9 bước lên thực đơn và đi chợ cả tuần cho gia đình để tiết kiệm tiền, thời gian và công sức

Chị Phương Thanh ở Hà Nội sẽ chia sẻ các tips hữu ích cho mọi người tham khảo nếu muốn 1 lần đi chợ đủ ăn trong 7 ngày rất tiện lợi lại tiết kiệm tiền hơn.

Các chị em phụ nữ đã lập gia đình đều biết rằng chi phí ăn uống luôn là một trong những chi phí chính, tiêu tốn khá nhiều tiền. Và ai cũng biết rằng tầm quan trọng trong dinh dưỡng của bữa ăn gia đình như thế nào, các con, vợ chồng bạn và tất cả các thành viên trong gia đình ai cũng cần một chế độ dinh dưỡng cân bằng để phát triển và duy trì sức khỏe.

Cũng không thể phủ nhận rằng việc đi chợ và nấu nướng cho gia đình ngoài tiêu tốn tiền của gia đình bạn thì còn tiêu tốn của những người phụ nữ (vốn đã siêu bận rộn với đủ việc từ việc cơ quan đến việc gia đình) rất nhiều thời gian và công sức.

Vậy giải pháp nào được đưa ra để giúp chị em giải bài toán đi chợ, nấu cơm hiệu quả giúp tiết kiệm tiền, thời gian, công sức mà vẫn đem lại cho gia đình những bữa ăn tươi ngon. Đơn giản chỉ có một câu trả lời là bạn hãy lập thực đơn và đi chợ/đi siêu thị với các món ăn đã định sẵn trong đầu một lần trong tuần. Đó cũng là cách mà chị Lê Phương Thanh (sinh năm 1988, ở Hà Nội) đang áp dụng. 

9 bước lên thực đơn và đi chợ cho cả tuần cho gia đình để tiết kiệm tiền, thời gian và công sức - Ảnh 2.

Chị Lê Phương Thanh (sinh năm 1988, ở Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Lên thực đơn là gì? Tại sao chọn mốc 1 tuần?

Lên thực đơn là việc bạn định sẵn cho gia đình mình những món sẽ ăn trong tuần. Tại sao chị Thanh lại chọn mốc 1 tuần, bởi vì 1 tuần sẽ khiến việc chọn thức ăn phù hợp trở nên đơn giản và chủ động được lịch trình sinh hoạt của gia đình hơn (biết tuần tới bữa nào cả nhà sẽ ăn ở nhà, bữa nào thì không). Ngoài ra, thời gian 1 tuần cũng sẽ giúp đi chợ dễ dàng hơn, sẽ không phải mua quá nhiều nguyên vật liệu.

Lợi ích của việc lên thực đơn và đi chợ trước

Lợi ích thứ nhất là tiết kiệm tiền

Việc chủ động quyết định món gia đình sẽ ăn vào tuần tới sẽ giúp gia đình chị Thanh tránh được tình trạng mua quá nhiều đồ hoặc cái thừa, cái thiếu. Gia đình nào đã rơi vào cảnh tích trữ đồ ăn nhiều quá dẫn đến việc chưa mang rau ra nấu thì rau đã bị hỏng thì sẽ hiểu rất rõ điều này.

Ngoài ra, điều này còn giúp kiểm soát chi tiêu. Vì chị Thanh sẽ biết “budget” – ngân sách cho việc ăn uống của gia đình mình trong 1 tuần là bao nhiêu và chỉ chi tiêu trong số đó thôi. Tránh việc cao hứng chi tiêu vượt quá khả năng tài chính của gia đình.

