Ít người biết rằng gan là cơ quan có khả năng dự trữ và khả năng tái tạo mạnh mẽ. Bác sĩ Pan Zhanhe, Phó trưởng khoa Ung thư của Bệnh viện Trung Sơn trực thuộc Đại học Hạ Môn (Trung Quốc) cho biết, chỉ cần 1/3 tế bào gan hoạt động bình thường thì sẽ không ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể. Nhưng cũng vì vậy mà chúng ta rất khó phát hiện ra ung thư gan ở giai đoạn sớm.
Ung thư gan thường chỉ có triệu chứng đau rõ rệt ở các giai đoạn nặng (Ảnh minh họa)
Bởi vì đến giai đoạn muộn thì bệnh mới bộc lộ ra những triệu chứng rõ ràng như đau hay rối loạn chức năng gan, sụt cân… Chưa kể, thời gian nhân đôi thể tích khối u của ung thư gan quá nhanh. Không ít trường hợp khám sức khỏe định kỳ hàng năm nhưng vẫn không theo kịp tốc độ phát triển của khối u gan, dẫn tới phát hiện muộn và tỷ lệ tử vong cao.
Cụ thể, theo Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế GLOBOCAN, nếu ung thư gan khu trú trong gan, tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 28%. Nếu ung thư gan di căn (đã phát triển sang các cơ quan lân cận) thì tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 7%. Còn một khi ung thư gan di căn xa (di căn đến các cơ quan hoặc mô ở xa), thời gian sống sót sẽ thấp đến 2 năm.
Tuy nhiên, ung thư gan giai đoạn đầu không phải là hoàn toàn không có triệu chứng. Bác sĩ Pan nhắc nhở mỗi chúng ta hãy chú ý đến 5 bất thường trên làn da sau đây, bởi vì rất có thể chúng đang cảnh báo sớm bệnh ung thư gan:
1. Vàng da
Đây là một trong những bất thường phổ biến nhất và đến sớm nhất khi mắc các bệnh về gan, đặc biệt là ung thư gan. Tuy nhiên, không phải ai cũng để ý đến hoặc nhận ra tầm quan trọng của nó.
Bác sĩ Pan cho biết, nguyên nhân là do nồng độ bilirubin tăng cao trong máu. Hiện tượng vàng da xảy ra khi khối u lớn nằm gần ống mật chủ gây chèn ép từ bên ngoài hoặc xâm lấn vào ống mật, gây ra gián đoạn dòng chảy của mật. Hoặc là do ung thư gan trên nền xơ gan dẫn tới suy gan và gây vàng da.
Để phân biệt vàng da do ung thư gan với triệu chứng vàng da của các bệnh lý khác, nên biết rằng vàng da do bệnh này đi kèm với vàng mắt, nước tiểu sẫm màu hơn.
2. Da xuất hiện nhiều mụn
Khi da đột nhiên mọc nhiều mụn, nhất là mụn trứng cá ở vùng mặt thì hầu hết mọi người đều nghĩ đến rối loạn nội tiết tố, chế độ ăn uống không lành mạnh mà dễ bỏ qua nguyên nhân tử ung thư gan.
Trong khi đó, gan có nhiệm vụ thải độc cho cơ thể. Nếu gan kém - chức năng gan suy giảm sẽ dẫn tới đào thải độc tố không được hiệu quả. Điều này dễ bị phản ánh lên làn da như vàng da, da xỉn màu, mụn nhọt.
Tương tự như vậy, khi tế bào ung thư gan hình thành, việc thanh lọc độc tố của gan không thể được đảm bảo. Các chất độc bị tích tụ lại càng nhiều thì mụn trứng cá cũng xuất hiện nhiều hơn trên mặt. Chưa kể tới nó còn gây mất cân bằng nội tiết và hormone, nên càng sinh ra nhiều mụn trứng cá.
Vì vậy, nếu như bạn đã qua độ tuổi dậy thì mà mụn trứng cá vùng mặt cứ mọc liên tục thì tốt nhất nên đi khám cả da liễu và tầm soát ung thư gan.
3. Ngứa da
Ngứa mắt hoặc ngứa da không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu của tổn thương gan, thậm chí ung thư gan.
Bởi vì gan bị tổn thương sẽ dẫn đến giảm khả năng dự trữ máu, mắt không được máu nuôi dưỡng khiến mắt bị khô và ngứa. Ngoài ra, bác sĩ Pan giải thích rằng, sau khi gan bị tổn thương, quá trình chuyển hóa mật sẽ bị ảnh hưởng và sẽ bị tích tụ lại trong gan. Nếu hàm lượng cao sẽ làm kết tủa muối mật, muối mật sẽ theo máu đi vào kích thích các đầu mút dây thần kinh, có thể gây ra các bệnh ngoài da và ngứa da.
4. Lòng bàn tay mẩn đỏ
Trong y học, triệu chứng lòng bàn tay mẩn đỏ khi mắc bệnh gan còn có tên gọi riêng là bị gan bàn tay. Bao gồm dấu hiệu ửng đỏ ở trong lòng bàn tay hoặc thậm chí là nổi các nốt ban đỏ. Theo bác sĩ Pan, triệu chứng gan bàn tay phổ biến nhất ở các bệnh nhân bị xơ gan và viêm gan mãn tính, ung thư gan.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do suy giảm chuyển hóa estrogen và khả năng bất hoạt do suy giảm chức năng gan. Lúc này, những mạch ở bàn tay người bệnh có xu hướng giãn nở nhiều hơn và dẫn đến ửng đỏ lòng bàn tay.
Điểm khác biệt của những nốt ban, ửng đỏ lòng bàn tay do bệnh gan là chúng sẽ biến mất khi bạn ấn mạnh xuống, da tay tái nhợt đi và chúng lại xuất hiện sau khi ngừng ấn.
5. Nốt ruồi hình nhện
Những người mắc bệnh gan ở giai đoạn nặng, bao gồm viêm gan cấp tính, xơ gan và nhất là ung thư gan thường xuất hiện nốt ruồi hình nhện trên da. Đó được gọi là sao mạch.
Nốt ruồi hình nhện thường xuất hiện khi gan mắc bệnh, bị suy giảm chức năng (Ảnh minh họa)
Một khối u trong gan là nguyên nhân khiến máu khó lưu thông qua các tĩnh mạch nhỏ ở thực quản về tĩnh mạch lớn, dần dần gây ra giãn tĩnh mạch và hình thành sao mạch. Điều này cũng lý giải tại sao mà sao mạch thường xuất hiện nhiều nhất ở những nơi dày đặc các mao mạch như mặt, cổ, bàn tay và ngực…
Ngoài ra, sự hình thành sao mạch còn xuất phát từ tình trạng gia tăng nồng độ estrogen trong máu. Trong khi suy giảm chức năng gan sẽ dẫn đến điều này. Vì vậy, nếu trên da xuất hiện các nốt ruồi nhện bất thường, hãy nhanh chóng đến bệnh viện thăm khám để không bỏ lỡ “thời điểm vàng” điều trị ung thư gan.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.