7 khoảnh khắc con cảm thấy được cha mẹ yêu thương nhất, có từ 3 khoảnh khắc trở lên đủ chứng minh một gia đình hạnh phúc!

(lamchame.vn) - Gia đình hạnh phúc là tiền đề cho một tương lai tươi sáng.

Những câu nói hay về gia đình ngắn gọn, đáng suy ngẫm

Những khoảnh khắc ấm áp từ cha mẹ giống như những tia sáng vô hình, xuyên thấu tâm hồn, nuôi dưỡng từng ngóc ngách trong cuộc sống con trẻ. Chúng xây dựng sự phong phú và kiên cường trong tâm hồn của trẻ, trở thành bậc thang vững chắc giúp trẻ tự cứu mình và trưởng thành khi đối mặt với khó khăn sau này.

Có thể cha mẹ không biết nhưng có 7 khoảnh khắc sau khiến trẻ cảm nhận được tình yêu, kết nối trái tim của cha mẹ và con cái, sưởi ấm lẫn nhau và cùng nhau tỏa sáng.

1. Không so sánh con với người khác, chỉ quan tâm đến sự phát triển của con

Nhà tâm lý học Leon Festinger trong Lý thuyết So sánh Xã hội đã chỉ ra rằng: Con người có một động lực tự đánh giá bẩm sinh, đó là so sánh mình với người khác. Trong mắt các bậc phụ huynh, con cái cũng là một phần của quá trình tự đánh giá này.

Những bậc cha mẹ tốt không bao giờ so sánh điểm yếu của con với điểm mạnh của người khác, thay vào đó họ khuyến khích con bằng cách khẳng định khả năng của chúng, từ đó khơi dậy động lực bên trong.

Trong phim Forrest Gump, nhân vật chính Forrest bị khuyết tật bẩm sinh, trí tuệ kém phát triển và phải đi lại với dụng cụ hỗ trợ chân. Để xóa tan mặc cảm của Forrest, mẹ cậu đã nói rằng: "Đây là đôi giày thần kỳ, nó sẽ đưa con đi khắp thế giới".

Dù trí thông minh chỉ đạt 75, mẹ Forrest vẫn kiên quyết để cậu được học hành bình đẳng như những người khác. Nhờ nỗ lực của bà, Forrest cuối cùng đã được chấp nhận vào trường. Mẹ luôn nói với Forrest rằng: "Con không khác gì người khác, con cũng như bao người khác thôi".

Nhờ lời dạy của mẹ, Forrest không ngừng cố gắng trong cuộc sống, từ một cậu bé khuyết tật trở thành vận động viên bóng bầu dục, rồi thương gia thành đạt. Sự công nhận của cha mẹ giống như ánh sáng soi đường, giúp trẻ tràn đầy tự tin và kiên định.

7 khoảnh khắc con cảm thấy được cha mẹ yêu thương nhất, có từ 3 khoảnh khắc trở lên đủ chứng minh một gia đình hạnh phúc! - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

2. Khi con mắc lỗi, cha mẹ không trách mắng, thay vào đó nói rằng "Không sao cả"

Trong một video hot trên mạng xã hội, một cậu bé vô tình làm đổ ly nước trái cây đầy ra bàn, khiến mọi thứ trở nên lộn xộn. Bố của cậu không tức giận mà mỉm cười, lấy khăn giấy và cùng cậu lau dọn. Nhìn thấy ánh mắt lo lắng của con trai, mẹ cậu lập tức trấn an: "Không sao đâu, lát nữa là sạch thôi". Sau khi nghe lời mẹ, khuôn mặt cậu bé lập tức rạng rỡ trở lại.

Nhà văn người Pháp Romain Rolland đã nói: "Đời người cần phải phạm sai lầm, vì sai lầm giúp chúng ta học hỏi thêm". Khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ cần giữ bình tĩnh và thân thiện, làm gương cho con trong việc xử lý cảm xúc.

Cha mẹ là người dẫn đường, thái độ của họ quyết định thái độ của con với cuộc sống. Khi không bị chỉ trích, trẻ sẽ cảm thấy an toàn hơn và có thái độ sống lạc quan hơn.

