4 hậu quả tai hại khi con thường xuyên chứng kiến cha mẹ cãi vã

(lamchame.vn) - Trẻ nhỏ thường xuyên chứng kiến cha mẹ cãi vã sẽ có ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách, sự phát triển toàn diện sau này.

Cuộc sống vợ chồng không tránh khỏi những lúc cãi vã, giận hờn. Tuy nhiên cha mẹ không nên để con cái chứng kiến những lúc bất đồng quan điểm ấy. Bởi không ít những trận cha mẹ cãi vã, đánh nhau... con cái nhìn thấy, chúng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách, tâm lý.

Dưới đây là những tác hại khi trẻ thường xuyên phải chứng kiến cha mẹ xung đột:

1. Trẻ bị tổn thương tâm lý

Theo bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), khi cha mẹ cãi vã đánh nhau, con là người tổn thương nhất. Trong suy nghĩ của trẻ, gia đình là mái ấm, là nơi yên bình để con lớn lên và phát triển. Khi chứng kiến cha mẹ bất đồng, niềm tin này trong trẻ bị phá vỡ. Những hành vi bạo lực, những lời nói tiêu cực của bố mẹ dành cho nhau ít nhiều sẽ tạo ra nỗi sợ hãi, bất an ở trẻ, thậm chí ghi vào trong trí nhớ, ký ức của trẻ, gây ra những tổn thương tâm lý lâu dài. Có những tổn thương tâm lý ở trẻ phải mất rất nhiều thời gian để chữa lành, và cũng có những vết thương sẽ theo trẻ đến tận khi trưởng thành.

4 hậu quả tai hại khi con thường xuyên chứng kiến cha mẹ cãi vã - Ảnh 1.

2. Trẻ tự cô lập bản thân

Theo chuyên gia tâm lý Hồng Hương – Thường trực Thư viện Lưu trú (Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam), khi trẻ thường xuyên chứng kiến những cuộc bạo lực, đặc biệt là từ cha mẹ, chúng sẽ trở nên ít nói, tự cô lập mình. Bởi tâm trạng của con thường xuyên căng thẳng. Khi có cảm giác không được yên bình, trẻ sẽ có xu hướng tạo vỏ bọc che chắn để không ai có thể vào được thế giới của mình. Con cái trở nên xa cách với cha mẹ khi mà mối dây liên hệ không có. Trẻ thu mình, khó giãi bày tâm tư với phụ huynh vì những rào cản tâm lý tạo ra. Điều này có thể gây tai hại khi trẻ lớn lên bước ra môi trường xã hội. Chúng rụt rè, ngại giao tiếp và cũng không có thói quen biết quan tâm, thể hiện tình cảm với những người mà mình yêu thương.

3. Suy giảm về nhận thức

Khi thần kinh và tâm trạng của trẻ luôn căng thẳng, sợ hãi, vùng học tập trên não của chúng sẽ đóng lại. Từ đó sự nhận thức và học tập của con bị hạn chế. Trẻ gặp phải vấn đề về khả năng nhìn nhận, đánh giá mọi việc xung quanh và từ đó việc nhận thức bị suy giảm.

Ngoài ra việc bố mẹ thường xuyên bất đồng sẽ có không có thời gian và tâm trạng để ở bên con và dạy dỗ con. Trẻ sẽ không có người định hướng, làm gương... Từ đó chúng dễ mắc sai lầm hoặc hoang mang về tương lai của mình.

4 hậu quả tai hại khi con thường xuyên chứng kiến cha mẹ cãi vã - Ảnh 2.

4. Xu hướng dùng bạo lực

Điều tai hại thứ 4 khi trẻ thường xuyên chứng kiến cha mẹ mâu thuẫn đó là xu hướng con dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Con thường học theo người lớn, nhất là bố mẹ. Việc thường xuyên chứng kiến cảnh cha mẹ đánh mắng, cãi vã để giải quyết mâu thuẫn sẽ khiến trẻ tin rằng sử dụng bạo lực, chửi mắng là cách để giải quyết vấn đề hoặc để đạt được điều mình muốn. Trẻ sẽ học theo những hành động, lời nói của bố mẹ, dẫn đến việc chúng sẽ sử dụng bạo lực hoặc những lời lẽ không phù hợp trong cách ứng xử để giải quyết vấn đề với những người xung quanh.

Một nghiên cứu đã chỉ ra, việc phải chứng kiến các cuộc cãi vã trong nhà của cha mẹ khiến con trẻ gia tăng tới 30% các vấn đề liên quan đến hành vi.

5. Mối quan hệ gia đình bị rạn vỡ

Sự bất hòa giữa bố mẹ sẽ tác động tiêu cực tới mối quan hệ gia đình, giữa bố mẹ với nhau và giữa bố mẹ với các con. Khi phụ huynh thường xuyên cãi vã, đánh nhau, hai người sẽ rất khó để tìm được tiếng nói chung trong việc nuôi dạy, chăm sóc con cái. Bố mẹ có thể mang tâm trạng không tốt đi dạy con. Từ đó trẻ có nguy cơ bị trút giận. Điều này sẽ tăng thêm những tổn thương không chỉ ở tâm lý mà còn cả thể chất ở trẻ em.

Ngoài ra, trẻ sẽ có xu hướng bênh vực người này mà ghét bỏ người kia. Từ đó mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình bị phá vỡ.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang