Nhiều người vẫn còn mặc định sai lầm: Người thành công là những người thông minh. Và nếu bạn thông minh, chắc chắn bạn sẽ thành công.
Thế nhưng, thực tế trong xã hội vẫn có nhiều cá nhân IQ cao nhưng chật vật tìm chỗ đứng hoặc không thấy ý nghĩa của cuộc sống. Đó là lý do mà ngày nay bên cạnh IQ (chỉ số thông minh), người ta càng chú trọng bồi dưỡng chỉ số EQ nhiều hơn.
Chỉ số EQ cao giúp một người có khả năng liên hệ và thấu cảm với những người xung quanh, giúp họ biết được lúc nào nên lùi bước lúc nào nên tiến lên trong những cuộc nói chuyện. Hiện nay, EQ đã trở thành một thước đo mang tính đương đại hơn cho các tổ chức khi muốn tìm kiếm, kết nạp nhân tài. Ngược lại, với những người không may mắn có chỉ số EQ thấp, bản thân họ sẽ gặp khó khăn trong việc phát triển các mối quan hệ cũng như tinh ý nắm bắt được cơ hội thăng tiến không "phô" ra trên giấy trắng mực đen.
Thật may mắn là chỉ số EQ được trau dồi qua kinh nghiệm sống và học hỏi qua thời gian. Cũng theo nghiên cứu từ Sohu, bạn có thể nhận ra bản thân có EQ thấp nếu thường xuyên nói một trong 3 câu dưới đây:
1. "Bạn không làm được đâu"
Ai cũng mong muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn. Do đó, đừng vội buông ra những câu nói làm nản chí người khác, chẳng hạn như: "Bạn không làm được đâu", "Điều này quá khó với bạn"... khi đối phương tâm sự với bạn về mục tiêu trong tương lai. Thứ nhất, bạn không thể đánh giá được đầy đủ tiềm năng khi họ theo đuổi dự án này chỉ bằng việc quan sát vẻ bề ngoài. Thứ hai, câu nói được bạn nói ra trong vô thức lại có thể làm tổn thương người khác.
Trong trường hợp tương tự, thay vì vội vàng phủ nhận quan điểm của người đối diện, người EQ cao chọn cách cùng bạn bè ngồi xuống thảo luận kỹ vấn đề, xác định phương hướng giải quyết.
2. "Bạn không xứng"
Người EQ cao, bất kể đang trò chuyện với ai, sẽ luôn dành sự tôn trọng và nhã nhặn cho người đối diện. Bởi vì đây là điều kiện cơ bản nhất để duy trì một mối quan hệ.
Tuy nhiên, không phải người nào cũng thấu hiểu được đạo lý này. Vì một vài xung đột cá nhân, hoặc do thiếu bình tĩnh, người EQ thấp có thể buông ra câu nói: "Bạn không xứng". Đây quả thật là một lời xúc phạm nặng nề, hoàn toàn phủ nhận khả năng của người đối diện.
Những đối tượng như vậy chắc chắc có chỉ số EQ thấp. Khoan bàn đến nhân cách anh ta, chỉ cần thông qua lời nói này cũng cho thấy họ là người không biết suy xét cảm nhận người khác, mang suy nghĩ áp đặt và nói chuyện không nghĩ đến hậu quả.
3. "Sao cũng được"
Dễ nhận ra, "Sao cũng được" đang là câu nói cửa miệng của nhiều người. Thực tế, trong các cuộc nói chuyện bình thường, câu nói này có thể được xem là lời đùa vui. Thế nhưng, khi ai đó đã "chuyển chế độ" nói chuyện nghiêm túc, đừng vội vàng buông 3 từ này nếu không muốn mất điểm trầm trọng trong mắt đối phương.
Bởi lẽ, "Sao cũng được" biểu hiện một thái độ lảng tránh vấn đề, không quan tâm đến sự phát triển trong mối quan hệ của hai người. Bên cạnh đó, câu nói này cũng là tín hiệu cho thấy chủ nhân của câu nói đang làm việc vô trách nhiệm, bất chấp hậu quả xảy đến.
Đặc biệt trong công việc, việc thường xuyên lặp lại cụm từ này sẽ gây ra tác dụng ngược. Đến một lúc nào, đồng nghiệp sẽ vô tình bỏ qua ý kiến của bạn, bởi họ thấy việc hỏi ý kiến của bạn rồi nhận lại câu trả lời "Sao cũng được" chỉ gây lãng phí thời gian.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.