Tính độc lập là phẩm chất cần có mà cha mẹ nào cũng phải rèn luyện cho con ngay từ khi còn nhỏ. Ngay cả khi không muốn, cha mẹ cũng nên để trẻ làm những công việc phù hợp với độ tuổi. Thay vì cho con cá, hãy đưa cho trẻ chiếc cần câu. Ở thời điểm hiện tại, với sự bao bọc của cha mẹ, cô bé, cậu bé đó có thể sống tốt. Tuy nhiên khi bố mẹ mất đi, liệu ai sẽ là người bao bọc chúng?
Thật đáng tiếc, ngày nay nhiều bậc phụ huynh đã bỏ qua chi tiết này, làm trẻ mất đi tính độc lập. Sự che chở bao bọc không đúng cách có thể là chất độc mãn tính đẩy trẻ vào bi kịch. Để nói về câu chuyện bao bọc sai cách nhất thì phải kể đến trường hợp của Dương Toả.
Dương Toả sinh năm 1986 tại Tín Dương, Hà Nam (Trung Quốc). Không phải là gia đình có thế mạnh về kinh tế nhưng là con một, cậu luôn được bố mẹ yêu chiều.
Theo QQ, người dân trong làng nói rằng khi lên 8 tuổi, anh vẫn được cha mẹ cho vào giỏ tre và khiêng đi vì lo bị ngã. Chỉ cần cậu bé thích gì, bố mẹ sẽ gắng hết sức để mua. Họ cũng không để đứa con trai của mình làm bất kì việc gì. Đôi lúc Dương Toả cũng muốn làm việc này việc kia nhưng chỉ cần chạm tay vào một chút, bố mẹ đã nhắc cậu ra ngoài chơi, không cần giúp.
Cậu bé Dương Toả. Ảnh: QQ.
Sau khi tan học, dẫu nhà gần trường, nhưng vợ chồng Dương Khiết Trì vẫn nhất định phải có 1 người đưa đón cậu. Với sự cưng chiều này, Dương Toả cho rằng việc học là khó khăn và không muốn học. Cậu chỉ học đến hết cấp 2 và bỏ.
Năm 13 tuổi, cha của Dương Toả qua đời vì bệnh gan, gánh nặng gia đình dồn lên vài người mẹ. Mặc dù vậy, mẹ cậu vẫn quyết không để cậu làm bất kì công việc gì. Tuy nhiên chính vì làm việc quá sức nên sức khoẻ của bà ngày càng giảm sút, tài chính gia đình cũng trở nên khó khăn.
Lúc này Dương Toả cũng đến tuổi trưởng thành, người mẹ đặt nhiều niềm hy vọng vào cậu con trai duy nhất. Vì được bao bọc từ nhỏ nên cậu bé họ Dương không thể làm được gì. Cậu vẫn dựa vào mẹ trong mọi việc từ nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, đến kiếm tiền.
Vài năm sau, mẹ của Dương Toả qua đời vì bạo bệnh và cậu không còn ai để dựa dẫm. Anh họ vì thấy đáng thương nên đã giới thiệu cho cậu một công việc và rủ đi theo để làm việc trên công trường. Nhưng công trường là nơi làm việc vất vả nên Dương không thể chịu đựng nổi. Cậu bỏ về nhà sau hai ngày làm việc. Sau đó người trong làng cũng giới thiệu cho cậu công việc bồi bàn. Nhưng vì quen được bố mẹ chăm sóc nên cậu cũng không hoàn thành công việc này.
Lần trở về nhà này, Dương Toả ở nhà và không đi đâu nữa. Những người hàng xóm tốt bụng không nỡ nhìn thấy cậu khổ cực nên thỉnh thoảng mang cho chút thức ăn. Tuy nhiên, chàng trai 23 tuổi khi đó hoàn toàn không biết nấu, cũng không thèm tự học. Những đồ dân làng cho nếu có thể ăn trực tiếp thì cậu sẽ ăn còn không sẽ bỏ cho hỏng.
Khi không còn ai cho đồ ăn, cậu sẽ bán dần đồ nội thất trong nhà. Thậm chí mùa đông, khi trời rét buốt, cậu cũng đốt đồ đạc để sưởi ấm.
Cuối năm 2009, anh họ của Dương Toả thương tình mang cho cậu một chiếc chăn bông. Nhưng đến nơi, người anh đã thấy chàng trai đã qua đời vì đói và rét trong chính căn nhà của mình.