3. Không vội vàng phủ nhận ý kiến của con, cho phép con là chính mình

Nhà tâm lý học nổi tiếng Carl Rogers đã từng nói: "Cha mẹ nên khuyến khích trẻ bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình, thay vì đàn áp sự phản kháng của chúng". Đôi khi, sự "không nghe lời" hay "chống đối" của trẻ chỉ là một phần của quá trình trưởng thành.

Những bậc cha mẹ thông minh học cách đón nhận điều này một cách điềm tĩnh.

Khi nói về con trai của nữ nghệ sĩ nổi tiếng Cbiz Y Năng Tịnh, nhiều người nhớ đến cậu với hình ảnh "nổi loạn" vì thích mặc trang phục nữ. Thay vì trách mắng con trai, Y Năng Tịnh đã chấp nhận và ủng hộ cậu.

Cha mẹ cần giúp con tăng cường sức mạnh nội tại để trẻ có đủ can đảm đối mặt với thế giới. Mỗi đứa trẻ đều có cảm xúc và trải nghiệm riêng, và những cảm xúc đó cũng rất quan trọng. Cha mẹ không nên phủ nhận cảm xúc của trẻ mà hãy lắng nghe và thấu hiểu, từ đó xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn.

4. Hiểu và khuyến khích con dũng cảm đối mặt với sự thật

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Trẻ em thuộc Đại học Toronto, Canada: Ở độ tuổi lên 2, có 20% trẻ sẽ nói dối. Đến 3 tuổi, con số này tăng lên 50%, và khi trẻ 4 tuổi, tỷ lệ này gần đạt 90%.

Lời nói dối thường là một cách khác để trẻ biểu đạt tâm tư, trong nhiều trường hợp, nó bắt nguồn từ bản năng tránh bị phạt của trẻ. Ví dụ: Khi trẻ gây ra lỗi, trẻ có thể nói dối rằng người khác đã làm; hoặc khi thi không tốt, trẻ có thể báo sai điểm số.

Nhà triết học Bertrand Russell từng nói: "Trẻ không trung thực gần như luôn là kết quả của sự sợ hãi".

Khi nói thật phải trả giá, trẻ sẽ tự nhiên chọn cách nói dối. Do đó, phụ huynh cần thay đổi cách đối xử với con cái: Khi trẻ phạm sai lầm, đừng quá khắt khe, mà hãy tập trung vào việc giúp trẻ nhận ra sai lầm và cách khắc phục. Hãy để trẻ hiểu rằng, phạm lỗi không quá đáng sợ, từ đó trẻ mới có dũng khí để đối diện và thành thật với lỗi lầm của mình.

5. Khi con có kết quả không tốt, không bao giờ bỏ rơi con

Có một câu chuyện như sau: Một người mẹ tham gia họp phụ huynh, giáo viên nói rằng con trai bà đứng cuối lớp về môn toán và nghi ngờ rằng cậu bé có vấn đề về trí tuệ, đề nghị bà nên đưa cậu bé đi kiểm tra.

Tuy nhiên, bà mẹ lại nói với con trai mình: "Cô giáo nói thực ra con không hề kém, chỉ cần con tiếp tục cố gắng, chắc chắn con sẽ vượt qua bạn cùng bàn của mình".

Cậu bé rất vui, khác hẳn mọi ngày, không xem tivi nữa, ăn xong liền đi học bài. Cuối cùng, dưới sự khích lệ của mẹ, cậu bé đã thi đỗ vào trường đại học trọng điểm.

Sự thành công của người mẹ trong việc giáo dục con trai mình chính là bà không hề trách móc hay bỏ rơi con, mà luôn tin tưởng và động viên con.

Trong tâm lý học có một thuật ngữ gọi là "lời tiên tri tự hoàn thành", nghĩa là con người sẽ hành động theo cách mà họ tin vào, và cuối cùng biến niềm tin đó thành sự thật.

Người lớn khen con chăm chỉ, con sẽ tự giác học mà không cần ai nhắc nhở; người lớn càng nói con giỏi, con sẽ càng cố gắng chứng minh mình xuất sắc.

Dù có gặp trở ngại, con cũng sẽ cố gắng vượt qua, không để bản thân làm phụ lòng mong đợi của người lớn.