Việc lên thực đơn, đi chợ và sơ chế, chuẩn bị sẵn nguyên liệu còn giúp tạo thói quen nấu ăn tại nhà nhiều hơn. Điều này tất nhiên sẽ giúp tiết kiệm kha khá tiền cho gia đình. Vì chi phí phải bỏ ra để “được người khác nấu ăn cho” bao giờ cũng đắt gấp 1,5 – 2 lần chi phí mua đồ về nhà tự nấu, chưa nói đến việc chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Lợi ích thứ hai là tiết kiệm thời gian

Việc đi chợ 1 tuần 1 lần (mỗi lần mất khoảng 1 tiếng) sẽ tiện hơn rất nhiều so với ngày nào cũng đi chợ 7 lần/tuần (mỗi lần mất khoảng 30 phút). Đặc biệt, rất nhiều người cũng hay rơi vào tình trạng đi đến chợ/siêu thị, đứng “ngẩn ngơ” tự hỏi không biết “Hôm nay ăn gì?”. Cuối cùng là mua vừa thừa, vừa thiếu.

9 bước lên thực đơn và đi chợ cho cả tuần cho gia đình để tiết kiệm tiền, thời gian và công sức - Ảnh 3.

Chị Thanh sẽ lên thực đơn để đi chợ trước. Ảnh: NVCC.

9 bước xây dựng thực đơn và chuẩn bị nguyên liệu cho bữa ăn của gia đình trong 1 tuần

Bước 1: Tổng hợp các món mà gia đình hay ăn

Bước này không thực sự bắt buộc nhưng là một người mẹ “hay quên” thì chị Thanh khuyến cáo nên áp dụng. Chị Thanh sẽ làm thành một file excel đơn giản để tổng hợp các món ăn gia đình mình thường xuyên ăn. Chị Thanh khuyến nghị mọi người là làm bảng đơn giản và thực tế nhất có thể.

Mục đích của việc này là giúp dễ dàng thiết lập được một bữa ăn cân bằng dinh dưỡng mà không cần phải nấu quá nhiều món cũng như không tốn quá nhiều thời gian để tự hỏi “Hôm nay ăn gì? Ngày mai ăn gì?”.

Với điều kiện thời gian tương đối hạn hẹp, chị Thanh chỉ có khoảng 45 phút để nấu ăn tối cho gia đình nên chị thường chỉ nấu 2 – 3 món trong một bữa ăn. 

Tips nhỏ về việc lên thực đơn:

Đối với thực đơn các món rau thì nên ưu tiên ăn các món rau lá vào đầu tuần và ăn các loại củ quả vào cuối tuần, vì rau lá thì sẽ nhanh hỏng hơn các loại củ quả như: cà rốt, su hào, su su, bắp cải…

9 bước lên thực đơn và đi chợ cho cả tuần cho gia đình để tiết kiệm tiền, thời gian và công sức - Ảnh 4.

Chị Thanh sẽ làm thành một file excel đơn giản để tổng hợp các món ăn gia đình mình thường xuyên ăn. (Thỏ và Cún là tên gọi ở nhà của hai bé nhà chị Thanh). Ảnh: NVCC.

Bước 2: Chọn ngày đi chợ

Chị Thanh thường chọn đi chợ vào cuối tuần và đi vào buổi sáng sớm (6 – 7h sáng) vì cuối tuần là thời gian chị khá rảnh và dành trọn vẹn cho gia đình. Đi chợ vào buổi sáng thì giúp đảm bảo được độ tươi ngon của thực phẩm.

Nếu không đi chợ truyền thống giống như chị Thanh mà lựa chọn đi siêu thị, thì cũng nên đi vào buổi sáng sớm, lúc đó thực phẩm như: thịt, rau củ đều mới được nhập về và tươi ngon hơn hoặc hỏi nhân viên siêu thị về thời điểm nhập hàng mới về trong ngày để đi mua.

Ngoài ra, mọi người cũng không nên chọn thời gian đi chợ vào lúc đang quá vội. Hãy chọn lúc đủ thời gian cần thiết để đi dạo quanh chợ, siêu thị (tầm 1 tiếng là ổn). "Với cá nhân mình, mình luôn coi buổi sáng thứ 7 là khoảng thời gian khá thư thái, quên hết mọi công việc và chỉ tập trung vào việc mua sắm và sơ chế nguyên vật liệu cho bữa ăn của gia đình trong tuần tới thôi. Tự tìm niềm vui, tự tìm cách giải tỏa stress công việc bằng những việc nho nhỏ cũng là một cách khá hay", chị Thanh chia sẻ.

