9 bố con song hành trên bục giảng Đại học

Một ngày cuối năm, tiếp chúng tôi tại căn hộ tập thể ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Lân Cường đã kể nhiều câu chuyện sâu sắc về cách dạy dỗ con cái trong gia đình dòng họ Nguyễn Lân. Nhà đông con lại nghèo khó nhưng bằng tình yêu thương mà Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư Nguyễn Lân đã truyền thụ cho các con của mình tinh thần tự giác, chăm chỉ và luôn lấy chữ hiếu, chữ đức làm trọng. Báo Gia đình & Xã hội Xuân Mậu Tuất trân trọng giới thiệu bài viết của một trong số những người con của cụ Nguyễn Lân, PGS.TS Nguyễn Lân Cường.

Cả đời chỉ đánh con duy nhất một lần

Các cụ ngày xưa hay nói “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” nhưng cả đời tôi chỉ biết ba tôi đánh con một lần. Tôi cứ nói vui là người được nhận trận đòn duy nhất ấy thành ra lại “may mắn” nhất trong số 8 anh em. Đó là ông anh cả Nguyễn Lân Tuất vì lúc nhỏ ông nghịch lắm, nói mãi không nghe thì ba bực quá quất cho vài roi. Nhưng đánh xong thấy anh Tuất vẫn nghịch như cũ nên ba rút ra một điều, đòn roi không phải là biện pháp giáo dục, chỉ có khuyên nhủ để các con sống ý thức hơn. Không phạt, không đánh nhưng ba tôi nói thì “đau” lắm. Nhiều lúc cứ nghĩ, thà bị tát cho một cái còn hơn. Nhưng ba tôi có cái tài là nói câu nào cũng khiến chúng tôi suy nghĩ câu đó, tính tự giác của các con vì thế mà cũng dần hình thành.

Người ta cứ hay nói dòng họ Nguyễn Lân thành đạt như vậy chắc lúc nhỏ được ông cụ nuôi dạy ghê gớm lắm nhưng thực ra đơn giản thôi. Cách giáo dục của ba mẹ là luôn làm gương cho các con, để các con nhìn vào mà học tập.

Ba tôi là người hiền lành, trung thực và làm việc suốt ngày. Cuốn “Từ điển từ và ngữ Việt - Nam” dày 2.111 trang hoàn thành khi Cụ đã ngoài 90 tuổi, mà viết tay chứ đâu có dùng máy tính như bây giờ. Thế nên ở tuổi đó mà cụ vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn lắm. Rất thương và bình đẳng với các con, kể cả đứa chưa ngoan lắm vẫn thương. Nhiều gia đình không làm được, nhất là đông con. Cái đó rất quan trọng, vì nó sẽ không khiến đứa chưa ngoan thấy tự ti.

Tôi là người lấy vợ sau cùng nên được ở với ba mẹ nhiều hơn so với các anh chị em khác trong gia đình. Có câu nói ba dạy mà thời trẻ tôi cứ nhớ mãi: Trên con còn rất nhiều người tài giỏi, nhưng dưới cũng có những người không bằng con. Ba muốn các con phải khiêm tốn trong suốt cuộc đời mình, mặt khác đừng nhìn thấy người giỏi mà tự ti với bản thân.

Ba tôi là người dạy học nên từng cử chỉ nhỏ cũng chú ý. Học trò cụ đông lắm,, lúc 90 tuổi thì học trò có người đã 75-80 tuổi và dù họ vẫn xưng thầy với em nhưng bao giờ ba tôi cũng ý nhị gọi là ông bà rất trịnh trọng chứ không như chúng tôi, cứ “cậu cậu, tớ tớ”. Có một câu chuyện mà tôi được PGS Cao Xuân Phổ, nhà khảo cổ học từng là học trò của ba tôi kể lại rằng, mỗi khi lên lớp cụ đều ăn vận rất chỉnh tề. Dù mùa hè hay đông cũng đều vận comple. Khi vào lớp là bỏ mũ ra để học sinh chào và ông cũng chào lại. Có một lần trong giờ tâm lý học, cả lớp sợ hãi vì đứng chào mãi mà không thấy thầy cho ngồi xuống. Mãi sau thầy nói: “Có một anh không tôn trọng tôi và không tôn trọng lớp chúng ta”. Hóa ra có một học trò vẫn đội mũ trong lớp. Cách của thầy là vậy, không phê bình, không ra lệnh mà chỉ nói để các em hiểu và tự giác. Cả lớp cứ gọi thầy là “Makarenco Nguyễn Lân” - gắn với tên một nhà sư phạm nổi tiếng của nước Nga”.

