Phong cách giáo dục của cha mẹ thường diễn ra đồng thời với sự phát triển của trẻ. Chúng được thể hiện cụ thể thông qua qua thái độ, cách cư xử, hành vi của cha mẹ với việc học tập, sinh hoạt hằng ngày và vui chơi của con cái. Việc sử dụng những nguyên tắc dạy con phù hợp sẽ giúp trẻ có thể phát triển nhân cách toàn diện ở tuổi trưởng thành.
Tuy nhiên, trong cuộc sống, kỳ thực không có một phương pháp hay hướng dẫn cụ thể nào có thể áp dụng hoàn toàn cho việc nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, sẽ có một số nguyên tắc khiến việc giáo dục con dễ dàng hơn. Một trong số là những nguyên tắc xuất hiện trong cuốn sách The Sound of Hope (Âm thanh của hy vọng) có thể mang đến cho cha mẹ những kinh nghiệm bổ ích.
Đặc biệt, những nguyên tắc này đều được dựa trên những hiện tượng tự nhiên, vì thế mà rất dễ hiểu, dễ áp dụng. Điều đó cũng lí giải vì sao mà 4 nguyên tắc này lại khiến nhiều bậc phụ huynh ngưỡng mộ và áp dụng đến như thế.
Nguyên tắc 1: Nguyên tắc bể cá
Hiện tượng tự nhiên: Dù được nuôi dưỡng hay chăm bẵm cẩn thận như thế nào đi chăng nữa, cá vàng ở vùng nhiệt đới được nuôi trong bể khi lớn lên chỉ dài tối đa khoảng 30cm. Tuy nhiên, nếu chúng ta đem loại cá này thả xuống ao thì chỉ hai tháng sau, bằng một cách kỳ diệu, con cá ban đầu dài tối đa 30cm có thể phát triển lên đến 34cm.
Từ hiện tượng trên có thể thấy, giáo dục con trẻ chẳng khác gì việc nuôi cá vàng, nếu cha mẹ muốn con phát triển một cách toàn diện thì hãy "thả" chúng vào một không gian tự do, nơi trẻ được tha hồ vùng vẫy. Ngược lại, nếu phụ huynh quá bao bọc, o bế con trẻ thì chẳng khác nào nhốt con vào “bể cá”, đứa trẻ lớn lên trong đó thì vĩnh viễn chẳng thể trở thành con cá lớn và thế giới của chúng chỉ thu bé lại có từng đấy mà thôi!
Kinh nghiệm cho cha mẹ: Phụ huynh cũng chẳng bao giờ có thể bảo vệ con suốt đời trong chiếc "bể cá" mà cha mẹ xây cho chúng. Do đó, hãy cho con có không gian tự do riêng để phát triển, hạn chế áp đặt ý kiến cá nhân của mình lên trẻ. Việc tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài giúp con tiếp cận được với nhiều kiến thức hơn và vì thế chúng sẽ rắn rỏi, mạnh mẽ và trưởng thành hơn.
Nguyên tắc 2: Nguyên tắc con sói
Hiện tượng tự nhiên: Dũng mãnh, thông minh, cơ trí, quyết đoán là những từ ngữ để miêu tả về chó sói - loài động vật săn mồi đáng sợ được ví như những chiến binh gan dạ chốn cao nguyên rộng lớn. Chúng là loài động vật có tính hiếu kỳ mạnh nhất trong giới tự nhiên, chúng không bao giờ coi bất cứ điều gì là đương nhiên, mà có khuynh hướng tự mình khám phá và chiêm nghiệm
Vì vậy, muốn bồi dưỡng năng lực học tập cho con trẻ, nhất định phải khơi gợi được tính hiếu kỳ và ưa khám phá của chúng. Có thể nói, tính hiếu kỳ giúp trẻ khám phá thế giới xung quanh. Ðây là điều tốt vì có quá nhiều thứ trẻ cần phải học hỏi. Ngoài ra, việc tự khám phá là cách tốt nhất để bé có kiến thức, biết tư duy và đó là nền tảng của học vấn sau này.
Kinh nghiệm cho cha mẹ: Hãy hướng dẫn con khám phá cuộc sống một cách tỉ mỉ, lấy hứng thú làm mục đích của học tập. Đứa trẻ được giáo dục như vậy sau này sẽ trở thành một người ưu tú, trong công việc có thể đưa ra những sáng kiến và suy nghĩ mới mẻ.
Nguyên tắc 3: Hiệu ứng gió Nam
Hiện tượng tự nhiên: Giữa gió Nam và gió Bắc thì thử hỏi bên nào mạnh hơn? Gió Bắc bất kể là mãnh liệt, vũ bão thế nào cũng chỉ khiến người ta mặc thêm nhiều quần áo hơn để chống cự. Trong khi gió Nam thổi vào mùa hè, chỉ cần phe phẩy nhè nhẹ là đã khiến người ta phải trút bỏ bớt quần áo cho đỡ nóng nực.
Hiệu ứng gió Nam đã nói cho chúng ta một điều, khoan dung là một nguồn sức mạnh diệu kỳ có tính uốn nắn mạnh mẽ. Điều đó cũng cần được áp dụng trong cách giáo dục con, phụ huynh lúc nào cũng phê bình con cái, không thỏa mãn hay công nhận thành tích của con, thường xuyên so sánh con với "con nhà người ta" thì sẽ càng khiến trẻ không chịu nghe lời.
Kinh nghiệm cho cha mẹ: Đứa trẻ nào cũng có thể phạm sai lầm, cha mẹ cần phải khoan dung với khuyết điểm của con, phải biết xử lý các vấn đề trong sinh hoạt hàng ngày một cách khách quan, lý trí và khoa học. Đây là cơ hội tốt để định hướng, giáo dục trẻ đi theo con đường đúng đắn và nhận ra ý nghĩa cuộc sống.
Nguyên tắc 4: Hiệu ứng Robert Rosenthal
Hiện tượng tự nhiên: Robert Rosenthal là một nhà tâm lý học người Mỹ, năm 1966 ông làm một thí nghiệm thú vị về sự kỳ vọng đối với các học sinh. Ông đến một lớp học và chọn ra vài cái tên ngẫu nhiên trong danh sách lớp, sau đó ông đặt tên nó là danh sách “Những học sinh có triển vọng nhất” rồi giao cho giáo viên chủ nhiệm. 8 tháng sau Rosenthal cùng người trợ lý quay lại lớp học kia, và kỳ tích đã xảy ra, tất cả những em có tên trong danh sách đều trở thành những học sinh xuất sắc của lớp.
Bí quyết nâng cao thành tích học tập của các em học sinh kia thật ra rất đơn giản, đó là vì chúng đã được thầy giáo quan tâm và đánh giá cao hơn. Nếu đánh giá quá cao hay quá thấp về mình sẽ khiến trẻ không có động lực phấn đấu. Như con chim nhỏ non nớt, trẻ rất khó tự đánh giá mình chính xác. Do đó, con trẻ cần sự đồng hành của các bậc cha mẹ trong việc đưa ra các tiêu chí và thước đo hợp lý cho con mình.
Kinh nghiệm cho cha mẹ: Cha mẹ kì vọng con trở thành người như thế nào, trẻ sẽ có khả năng trở thành người như thế. Mọi đứa trẻ đều có thể trở thành thiên tài nếu chúng được tin tưởng và kì vọng đúng mực, đặt chúng vào một môi trường thích hợp để phát triển toàn diện hơn.
Tổng hợp
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.