Cảm lạnh
Cảm lạnh chắc chắn là căn bệnh rất phổ biến trong mùa đông nếu bạn giữ ấm không đúng cách hoặc sức đề kháng cơ thể quá yếu. Do đó, giữ ấm cơ thể mỗi khi ra đường hoặc trong lúc ngủ là rất quan trọng để hạn chế bệnh cảm lạnh tấn công.
Ngoài ra, bạn cũng cần nhớ rửa tay thường xuyên để loại bỏ vi khuẩn bám đầy tay gây bệnh. Đặc biệt, nếu đã lỡ bị bệnh rồi thì bạn hãy sử dụng khăn giấy dùng 1 lần chứ đừng dùng khăn tay lau mặt, mũi để hạn chế bệnh "lặp đi lặp lại" nhiều lần.
Đau nhức khớp
Những bạn bị viêm khớp thường cảm thấy khó chịu và đau nhức hơn vào mùa đông khi nhiệt độ xuống quá thấp. Nếu gặp trường hợp này thì song song với việc đi khám bác sĩ, bạn nên cố gắng tập thể dục đều đặn mỗi ngày sẽ giúp khắc phục các cơn đau hiệu quả.
Viêm họng
Đau họng thường xảy ra vào mùa đông có thể là do virus gây ra hoặc có khi do nhiệt độ thay đổi quá đột ngột nên gây ảnh hưởng đến cổ họng. Do đó, vào mùa lạnh, ngoài việc nhớ giữ ấm phần cổ thì bạn cũng cần tập thói quen súc miệng bằng nước ấm có pha chút muối sẽ giúp sát trùng cổ họng hiệu quả và hạn chế bệnh viêm họng tấn công.
Hen suyễn
Không khí lạnh là một yếu tố chính gây ra các triệu chứng hen như thở khò khè và thở dốc. Đặc biệt, những người có tiền sử bị hen suyễn nên cẩn thận hơn vào mùa đông. Tốt nhất là bạn nên hạn chế ra ngoài vào những đêm quá lạnh và đầy gió. Nếu cần phải ra ngoài thì nên choàng một cái khăn thật dày che cả cổ, miệng và mũi để hạn chế bệnh hiệu quả. Đối với những bạn từng bị hen suyễn thì nên nhớ mang thuốc xịt/hít theo bên mình để phòng ngừa bệnh tái phát bất ngờ.
Khô da
Da khô là tình trạng hầu như khó ai tránh được khi thời tiết chuyển lạnh. Nếu bạn để da khô nghiêm trọng thì có thể khiến da dễ bị tổn thương hơn bởi các yếu tố gây hại từ bên ngoài. Vậy nên, bạn cần phải chú ý dưỡng ẩm da tốt hơn bằng các loại kem dưỡng ẩm. Thời điểm thoa kem dưỡng ẩm tốt nhất là ngay sau khi tắm và trước khi ngủ bạn nhé. Ngoài ra, bạn cũng không nên tắm nước quá nóng vì nhiệt độ quá nóng sẽ khiến da khô hơn, đặc biệt bạn cần nhớ uống nước đầy đủ để chống khô da hiệu quả.
Lạnh bàn tay, bàn chân
Hiện tượng Raynaud là một tình trạng phổ biến vào mùa đông khi các ngón tay và ngón chân vì quá lạnh nên bất ngờ đổi màu và đau đớn bất thường. Lúc này, các ngón tay, chân có thể chuyển sang màu trắng, sau đó là màu xanh rồi đỏ và kèm theo các cơn run.
Điều này là do khi nhiệt độ quá lạnh sẽ khiến các mạch máu nhỏ của bàn tay và bàn chân bị co thắt, từ đó làm giảm lưu lượng máu đến tay và bàn chân. Trong những trường hợp nghiêm trọng có thể để lại di chứng suốt đời. Do đó, giữ ấm tay chân vào mùa lạnh bằng tất và găng tay là điều tuyệt đối không thể quên để bảo vệ sức khỏe tốt hơn bạn nhé.
Đau tim
Theo nghiên cứu thì các cơn đau tim thường phổ biến hơn vào mùa đông. Điều này có thể là do thời tiết lạnh làm tăng huyết áp và gây nhiều căng thẳng hơn lên tim. Ngoài ra, trái tim của bạn cũng phải làm việc nhiều hơn để duy trì nhiệt lượng cơ thể khi trời lạnh.
Do đó, để không phải đối mặt với các bệnh liên quan về tim thì vào mùa lạnh, bạn nên nhớ luôn giữ ấm cơ thể, giữ ấm phòng ở và mỗi khi ra ngoài thì nên trang bị đủ trang phục ấm như áo khoác, khăn choàng, mũ, găng tay, tất...
Trên đây là những căn bệnh mùa đông mà bạn thường gặp nhất. Hãy lưu ý đến những dấu hiệu này để có biện pháp phòng tránh kịp thời trong mùa đông bạn nhé.
Nguồn: NHS
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.