Là cha mẹ, ai cũng muốn con mình cao lớn, thông minh. Họ thậm chí không tiếc tiền và thời gian để tìm các phương pháp hỗ trợ cho con mình. Tuy nhiên trên thực tế, có một quy luật tăng trưởng riêng đối với trẻ em, nếu cha mẹ nắm bắt và tận dụng được, chắc chắn trẻ sẽ phát triển chiều cao và trí tuệ vượt trội.
Hàng xóm của cô Lý có một đứa con trai đang học tiểu học, so với con của cô thì đứa bé này rất lanh lợi, cao lớn, khéo ăn nói, học lực cũng xuất sắc. Thế nhưng, gia đình người hàng xóm này rất bình thường, cô thắc mắc tại sao họ có thể nuôi dạy được một đứa trẻ xuất sắc như vậy. Trong một lần nói chuyện, cô Lý đã biết được nguyên nhân đằng sau.
Người hàng xóm này nói rằng: "Thực ra chúng tôi không có phương pháp gì đặc biệt. Tôi cho thằng bé ăn đầy đủ 3 bữa một ngày, ngủ đủ giấc. Tôi nghĩ sự khác biệt lớn nhất là thường đốc thúc thằng bé đi ngủ lúc 9 giờ, ngày nào cũng như vậy, sáng hôm sau thức dậy lúc 7 giờ".
Khi nghe hàng xóm nói vậy, cô Lý không khỏi thở dài: "Thằng con nhà tôi ham chơi lắm, càng khuya càng ham chơi, rất khó bảo nó đi ngủ sớm".
Người hàng xóm đáp lại: "Việc quan trọng nhất chính là rèn luyện thói quen cho đứa trẻ ngay từ nhỏ. Việc đi ngủ đúng giờ hoàn toàn không quá khó".
Để con trai cao lớn, cô Lý cũng bỏ không ít công sức mua thuốc bổ cho con dùng, không ngờ phương pháp giúp tăng trưởng chiều cao lại đơn giản như vậy.
2 thời điểm "vàng" nhất định phải để trẻ ngủ ngon
Chiều cao và IQ của trẻ chịu ảnh hưởng nhiều từ di truyền, nhưng chế độ ăn uống và giấc ngủ đóng vai trò quan trọng không kém. Nhiều cha mẹ chỉ chú trọng bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho con mình, nhưng việc trẻ ngủ như thế nào thì không phải ai cũng biết. Trên thực tế, chỉ cần 2 thời điểm sau trẻ ngủ ngon, cha mẹ đã thành công được 50% rồi.
- Từ 11 giờ tối đến 2 giờ sáng
Từ 11 giờ tối đến 2 giờ sáng là thời điểm tuyến yên tiết ra hormone tăng trưởng cao nhất. Khi trẻ bước vào trạng thái ngủ sâu, tức là ít nhất 1 – 2 tiếng sau khi chìm vào giấc ngủ, tuyến yên mới bắt đầu tiết ra nội tiết tố. Cha mẹ nên nắm bắt thời điểm vàng này, cho trẻ đi ngủ từ lúc 9 giờ tối.
- Từ 5 giờ đến 7 giờ sáng
Bên cạnh trẻ có giấc ngủ sâu vào ban đêm, trẻ sẽ lại chìm vào trạng thái ngủ sâu vào lúc 5 – 7 giờ sáng. Nhiều người cảm thấy không muốn dậy vào khung giờ này cũng vì như vậy. Đây là khoảng thời gian cao điểm thứ 2 để trẻ tiết ra hormone tăng trưởng, cha mẹ cũng cần phải nắm bắt được.
Làm thế nào để trẻ chịu đi ngủ sớm?
Nhiều cha mẹ để con cái tùy ý ngủ bất cứ khi nào chúng muốn. Điều này sẽ dẫn tới tình trạng "cú đêm" ở trẻ và luôn bỏ lỡ thời gian "vàng" để ngủ. Nếu cha mẹ kiên trì rèn luyện cho con mình thói quen ngủ đúng giờ, trẻ sẽ dần thay đổi.
Giáo sư Amanda Thacker của Đại học London đã nghiên cứu hơn 10.000 trẻ 7 tuổi và phát hiện ra rằng, những đứa trẻ thường đi ngủ sau 9 giờ tối có khả năng đọc và làm toán kém.
Vì vậy, giáo sư Amada cho rằng, việc đi ngủ muộn sẽ ảnh hưởng đến khả năng phản ứng và nhận thức của trẻ nhỏ, về lâu dài sẽ gây bất lợi cho sự phát triển trí tuệ.
- Đưa trẻ về trạng thái bình tĩnh trước khi ngủ
Trước khi ngủ khoảng 1 – 2 tiếng, cha mẹ không nên để trẻ chơi những trò cảm giác mạnh, nếu không sẽ khiến cho dây thần kinh não bộ của trẻ quá hưng phấn, khó đi vào giấc ngủ hơn. Đặc biệt, cha mẹ không nên đưa trẻ ra ngoài chơi lúc 8 giờ tối.
Ngoài ra, cha mẹ cũng không nên la mắng khiến cho tâm lý của trẻ sợ hãi, căng thẳng, ảnh hưởng tới giấc ngủ.
Cha mẹ nên giúp não bộ của trẻ được thư giãn thông qua việc trò chuyện, đọc sách hoặc chơi trò nào đó không gây quá hưng phấn.
- Thiết lập giờ ngủ cố định
Việc nhắc nhở đôi khi không mang lại hiệu quả cao như mong đợi của cha mẹ. Tốt hơn hết, cha mẹ nên cùng con thống nhất giờ đi ngủ cố định, chẳng hạn như trước 1,5 tiếng cần tắm rửa, ăn uống, làm bài tập, hoàn thành xong hết mọi thứ.
Trẻ em là tấm gương phản chiếu của người lớn, nếu cha mẹ vẫn mải miết xem phim truyền hình, dùng máy tính nhưng vẫn muốn bắt con mình đi ngủ sớm, điều này sẽ tạo cảm giác không công bằng cho con cái.
Vì thế, tốt nhất cha mẹ nên tắt đèn trong nhà lúc 9 giờ tối để cho trẻ ý thức được khung giờ này cần phải đi ngủ. Về mặt tâm lý, người ta tin rằng nếu một hành vi tồn tại trong 21 ngày, nó sẽ hình thành một thói quen. Và nếu tồn tại trong 90 ngày, nó sẽ trở thành một thói quen cố định, rất khó để thay đổi. Để trẻ rèn được thói quen ngủ đúng giờ, ban đầu cha mẹ cần kiên trì áp dụng cách này, dần dần cơ thể trẻ sẽ hình thành đồng hồ sinh học.
- Tạo bầu không khí yên tĩnh và ấm áp trước khi ngủ
Khi cơ thể ở trong môi trường ấm áp và yên tĩnh, trẻ sẽ dễ cảm thấy buồn ngủ hơn. Sau bữa tối, nếu không có việc gì làm, cha mẹ không nên bật đèn quá sáng trong nhà, chỉ nên bật đèn có ánh sáng dịu, mở vài bản nhạc nhẹ, kể chuyện cho con nghe. Trong một môi trường thoải mái như vậy, trẻ sẽ nhanh chóng buồn ngủ.
Nguồn: Sohu, Kknews
Link gốc: http://nhipsongviet.toquoc.vn/2-thoi-diem-vang-tre-can-ngu-ngon-de-phat-trien-chieu-cao-va-tang-cuong-tri-tue-cha-me-nhat-dinh-phai-biet-22202243165710461.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.