Cha mẹ nên thường xuyên động viên và khen ngợi con, điều này sẽ tiếp thêm sức mạnh cho con, giúp con vững bước trên đường đời.

6. Chấp nhận những cơn giận của con

Một chuyên gia giáo dục từng nói rằng, khi trẻ em nổi cáu, chúng thường chỉ biết ăn vạ, la hét vì ngoài cách này ra, trẻ không biết cách nào khác để thể hiện cảm xúc của mình, và chưa ai dạy cho chúng cách biểu đạt cảm xúc đúng cách.

Vì vậy, cha mẹ cần dạy trẻ cách bày tỏ cảm xúc của mình. Ví dụ, khi đồ chơi của trẻ bị bạn bè làm hỏng, trẻ có thể cảm thấy buồn bã. Lúc này, bạn có thể hướng dẫn trẻ nói ra cảm xúc và yêu cầu của mình, chẳng hạn: "Con cảm thấy rất tức giận vì bạn ấy đã chơi đồ chơi của con mà không xin phép, rồi còn làm hỏng nó. Con muốn bạn ấy đền bù cho con".

Việc giúp trẻ diễn đạt cảm xúc bằng ngôn từ thực chất là giúp trẻ từ trạng thái cảm xúc bùng nổ dần chuyển sang trạng thái bình tĩnh hơn và sử dụng lý trí.

Trong cuốn sách Nhìn thấy con trẻ, nhà tâm lý học trẻ em người Mỹ Becky Kennedy đã nói: "Đằng sau cơn giận dữ, chúng ta nhìn thấy một đứa trẻ đang tích tụ nhiều nỗi đau". Không có cơn giận nào là vô cớ, chỉ có những mong muốn và yêu cầu chưa được lắng nghe. Trẻ nổi giận vì nhu cầu tâm lý của mình chưa được đáp ứng.

Khi nhận ra được những yêu cầu ẩn giấu đằng sau cơn giận của trẻ, hãy ở bên cạnh và giúp trẻ giải tỏa cảm xúc một cách hợp lý. Chỉ có như vậy, trẻ mới từng bước thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực và dần trở thành người làm chủ cảm xúc của chính mình.

7. Không ép con phải chia sẻ đồ chơi

Có tài liệu cho thấy rằng sau khi trẻ em bước vào độ tuổi 2, chúng bắt đầu bước vào giai đoạn nhạy cảm về quyền sở hữu. Trẻ em dần nhận thức được quyền sở hữu đối với tài sản của mình và bắt đầu thể hiện ý thức bảo vệ quyền lợi của mình.

Khi trẻ hiểu cách bảo vệ quyền lợi của mình, chúng mới học được cách tôn trọng quyền của người khác.

Một người mẹ đưa con trai tên Carson đến chơi ở công viên. Ở đó, có 6 cậu bé nhìn thấy Carson đang cầm đồ chơi Transformers và muốn chia sẻ món đồ chơi này. Carson tỏ rõ thái độ phản kháng, ôm chặt món đồ chơi vào ngực và nhìn mẹ.

Người mẹ thấy con không muốn chia sẻ nên nói với con rằng con có thể từ chối yêu cầu của những đứa trẻ khác. Tuy nhiên, những phụ huynh khác trong công viên lại tỏ ra không hài lòng và cho rằng cả mẹ lẫn con đều thiếu lịch sự.

Nhưng người mẹ không để tâm đến những lời đó, cô kiên quyết nói với con: "Chúng ta không sống trong một thế giới mà ai yêu cầu con chia sẻ thì con bắt buộc phải đồng ý".

Một nhà giáo dục từng nói: "Tự tin không phải là tin vào bản thân, mà là có được sự tự tin nhờ tình yêu".

Sự thấu hiểu và ủng hộ của cha mẹ chính là điểm tựa vững chắc nhất trên con đường trưởng thành của con cái. Điều này không chỉ truyền đạt cho trẻ sự tôn trọng đối với quyền lợi cá nhân mà còn giúp trẻ có thêm sự tự tin và lòng dũng cảm.

Những sức mạnh này sẽ đồng hành cùng trẻ trong suốt quá trình trưởng thành, giúp trẻ vừa kiên quyết bảo vệ bản thân, vừa đối xử tử tế với người khác.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang