏ, vì người Nhật tin rằng ba năm đầu tiên khi được đến trường, điều quan trọng nhất học sinh cần được học đó chính là lễ nghĩa. Các em được dạy cách tôn trọng người khác, yêu thương động vật và trân trọng thiên nhiên. Ngoài ra trong những năm tháng đầu tiên của cuộc đời, trẻ cũng phải học cách mở lòng từ bi, hào phóng và thông cảm. Ngoài ra chúng còn được dạy các phẩm chất như can đảm, gan dạ, tự lập và đối xử công bằng.
2. Năm học bắt đầu lúc hoa anh đào nở rộ
Trong khi hầu hết các trường học và trường đại học trên thế giới bắt đầu năm học của vào tháng 9 hoặc tháng 10, thì tại Nhật Bản trường lớp sẽ khai giảng vào ngày 1 tháng 4. Ngày đầu tiên đến trường ở Nhật Bản thường là một trong những ngày đẹp nhất năm - mùa hoa anh đào nở. Năm học được chia thành 3 học kỳ chính: Bắt đầu học kỳ I từ 1 tháng 4 đến 20 tháng 7, học kỳ II vào ngày 1 tháng 9 đến 26 tháng 12, học kỳ cuối bắt đầu từ 7 tháng 1 đến 25 tháng 3.
Vào mùa hè học sinh, sinh viên được nghỉ 6 tuần liền và được nghỉ tiếp 2 tuần vào mùa đông và mùa xuân.
3. Học sinh tự làm vệ sinh
Khác với trường học ở Việt Nam hay nhiều nước trên thế giới, trường học Nhật Bản không phải thuê lao công. Học sinh phải thay phiên nhau lau dọn các phòng học, nhà ăn, và thậm chí cả nhà vệ sinh. Mỗi tốp học sinh được chia thành từng nhóm nhỏ để luân phiên làm hết các nhiệm vụ trong một năm học. Nền giáo dục Nhật Bản tin rằng việc làm này giúp học sinh nâng cao tinh thần đoàn kết và khả năng phối hợp làm việc nhóm tốt hơn. Ngoài ra, để các em làm những công việc như quét nhà, lau dọn, chà rửa sẽ giúp cho chúng tôn trọng công việc mình đang làm cũng như hiểu rõ được tính chất lao động vất vả, không khinh thường hay miệt thị người lao động.
4. Ăn bữa cơm chất lượng tại lớp học
Hệ thống giáo dục Nhật Bản cố gắng hết sức để đảm bảo rằng học sinh có những bữa ăn lành mạnh và cân bằng cho sức khỏe. Ở các trường tiểu học công lập và trường trung học cơ sở, bữa trưa cho học sinh không chỉ được nấu bởi các đầu bếp nấu có trình độ mà còn được kiểm định bởi các chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, các học sinh sẽ dùng bữa ngay tại lớp học cùng với giáo viên. Việc này giúp tình thầy trò trở nên khắng khít hơn.
5. Học thêm ngoài giờ khá phổ biến
Để có thể vào học tại một trường trung học cơ sở chất lượng, hầu hết học sinh Nhật Bản phải học thêm ngoài giờ vào buổi tối. Cũng giống như ở Việt Nam, không lạ gì với hình ảnh những cô bé, cậu bé khệ nệ sách vở rời lớp học thêm vào cuối ngày. Học sinh Nhật Bản học ở trường 8 tiếng, ngoài giờ lên lớp còn tự học vào cuối tuần thậm chí là ngày nghỉ lễ. Vì vậy cũng dễ hiểu khi ở Nhật Bản hầu như không có bất kỳ học sinh nào ở lại lớp tại tất cả các cấp.
6. Học viết thư pháp
Chữ thư pháp hay còn gọi là Shodo ở Nhật Bản là dùng bút lông chấm mực tàu viết lên giấy gạo, cũng giống như thư pháp của Việt Nam. Đối với người dân Nhật Bản, Shodo là môn nghệ thuật phổ biến không kém so với vẽ tranh truyền thống. Ngoài ra, một hình thức khác nữa là Haiku, viết thơ bằng những câu từ đơn giản ngắn gọn nhưng sâu sắc. Cả hai hình thức đều dạy cho trẻ em cách tôn trọng nền văn hóa truyền thống lâu đời của người Nhật.
7. Tất cả học sinh đều phải mặc đồng phục
Hầu hết tất cả các trường trung học đều bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục khi đến trường. Trường học truyền thống của Nhật Bản có những quy định riêng như nam sinh sẽ mặc theo kiểu quân sự còn nữ sinh thì mặc theo phong cách thủy thủ. Chính sách mặc đồng phục nhằm loại bỏ rào cản xã hội giữa các học sinh, không phân biệt giàu nghèo, giúp các em thoải mái hơn. Ngoài ra đồng phục còn giúp trẻ em nhận thức được mình cũng là một phần của cộng đồng.
8. Không bao giờ có chuyện cúp học
Ở Việt Nam còn lạ gì chuyện học sinh cúp học, dám tự tin rằng trong 12 năm đèn sách cộng thêm 4 năm đại học bạn chưa một lần cúp học không? Nhưng học sinh Nhật lại khác, họ không bao giờ cúp học hay đến muộn dù chỉ một lần. Theo khảo sát thống kê thì có đến 91% học sinh Nhật Bản trả lời chưa từng trốn học hoặc không chú tâm nghe thầy cô giảng trong giờ.
9. Thi đại học cực kỳ khó
Một kỳ thi cực kỳ quan trọng quyết định tương lai của học sinh là kỳ thi cuối cấp ba. Học sinh có thể chọn trường đại học mà các em muốn vào và phải đáp ứng đủ các yêu cầu mà trường đó đề ra. Nếu không đủ điểm, các em chắc chắn sẽ không được học đại học dù là trường nào. Cuộc thi đòi hỏi khá cao, chỉ có khoảng 76% học sinh tốt nghiệp trung học và tiếp tục tham gia học đại học. Không có gì ngạc nhiên khi giai đoạn chuẩn bị và quá trình ôn luyện được người dân Nhật gọi là ”kỳ thi địa ngục”.
10. Đại học là kỳ nghỉ vui vẻ nhất đời người
Sau khi vượt qua ”kỳ thi địa ngục” thì đây là khoảng thời gian vui vẻ nhất của các tân sinh viên Nhật Bản. Đây là thời gian để lại nhiều kỷ niệm đẹp cho mỗi công dân trước khi họ bước vào guồng quay cuộc đời, trước khi lăn xả vì công việc và sự nghiệp của mình.
Theo sohuutritue.net.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.