Bước 3: Kiểm tra lịch tuần tới

Trước khi lên thực đơn món ăn, hãy mở lịch của gia đình xem tuần tới gia đình có kế hoạch nào dẫn đến việc sẽ có một thành viên nào đó trong gia đình không ăn cơm tại nhà không?

Ví dụ, vào tuần tới, cả nhà sẽ đi du lịch 2 ngày hoặc về quê ăn cưới 1 ngày hoặc cuối tuần cả nhà ra hàng ăn hoặc chồng/vợ đi công tác 3 ngày. Chị Thanh sẽ bỏ ngày đó ra và không phải lên thực đơn cho ngày đó nữa. Việc này sẽ giúp tránh được việc lãng phí thức ăn, mua và chuẩn bị rồi nhưng không dùng đến dẫn đến hư hỏng phải bỏ đi. 

Bước 4: Kiểm tra nguyên vật liệu sẵn có trong tủ lạnh/bếp

Mở tủ lạnh (cả ngăn đông/ngăn mát) và tủ bếp để xem các nguyên vật liệu sẵn có còn lại trong căn bếp là gì sẽ giúp chị Thanh có thể lên được các thực đơn phù hợp trong tuần tới.

"Mình cũng nên ưu tiên lựa chọn các món ăn để sử dụng các nguyên vật liệu sẵn có tại nhà trước. Cách này sẽ giúp dọn được tủ lạnh hàng tuần, tránh việc dư thừa nguyên vật liệu quá lâu ảnh hưởng đến chất lượng đồ ăn", chị Thanh chia sẻ.

Mở tủ lạnh (cả ngăn đông/ngăn mát) và tủ bếp để xem các nguyên vật liệu sẵn có còn lại trong căn bếp là gì sẽ giúp chị Thanh có thể lên được các thực đơn phù hợp trong tuần tới. Ảnh: NVCC.

Bước 5: Lên thực đơn món ăn trong một tuần

Đây là lúc chị Thanh lập kế hoạch món ăn cho gia đình trong tuần tới. Chị sẽ ghi vào sổ giấy hoặc ghi vào mục “note/ghi chú” trong điện thoại. Bất kỳ cách nào chị cảm thấy tiện. Thông thường chị Thanh thực hiện bước lên thực đơn này vào tối thứ 6 và mất khoảng 10 – 15 phút. Rất nhanh gọn và thuận tiện.

"Sẽ có trường hợp “cháy thực đơn” vì thực ra bất kỳ việc gì trong cuộc sống cũng không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được đúng theo kế hoạch. Cũng sẽ có lúc mình đã lên món ăn trong ngày, sơ chế sẵn thực phẩm nhưng vì một lý do khách quan nào đó thì lại không thể thực hiện được (như gia đình có việc đột xuất hoặc hôm đó bé nhà mình nhất định chỉ ăn gà nướng mật ong mà không chịu ăn món thịt quay của mẹ lựa chọn, việc đó cũng hoàn toàn bình thường. 

Cách giải quyết là mình sẽ bỏ qua ngày đó, linh hoạt chuyển món đó sang ngày tiếp theo và sang đến tuần sau lại thiết lập lại trật tự. Hãy thoải mái với việc thi thoảng kế hoạch của mình có thay đổi một chút. Cũng đừng quá cầu toàn dẫn đến áp lực cho bản thân".

Bước 6: Lên list nguyên vật liệu cần mua

Bước này thông thường chị Thanh hay bỏ qua vì thường chỉ nấu những món ăn khá đơn giản, không cần quá nhiều nguyên vật liệu cầu kỳ. Ngoài ra, chị Thanh cũng đã đi chợ khá nhiều lần nên đã quen với việc ước lượng lượng nguyên vật liệu cần mua để nấu nướng.

