Trong các vấn đề liên quan đến sự phát triển của trẻ, hầu hết bố mẹ đều đặc biệt quan tâm đến chiều cao của con. Làm thế nào để con cao lớn hơn bố mẹ, hơn bạn bè, đó là chủ đề nóng nhận được sự quan tâm của các bậc phụ huynh.
Đứa trẻ cao lớn, bố mẹ sẽ tự hào, ngược lại, con chậm phát triển sẽ khiến bố mẹ lo lắng. Có người luôn băn khoăn: Tại sao con ăn uống tốt mà lại thấp lùn hơn các bạn?
Khi tìm hiểu rõ nguyên nhân, nhiều chuyên gia đã chỉ ra có thể những đứa trẻ trên đã được bố mẹ nuôi sai cách. Chiều cao của trẻ tăng trưởng chậm, thậm chí trì trệ không chỉ liên quan đến chế độ ăn mà còn chịu tác động lớn của giấc ngủ. Điều này lại ít được bố mẹ quan tâm.
Giấc ngủ cũng là một phần rất quan trọng vì quá trình phát triển chiều dài xương chủ yếu diễn ra vào ban đêm. Theo các nhà khoa học Mỹ, 90% sự phát triển của xương diễn ra vào lúc ngủ hoặc nghỉ ngơi; thiếu ngủ hoặc thức trắng đêm sẽ ảnh hưởng đến phát triển chiều cao dần đều theo thời gian. Ngủ ngon, ngủ sâu giúp cơ thể tiết hormone tăng trưởng, giúp tăng hấp thu canxi, kích thích xương dài ra và phát triển thể chất toàn diện.
Có 3 thói quen của trẻ trước khi đi ngủ, bố mẹ cần bỏ ngay nếu không, trẻ sẽ khó ngủ ngon, ngủ đủ giấc, về lâu dài sẽ khiến trẻ chậm phát triển, bố mẹ cần lưu ý:
1. Cho con ăn sát giờ đi ngủ
Cha mẹ yêu chiều con là điều dễ hiểu nhưng yêu con cũng cần có nguyên tắc. Có người thấy con kêu đói vào buổi tối, dù đã gần giờ đi ngủ nhưng vẫn chiều chuộng cho con ăn đêm vì sợ rằng nửa đêm con sẽ đói rồi tỉnh giấc, ngủ không ngon.
Ăn uống sát giờ đi ngủ, dù là ăn bánh kẹo, đồ ăn vặt... cũng khiến cho hệ tiêu hóa của trẻ phải làm việc, tăng gánh nặng cho các cơ quan nội tạng, dẫn đến đầy bụng, khó tiêu,trào ngược dạ dày... Thức ăn không kịp tiêu hoá cùng lượng dịch vị tiết ra nhiều hơn trong giấc ngủ gây ứ, trướng dạ dày, trào ngược lên thực quản, rỉ ra họng, tràn vào thanh quản. Tình trạng dịch vị ở dạ dày trào lên thực quản thường xuyên, lâu ngày có thể gây viêm thực quản dẫn đến ho.
Bác sĩ Đặng Thu Hiền (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) nhấn mạnh: Tất cả các bữa ăn của trẻ đều nên kết thúc trước 19h. Từ 19h trở đi chỉ nên cho trẻ ăn sữa mẹ hoặc sữa công thức. Bác sĩ cũng lưu ý thêm rằng, sau khi cho con ăn hoặc uống sữa, mẹ nên để trẻ nghỉ ngơi hoặc hoạt động nhẹ nhàng ít nhất 2 giờ để thức ăn kịp tiêu hóa hết trong dạ dày.
2. Trêu chọc con trước giờ đi ngủ
Nhiều gia đình hiện đại, bố mẹ đi làm về muộn, thời gian chơi với con buổi tối khá ít ỏi, lúc ở bên con cũng là lúc gần giờ đi ngủ. Họ muốn tranh thủ khoảnh khắc ngắn ngủi đó chơi đùa cùng con, nhưng lại cho con chơi quá sức, chạy nhảy nhiều, cười đùa không ngừng...
Việc này kéo dài vừa khiến trẻ đi ngủ muộn dẫn đến ngủ không đủ giấc mà còn làm cho hệ thống cơ của trẻ mệt mỏi, đêm trẻ sẽ ngủ không ngon. Không những vậy, sang ngày hôm sau, trẻ còn không đủ sức để vận động, ăn uống không ngon miệng, ảnh hưởng đến sự phát triển sức khỏe và thể chất của trẻ.
3. Xuất hiện cảm xúc tiêu cực trước giờ đi ngủ
Nếu cha mẹ trách phạt, mắng mỏ hoặc làm bất cứ điều gì khiến trẻ nảy sinh các cảm xúc tiêu cực, trẻ sẽ đi ngủ với nguyên tâm trạng tồi tệ đó thì chất lượng giấc ngủ sẽ bị giảm đi rất nhiều. Trẻ có thể gặp ác mộng, ngủ không ngon, khó đi vào giấc ngủ. Việc này nếu lặp lại nhiều lần sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, thậm chí còn khiến đối mặt với các vấn đề về sức khỏe khác.
4. Xem điện thoại, tivi trước giờ ngủ
Nghiên cứu từ Đại học Hoàng gia London cho biết sử dụng điện thoại, ti vi trước giờ đi ngủ sẽ khiến giấc ngủ của trẻ ngắn hơn, chất lượng giấc ngủ kém hơn và ban ngày lại buồn ngủ quá mức.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.