Nhà 8 người sống trong phòng 20m2

Kỹ tính như vậy nhưng với các con thì ba tôi rất hiền, không bao giờ mang cái “kỹ” đó mà xét nét các con cả. Mẹ tôi còn hiền hơn nữa. Nhân hậu vô cùng. Nhà nghèo, bà chỉ lấy tình yêu thương chia sẻ cho từng đứa.

Mẹ tôi vốn là tiểu thư, con gái đại điền chủ Nguyễn Hữu Tiệp, vốn học trường sơ của Pháp. Lấy ba rồi, mẹ tôi còn không biết nấu ăn. Vậy mà bỏ hết để đi theo ba tôi ra kháng chiến, những năm tháng khó khăn cỡ nào cũng không một lời kêu ca phàn nàn. Ba tôi lúc đó cứ đi công tác suốt, mẹ tôi đẻ nhiều, lại phải thay ba chăm sóc, dạy dỗ các con.

Tôi nhớ giai đoạn khó khăn nhất là những năm 1955-1960 lúc đó cả gia đình mới ở Trung Quốc về (ba tôi được Nhà nước cử sang Trung Quốc cùng một số trí thức khác như các ông: Nguyễn Xiển, Ngụy Như Kon Tum, Lê Văn Thiêm, Trần Văn Giáp… để đào tạo giáo viên nhằm sau này về nước phát triển giáo dục của Việt Nam. Ông từng đảm nhiệm Giám đốc Giáo dục Liên khu Việt Bắc (Liên khu X), phụ trách việc xây trường, phát triển giáo dục cho 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên.

Lúc mới về Hà Nội, cả nhà 8 người (trừ 2 anh chị lớn đi công tác) mà sống trong căn phòng 20m2, là ngôi nhà được người bạn của ba tôi cho ở nhờ. Nhà ông ta có 4 cô con gái sống trên gác, nhà tôi 6 ông con trai sống ở dưới nhà. Ở nhờ như thế 5 năm, cho đến khi ba tôi được nhà nước phân nhà ở Khu tập thể Đại học Sư phạm (Cầu Giấy), rồi về khu tập thể Kim Liên. Ngoài giờ dạy học thì ba miệt mài viết sách kiếm thêm chút tiền nuôi gia đình. Mẹ tôi làm đại lý đường cho mậu dịch, lấy đường kính về bán lẻ. Nhìn cảnh mẹ tôi nhỏ bé ngồi vắt vẻo trên chiếc xích lô chở 1 tạ đường mà anh em chúng tôi thương quá. Vì vậy đi học về là mấy cậu con trai chúng tôi lại xúm vào cân đong, đóng gói giúp mẹ.

Có thể nói, mẹ đã hi sinh cả cuộc đời để nuôi dạy các con, vất vả vô cùng nên từ nhỏ chúng tôi vì rất thương mẹ mà chăm chỉ học hành, làm việc. Cứ tối đến là mỗi đứa một góc, chong đèn dầu tự chế để học tập. Ba tôi còn đánh con một lần chứ mẹ tôi đến mắng mỏ cũng rất ít. Các cô con dâu trong nhà, cụ cũng thương như con ruột, nhiều khi lại còn bênh con dâu hơn con đẻ. Nhớ ngày mẹ tôi ra đi, các con dâu còn khóc nhiều hơn con đẻ…

Hoàn cảnh là một phần nhưng phải có cái gốc và nền tảng gia đình tốt để các con hiểu được. Cái đó quan trọng lắm.