Nhưng nếu chị em nào cảm thấy gặp khó khăn trong việc ước lượng thực phẩm cần mua (số lượng bao nhiêu, bao nhiêu lạng là đủ…) thì nên thêm bước này để ghi lại cho dễ nhớ. 

Với các loại rau củ nên mua lượng vừa đủ ăn trong 1 tuần. Với những món đạm, mọi người có thể linh hoạt mua nhiều hơn một chút. "Nhà mình thường lựa chọn mốc bảo quản ngăn đông đối với thịt, cá, tôm tối đa là 1 tháng. Căn cứ vào đó để đưa ra quyết định mua sắm phù hợp".

Bước 7. Đi chợ/siêu thị

Tại bước này, sẽ có một trường hợp xảy ra là tại chợ/siêu thị đó không có nguyên vật liệu phù hợp để mua chế biến món ăn đã lên thực đơn sẵn. Cũng không có gì cần lo lắng cũng đừng mất thời gian chạy sang chợ/siêu thị khác để tìm mua.  Đơn giản là điều chỉnh linh hoạt thực đơn của gia đình sao cho việc mua sắm thuận tiện và tiết kiệm thời gian nhất là được.

Chị Thanh thấy việc đi chợ/siêu thị 1 lần/1 tuần với các món ăn đã sẵn có trong đầu sẽ khiến việc mua sắm trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều lần. Nếu đi chợ, chị Thanh sẽ tìm cho mình một vài hàng “quen” (đặc biệt đối với các loại thịt bò, thịt lợn, cá, tôm…) để đảm bảo thực phẩm có chất lượng tốt nhất. 

Bước 8. Sơ chế nguyên vật liệu và chia nhỏ theo bữa

9 bước lên thực đơn và đi chợ cho cả tuần cho gia đình để tiết kiệm tiền, thời gian và công sức - Ảnh 4.

Chỉ bằng 9 bước đơn giản này mà đã làm thay đổi công cuộc nội trợ của chị Thanh, giúp tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền bạc. Ảnh: NVCC.

Đối với thịt cá, do sẽ có lúc chị Thanh mua trước 1 – 2kg (chia thành 4 – 5 suất), nhiều khi bảo quản trong hộp kín và ngăn đông nên sẽ khó phân biệt và nhớ được hộp đó đựng loại thịt nào, mua thời gian nào nên thường sẽ ghi một nhãn (loại thực phẩm + ngày hết hạn – hạn bảo quản ngăn đông tối đa 1 tháng) dán lên hộp để dễ theo dõi hạn sử dụng.

"Với gia đình mình, mình thường chỉ sơ chế nguyên vật liệu còn ngày nào mình sẽ nấu ngày đấy (buổi tối hôm trước mình sẽ để sẵn thịt cá từ ngăn đông xuống ngăn mát). Nếu gia đình bạn lựa chọn cách nấu sẵn thức ăn chín trước (áp dụng đối với các món kho chẳng hạn) thì bạn có thể bảo quản trong ngăn mát nhưng chỉ nên ăn trong tối đa 3 – 4 ngày thôi nhé (và nhớ ghi nhãn ngày nấu để còn theo dõi)".

Bước 9. Nấu ăn

Chị Thanh không rã đông thực phẩm ở nhiệt độ phòng mà để đồ từ ngăn đá xuống ngăn mát khoảng 6-12 tiếng trước khi dùng. 

"Chỉ bằng 9 bước đơn giản này mà đã làm thay đổi công cuộc nội trợ của mình, giúp mình tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền bạc", chị Thanh chia sẻ.

Bài viết ghi theo lời chia sẻ của nhân vật - ảnh: NVCC

Link gốc: https://phunuvietnam.vn/9-buoc-len-thuc-don-va-di-cho-ca-tuan-cho-gia-dinh-de-tiet-kiem-tien-thoi-gian-va-cong-suc-222022228115724628.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang