Đặt mình vào vị trí của con
Một khi bạn bắt đầu quan sát và tìm hiểu về con, bạn sẽ có thể hiểu được (thậm chí là dự đoán được) phản ứng và những mối quan tâm của chúng. Việc thay đổi những định kiến hay quy tắc làm bố làm mẹ cứng nhắc, để có thể nhìn sự việc theo cách mà các con đang nhìn, đang cảm nhận và từ đó chúng ta có thể hỗ trợ con một cách rõ ràng và tích cực hơn.
Nhìn sự việc theo quan điểm của trẻ, đặt mình vào vị trí của con thì bạn mới biết được đôi lúc những phản ứng thái quá của con là điều rất dễ hiểu chứ chẳng phải con đang ương bướng gì cả. Đây cũng là cách tốt nhất để hiểu được con, dạy dỗ con bằng tình yêu và sự khích lệ và tránh việc làm cho con xấu hổ hoặc cảm thấy bị áp đặt.
Khi con tỏ thái độ, chắc chắn đã có vấn đề gì đó xảy ra
Lấy ví dụ một cô bé 3 tuổi mỗi khi gặp bà cụ hàng xóm trong thang máy đều tỏ ra cáu kỉnh và hét lên “Cháu ghét bà”. Đương nhiên là bố mẹ cô bé cảm thấy rất xấu hổ và lo lắng rằng tính tình con gái mình quá thô lỗ. Tuy nhiên chuyên gia về tâm lý trẻ em lại giải thích điều này theo một hướng khác. Nhiều khả năng cô bé cư xử theo cách tiêu cực như vậy là bởi cô bé cảm thấy mình quá bé nhỏ trong một thang máy đông đúc. Có lẽ cô bé đang cảm giác sợ hãi khi nhìn thấy hoặc phải tiếp xúc gần với người phụ nữ mà cô bé không hề quen biết.
Chưa kể bố mẹ lại thường có thói quen bắt ép con trẻ phải chào người lớn, dù là những người chúng chẳng biết là ai cả. Đó cũng là lý do mà bé gái kia không chịu giao tiếp và tỏ thái độ khó chịu như thế. Và thường thì chúng ta chỉ thấy những hành vi không tốt của con rồi la mắng, thậm chí là dùng hình phạt ép con phải thay đổi chứ không thật sự nhìn thấy vấn đề tiềm ẩn bên dưới hành vi của con.
Đó không phải do con bạn là bộ não của chúng hành động
Tất cả chúng ta đều có những cảm nhận riêng về những sự việc xung quanh và những cảm xúc này sẽ ùa đến ngay cả trước khi bạn nhận ra được lý do của chúng là gì. Đối với bọn trẻ con, quá trình cảm xúc này còn dữ dội hơn nữa. Ở độ tuổi chập chững biết đi cho đến 5 tuổi, trẻ con thường bị chi phối bởi cảm xúc và những phản ứng của chúng bộc phát vô chừng chứ không thể nào suy nghĩ thấu đáo như người lớn được. Trong quá trình phát triển này, từ sự dạy dỗ của bố mẹ, trải qua những hoạt động và tương tác mỗi ngày, trẻ con mới dần dà tạo nên được sự liên kết giữa lý trí và cảm xúc. Hãy luôn nhớ rằng, trẻ con lên 3 lên 5 thật sự chưa thể điều chỉnh được cảm xúc của chúng và cũng chưa thể tự ngăn mình làm những điều không nên làm.
Sự lặp lại là bình thường và vô cùng cần thiết
Trẻ ở độ tuổi chập chững cần phải trải qua các sự kiện nhiều lần thì mới có thể làm chủ được chúng, đặc biệt là đối với thứ khó khăn như quản lý cảm xúc. Nhiều lần thực hành, nhiều lần lặp đi lặp lại là rất cần thiết. Mỗi lần bạn an ủi, khích lệ con vượt qua sự sợ hãi, mỗi lần bạn giúp con đối diện với vấn đề bằng cách gọi tên cảm giác mà con đang trải nghiệm… trẻ sẽ dần dà hình thành nên sự liên kết giữa suy nghĩ và cảm xúc. Có thể bạn sẽ phải làm điều này đến hàng trăm hàng nghìn lần thì con mới bắt đầu “ngấm” được mọi thứ.
Khi bạn không giữ nổi bình tĩnh mắng con, bạn sẽ làm gì tiếp theo?
Sẽ không ít lần bạn không thể giữ được bình tĩnh nữa và bắt đầu quát tháo, dọa nạt bắt con phải làm theo ý mình. Bạn sẽ phải làm sao? Điều quan trọng là mỗi bậc phu huynh cần phải nhìn thấy và hiểu được trong những năm phát triển “ẩm ương” này của con thì nhu cầu của chúng (được chơi, được khám phá, được yêu thương, bảo vệ…) và nhu cầu của bố mẹ (có thời gian cho bản thân, muốn con nghe lời) sẽ hoàn toàn không trùng khớp với nhau được.
Một đứa trẻ có thể nổi đóa khi được mẹ mang giày cho kịp giờ đến trường bởi nó muốn được tự làm điều đó. Đôi lúc bạn sẽ xử lý rất tốt trong tình huống này, đôi lúc không. Tuy nhiên việc xảy ra sự cố vượt tầm kiểm soát không phải là vấn đề, bạn nổi giận hay la mắng trẻ cũng không sao, miễn là sau đó bạn và con vẫn tạo ra một sự kết nối tích cực, một sự sửa chữa. Hãy cho con biết rằng cho dù khoảnh khắc không vui có xảy ra nhưng bạn vẫn luôn ở đây bên cạnh con, không đổ lỗi, không trách móc.
Theo Helino
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.