Nhà tôi còn có truyền thống anh em luôn thương yêu nhau. Ông Nguyễn Lân Dũng khi là giảng viên Trường Đại học Nông Lâm lại gửi lương về cho để nuôi tôi. Dưới tôi là chú Nguyễn Lân Hùng - người duy nhất trong gia đình tôi không có học hàm học vị. Nhưng nói về đóng góp thì có khi chú Hùng lại nổi trội hơn trong số mấy anh em, vì những nghiên cứu của chú ấy hướng đến nông dân, mà nông dân thì chiếm tới 80% dân số.

Những người con thành đạt của GS Nguyễn Lân. Ảnh: NVCC

Cứ mùng 2 Tết là tập trung về nhà cũ bố mẹ

Giờ có nhiều gia đình, bố mẹ rất tốt, rất giỏi, nhẽ ra cũng là tấm gương cho con cái đấy nhưng lại bị hoàn cảnh xã hội chi phối, do tiếp xúc xã hội mà thành ra đi ngược lại với truyền thống gia đình. Nhưng chính vì môi trường nên càng phải nhìn thấy trước hiện tượng đó mà cảnh giác, uốn nắn ngay từ lúc nhỏ, đừng đổ hết cho xã hội. Tại sao nhà khác không bị mà nhà anh bị? Cứ “khoán” cho nhà trường, nếu trẻ không có bản lĩnh là hỏng. Từ 12 tuổi trở đi thì giáo dục rất khó. Cuộc sống bây giờ người ta lao vào kiếm tiền ghê quá, thành ra con cái bỏ bê hết. Thà ít tiền đi một tí, để ý đến gia đình thì sẽ được nhiều cái về sau.

Như chúng tôi, có nhiều đức tính của cha mẹ chưa học được đầy đủ nhưng tinh thần làm việc thì tất cả các anh em đều kế thừa được từ ba mẹ. Ngay bản thân tôi, nghỉ hưu 10 năm rồi mà tuần nào cũng kín lịch công việc. Lúc thì đi khai quật cho Hội Khảo cổ học Việt Nam, lúc thì tham gia hoạt động của Hội Âm nhạc Hà Nội… rồi còn giảng dạy và tham gia các công việc xã hội khác nữa.

Giờ đây dòng họ Nguyễn Lân đã ngót nghét trăm người. Ba mẹ không còn nhưng nền nếp gia phong thì vẫn giữ gìn. Cứ mùng 2 Tết là tụ tập tại ngôi nhà cũ ở Kim Liên như lúc hai cụ còn sống để các con cháu sum họp tề tựu. Ăn Tết, sum họp gia đình nhưng cũng là dịp để con cháu “báo công” lên tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Các cháu chắt của chúng tôi, giờ cũng khá lắm, thực sự là chúng tôi thấy tự hào về thế hệ trẻ này: Cháu Nguyễn Ngọc Lưu Ly là nữ Phó Giáo sư trẻ nhất, cháu Nguyễn Lân Hiếu là đại biểu Quốc hội khi mới ở độ tuổi 45, chắt Nguyễn Nga Nhi của dòng họ Nguyễn Lân đã đoạt tới 10 giải quốc tế về Toán học…

Người ta cứ nói gia đình chúng tôi thành đạt. Thật ra thì nhiều gia đình thành đạt, nhưng có điểm đặc biệt mà ít nhà có được là cả 9 bố con chúng tôi đều được vinh dự đứng trên bục giảng của các trường đại học ở trong và ngoài nước..“Ngoài giờ dạy học thì ba miệt mài viết sách kiếm thêm chút tiền nuôi gia đình. Mẹ tôi làm đại lý đường cho mậu dịch, lấy đường kính về bán lẻ. Nhìn cảnh mẹ tôi nhỏ bé ngồi vắt vẻo trên chiếc xích lô chở 1 tạ đường mà anh em chúng tôi thương quá. Vì vậy đi học về là mấy cậu con trai chúng tôi lại xúm vào cân đong, đóng gói giúp mẹ tôi”.

“Người ta cứ hay nói dòng họ Nguyễn Lân thành đạt như vậy chắc lúc nhỏ được ông cụ nuôi dạy ghê gớm lắm nhưng thực ra đơn giản thôi. Cách giáo dục của ba mẹ là luôn làm gương cho các con, để các con nhìn vào mà học tập”, PGS.TS Lân Cường nói.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang