4 người tử vong do Whitmore ở Quảng Trị, trong đó có một thuyền viên tàu Vietship 01

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị, từ đầu năm đến nay có 4 trường hợp tử vong do Whitmore, và hiện tỉnh vẫn còn 30 ca bệnh đang điều trị.

Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị thông báo có 4 ca tử vong

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết, từ ngày 2/2 đến 23/11, bệnh viện đã ghi nhận 30 ca bệnh Whitmore do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên.

Đặc biệt, từ ngày 14/10, sau đợt lũ đầu tiên xảy ra tại các địa phương ở trong tỉnh đến nay, có 24 người bị nhiễm bệnh Whitmore. Hiện đã có 4 ca tử vong.

Người tử vong đầu tiên có liên quan đến bệnh Whitmore là ông N.V.B. (sinh năm 1969, trú tại quận Hải An, Hải Phòng). Ông B là một trong số 11 thuyền viên bị mắc kẹt trên con tàu Vietship 01 bị chìm ở biển Quảng Trị trong khoảng từ ngày 8-11/10.

4 người tử vong do Whitmore ở Quảng Trị, trong đó có một thuyền viên tàu Vietship 01 - Ảnh 1.

Vi khuẩn Whitmore ẩn chứa trong nước, đất

Ông B. được xét nghiệm máu, chẩn đoán mắc bệnh Whitmore vào ngày 14/10. Ba trường hợp còn lại là H.V.V. (sinh năm 1945, trú tại xã Lìa, huyện Hướng Hóa), N.T.L. (sinh năm 1958, trú tại xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ) và H.C.D. (sinh năm 1973, trú tại xã Hải Lâm, Hải Lăng) - 3 người này cùng ở Quảng Trị.

Bác sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết, mỗi năm bệnh viện ghi nhận trên 10 ca mắc bệnh Whitmore, khoảng 1/10 số bệnh nhân bị tử vong. Năm nay, sau nhiều đợt lũ liên tiếp, số ca bệnh Whitmore tăng đột biến do nước lũ phát tán vi khuẩn gây bệnh đi nhiều nơi.

Đa số trường hợp tử vong do phát hiện quá muộn, có bệnh nền nặng. Để chữa khỏi bệnh Whitmore, bác sĩ Lâm cho biết phải điều trị dài ngày, có thể kéo dài đến 6 tháng với liệu trình chặt chẽ.

Cách phòng bệnh Whitmore

Ths. Đào Thị Thanh Huyền - Khoa Vi Sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, cho biết Whitmore (hay còn gọi là bệnh melioidosis) là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do loài vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên.

Whitmore có bệnh cảnh lâm sàng rất đa dạng, tiến triển nhanh và có thể gây tử vong nhanh với tỷ lệ tử vong cao nếu bệnh nhân không được chẩn đoán đúng và điều trị kháng sinh phù hợp.

Bệnh Whitmore đã được nghiên cứu khá tỉ mỉ ở Việt Nam trước những năm 1975. Nếu tìm kiếm trên tạp chí y học quốc tế thì có khoảng 50 bài báo nghiên cứu liên quan bệnh này ở Việt Nam. Tuy nhiên, bệnh lại bị lãng quên trong 4 thập kỷ qua.

4 người tử vong do Whitmore ở Quảng Trị, trong đó có một thuyền viên tàu Vietship 01 - Ảnh 2.

Ảnh bệnh nhân bị Whitmore

B. Pseudomallei là vi khuẩn sống trong đất, vì thế con đường lây nhiễm chính của bệnh là qua tiếp xúc các vết trầy xước trên da với đất hoặc nước có có vi khuẩn. Lây nhiễm qua con đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất có vi khuẩn trong những trận gió lốc xoáy trước cơn mưa cũng đã được đề xuất. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra những bằng chứng nhiễm bệnh khi ăn các thức ăn có vi khuẩn.

Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học thuyết phục nào về lây bệnh giữa người với người hoặc từ động vật sang người qua con đường không khí. Vì thế, nhiễm bệnh Whitmore thường lác đác, lẻ tẻ chứ không bùng phát thành dịch hoặc đại dịch.

Các triệu chứng của melioidosis khác nhau tùy thuộc vào loại nhiễm trùng. Thông thường phải mất hai đến bốn tuần để các triệu chứng xuất hiện sau khi tiếp xúc với vi khuẩn.

Tuy nhiên, các triệu chứng có thể mất vài giờ hoặc nhiều năm để xuất hiện và một số người mắc bệnh mà không có triệu chứng. Khi vào tới cơ thể, loại vi khuẩn này sẽ tấn công nhiều cơ quan, dẫn đến suy đa tạng rồi sốc và tử vong.

Nghiên cứu huyết thanh học cho thấy hầu hết các trường hợp nhiễm trùng là không triệu chứng. Những biểu hiện lâm sàng nặng chủ yếu xảy ra trên cơ địa có yếu tố nguy cơ.

Bác sĩ Huyền cho biết hiện không có vắc-xin cho con người để ngăn ngừa melioidosis.

Những người sống trong hoặc đến những khu vực phổ biến bệnh melioidosis nên thực hiện những điều sau để ngăn ngừa nhiễm trùng:

+ Khi làm việc với đất hoặc nước, mang ủng và găng tay không thấm nước.

+ Tránh tiếp xúc với đất và nước đọng nếu bạn có vết thương hở, tiểu đường hoặc bệnh thận mãn tính.

+ Tránh tiếp xúc nơi đông người

+ Nhân viên y tế nên đeo khẩu trang, găng tay và áo choàng khi tiếp xúc với người bệnh.

Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/4-nguoi-tu-vong-do-whitmore-o-quang-tri-trong-do-co-mot-thuyen-vien-tau-vietship-01-162202411151121918.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang