Giao tiếp hàng ngày nơi công sở vẫn luôn là đề tài thu hút được nhiều sự chú ý, bàn tán, tranh luận. "Lời nói gói vàng" - khi biết sử dụng nó một cách khôn khéo cũng như uyển chuyển, chị em sẽ gặt hái được những thành công ngoài mong đợi. Ngược lại, nếu cách giao tiếp không khôn khéo, cái kết mà nhiều chị em công sở nhận được sẽ chỉ xoay quanh hai từ "chát đắng".
Dạo một vòng các mạng xã hội, chị em có thể bắt gặp không ít nội dung xoay quanh việc hướng dẫn giao tiếp trong môi trường công sở sao cho phù hợp cũng như chiếm được thiện cảm của đồng nghiệp và sếp. Nhiều nhất trong số đó là những câu chuyện được các chuyên gia, diễn giả chia sẻ trên kênh Youtube nổi tiếng của TED.
Nếu đang gặp vấn đề về câu chuyện giao tiếp nơi công sở, chị em có thể học hỏi 5 bí quyết giao tiếp đơn giản bên dưới đây để luôn nhận được thiện cảm cũng như cái nhìn tích cực không chỉ từ đồng nghiệp mà còn từ khách hàng và đối tác:
1. "Sau đó thì sao?"
Đã bao giờ chị em tự hỏi vì sao một số người luôn được đồng nghiệp chọn làm "địa chỉ" tin cậy để chia sẻ và trút bầu tâm sự, trong khi đó một số người lại chẳng ai thèm chơi và chia sẻ. Gốc rễ vấn đề có thể đến từ nhiều nguyên nhân, nhưng một trong số đó là do chị em chưa thật sự biết cách lắng nghe hoặc dù biết cách lắng nghe nhưng vẫn chưa tạo được cho đối phương cảm giác chúng ta thật sự quan tâm câu chuyện mình đang được kể.
Trong trường hợp này, bí quyết vô cùng đơn giản. Trong một bài chia sẻ trên TED, tiến sĩ Mark Holder từng nói rằng, việc lắng nghe một cách đơn thuần là chưa đủ. Bên cạnh đó, chúng ta cần thêm vào một số yếu tố khác để tạo hứng khởi cho người kể. Cụ thể, những câu hỏi ngắn gọn và súc tích nhưng tạo tương tác theo kiểu: "Sau đó thì sao?", "Mọi việc diễn tiến theo chiều hướng như thế nào sau đó?", "Kể thêm một chút xíu nữa đi!" sẽ vô cùng đáng giá trong trường hợp này.
2. "Cảm ơn"
Bên cạnh "Xin lỗi", một trong những câu cửa miệng mà chúng ta vẫn hay dùng đó chính là "Cảm ơn". Đôi khi chỉ để biểu đạt sự lịch sự, chúng ta vẫn cứ sử dụng cụm từ này, chẳng đợi đến khi được người khác giúp đỡ. Những tưởng chỉ là một câu cửa miệng đơn giản, tuy nhiên, "Cảm ơn" luôn mang đến cho người nghe những cảm xúc dễ chịu và tích cực.
Tiến sĩ Laura Tricetin rằng, việc biết "Cảm ơn" một cách đúng lúc giúp chúng ta đạt được nhiều thứ hơn trong công việc và cuộc sống. Đơn cử, những mối quan hệ sẽ dễ dàng được làm đầy chỉ thông qua việc nói "Cảm ơn".
3. Điều chỉnh âm vực giọng nói
Môi trường công sở luôn có những cấp bậc được phân chia rất rõ ràng. Ngày hôm nay, chị em có thể là những nhân viên bình thường, trực tiếp thực hiện những công việc được giao. Tuy nhiên, sau thời gian đồng hành cùng công ty trưởng thành qua những thử thách, theo lẽ thường, chị em sẽ được cân nhắc lên những vị trí cao hơn nếu năng lực đủ sức đáp ứng.
Và thời điểm đó, sử dụng ngôn từ giao tiếp như thế nào để tạo được sức nặng cũng như ảnh hưởng lại là câu chuyện mà không phải ai cũng có thể làm được. Đối với mỗi đối tượng khác nhau, cần có phương thức giao tiếp khác nhau để mang lại hiệu quả. Và điều chỉnh âm vực sao cho phù hợp là một trong số đó.
Việc điều chỉnh âm vực sẽ giúp người nghe nhận thức được tính chất quan trọng của vấn đề một cách rõ ràng để từ đó có thể điều chỉnh hành vi của bản thân mình cho đúng. Một khi đã là sếp, chị em đừng để nhân viên tưởng mình đang "giỡn mặt" chỉ bởi không biết điều chỉnh âm vực khi nói chuyện.
4. Lắng nghe có tâm
Nguyên tắc vàng trong mọi cuộc giao tiếp nằm ở yếu tố lắng nghe một cách có tâm. Lắng nghe có tâm không chỉ thể hiện ở việc chị em nghe người khác nói không sót một chữ nào, mà hơn hết nó thể hiện thông qua việc chúng ta hiểu tường tận và sống cùng với những cảm xúc mà người nói đang tạo ra.
Celeste Headlee – chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình và radio chia sẻ rằng: "Hãy lắng nghe người khác nói một cách có tâm và liên tục sử dụng những câu hỏi mở để khơi gợi mạch câu chuyện. Bên cạnh đó, đừng bao giờ áp đặt suy nghĩ của bản thân mình lên suy nghĩ của người khác. Đừng bao giờ tỏ ra chán nãn và thất vọng với những câu chuyện mà mình được chia sẻ".
5. Bạn nghĩ gì?
Mọi tình huống giao tiếp thành công đều bắt nguồn từ hai chiều, nơi cả người nói và người nghe tương tác lẫn nhau tạo nên mạch câu chuyện. Chị em có những suy nghĩ của riêng bản thân mình thì những người đồng nghiệp cũng có quan điểm và góc nhìn của riêng họ.
Do đó, quan tâm đến suy nghĩ cũng như cảm xúc của đối phương trong giao tiếp là việc rất cần thiết. Trong mỗi trường hợp, chị em vẫn hãy cứ tậm niệm: "Nếu là anh/cô ấy, họ sẽ nghĩ gì về vấn đề này?".
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.