Theo QQ, sau này người đã sản xuất bộ phim về Dương Toả để nhắc nhở các bậc phụ huynh trong việc nuôi dạy con.
Vậy bố mẹ cần làm gì để rèn luyện tính độc lập ở trẻ?
Bà Karen VanAusdal, Giám đốc cao cấp của Tổ chức hợp tác về học tập, xã hội và cảm xúc có trụ sở tại Chicago (Mỹ) cho biết quan trọng của sự trưởng thành là trẻ học được cách đưa ra quyết định độc lập và điều hướng các tình huống thách thức khi cần thiết.
Mặc dù việc dạy trẻ mầm non tự cất quần áo hoặc lấy đồ ăn trong một bữa tiệc có thể khác với việc tự làm chủ khi chúng ở tuổi thiếu niên và trưởng thành. Song những việc này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Với những việc làm dù nhỏ nhất cũng là tiền để chúng học cách tự chăm sóc bản thân và quan tâm người khác.
Dưới đây là những cách tiếp cận nhằm khuyến khích tính độc lập của trẻ, theo khuyến cáo của CNN:
1. Kỹ năng xây dựng mối quan hệ
Maurice J.Elias, giáo sư tâm lý học tại Đại học Rutgers (Mỹ) cho rằng: ''Con người vốn không phải là cá thể độc lập cả về sinh học và xã hội. Sự gắn bó con người với con người trong các tổ chức gia đình, trường học, công sở, tôn giáo - tạo nên ý nghĩa và mục đích sống của chúng ta''.
Định hình một kỹ năng mới giúp trẻ nhận thức được vai trò lớn hơn của mình trong gia đình và cộng đồng. Cha mẹ có thể cho trẻ tương tác với người khác trong siêu thị như giúp mở cửa cho người đứng sau hoặc nói lời cảm ơn khi được giúp đỡ... Những kỹ năng đó không chỉ là phép lịch sự mà còn là cơ sở xây dựng mối quan hệ cân bằng trong tương lai.
2. Đừng ép chúng
Bạn có thể bắt đầu với những điều cơ bản như yêu cầu chúng tự đưa ra lựa chọn đơn giản, tự quyết định đôi giày muốn đi, chọn một món quà giành tặng người bạn thân. Ảnh: Internet
Đối với những đứa trẻ tự ti, cha mẹ không nên quá nóng vội, hãy chậm rãi, tôn trọng trạng thái cảm xúc và khả năng thực hành của trẻ. Hãy để trẻ làm việc gì mà chúng sẽ thành công, hơn là ép chúng thực hiện một thử thách khó khăn.
Với trẻ nhỏ, VanAusdal gợi ý, bạn có thể bắt đầu với những điều cơ bản như yêu cầu chúng tự đưa ra lựa chọn đơn giản, tự quyết định đôi giày muốn đi, chọn một món quà giành tặng người bạn thân. Việc đưa ra ra những quyết định nhỏ sẽ giúp chúng cảm thấy tự tin hơn khi đảm nhận những quyết định quan trọng hơn. Bên cạnh đó, kết hợp trách nhiệm với một đặc ân sẽ giúp trẻ cảm thấy hài lòng về sự thay đổi.
3. Cho trẻ được trải nghiệm
Cha mẹ nên cho trẻ có cơ hội tự do và tự đưa ra lựa chọn. Khi có thể tự lựa chọn, trẻ sẽ có nhiều cơ hội để trải qua những hậu quả, từ đó tự học được những kinh nghiệm. Việc tự lựa chọn cũng là cách để trẻ cảm thấy được tôn trọng sở thích, mong muốn cũng như nhu cầu của bản thân.
4. Cho trẻ lập kế hoạch
Việc dạy trẻ lập kế hoạch công việc, lịch trình gia đình là những điều tuyệt vời nhất để dạy trẻ làm việc theo kế hoạch và có trách nhiệm với những gì mình đã sắp xếp.
Đồng thời cha mẹ nên cho trẻ cơ hội đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn bằng cách tổ chức những cuộc họp gia đình và khuyến khích con làm những công việc phù hợp. Khi hoàn thành nhiệm vụ, chúng không chỉ thấy tự hào mà còn phấn chấn vì đã góp phần giúp gia đình trở nên gắn kết hơn.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.