Người Do Thái được coi là dân tộc thông minh nhất thế giới. Sự thông minh của họ không chỉ diễn ra ở 1 vài thế hệ mà đã được khoa học chứng minh là di truyền qua nhiều đời. Nghiên cứu khoa học đã chứng minh so với những cộng đồng dân tộc khác, người Do Thái có kỹ năng giao tiếp và tính toán vượt trội hơn hẳn. Chỉ số IQ trung bình của người họ là 110 so với chỉ số trung bình 100 của toàn cầu.
Số lượng nhà khoa học, những người đoạt giải Nobel là người Do Thái nhiều vô kể. Một số cái tên xuất chúng thuộc dân tộc này có thể kể đến như nhà văn, nhà thơ Paul Heyse, nhà hóa học Adolf von Baeyer, nhà sinh vật học Élie Metchnikoff, nhà hóa sinh học Hans Adolf Krebs, nhà vật lý học Albert Einstein,...
Vậy lý do nào khiến cho dân tộc này trở nên siêu việt như vậy? Đáp án chính là dạy dỗ con cực kỳ thông minh, khéo léo của họ. Nhờ có nguyên tắc dạy dỗ con độc đáo mà người Do Thái có thể duy trì sự vượt trội của dân tộc mình qua nhiều thế hệ. Theo đó, có 9 nguyên tắc như sau:
1. Dạy con tôn thờ trí tuệ
Người Do Thái có một tôn chỉ sống đặc biệt: "Người có trí tuệ là người hạnh phúc. Địa vị của học thức còn cao hơn địa vị của Quốc vương"… Trong văn hóa lâu đời của dân tộc này, trí tuệ, kiến thức luôn được sùng bái và coi trọng hết mực.
Bố mẹ Do Thái luôn dạy con cái: "Nếu nhà mình bị cháy, con cần mang theo trí tuệ của mình, vì trí tuệ sẽ mãi mãi ở bên cạnh con, không ai có thể lấy trí tuệ của con". Họ dạy con biết quý trong sách vở, chăm chỉ học hành để có kiến thức uyên bác. Không chỉ cổ vũ, bố mẹ còn hướng dẫn con khả năng tự học, tiếp nhận kiến thức thông qua nhiều hình thức như thu thập, lựa chọn tài liệu hợp lí, giao lưu với nhiều người để học hỏi,... Với người Do Thái, không bao giờ là quá muộn cho việc học tập.
2. Không bao giờ dùng những từ ngữ tiêu cực để nói về con
Người Do Thái vô cùng khéo léo trong cách dùng từ ngữ. Khi con cái mắc lỗi, họ không bao giờ dùng những từ ngữ nặng nề, tiêu cực để phê phán. Thay vào đó, họ lựa chọn cách nói tinh tế, khiến con vui vẻ sửa chữa khuyết điểm và không bị tổn thương tinh thần.
Chẳng hạn, bố mẹ Do Thái sẽ không nói: "Con lười quá"/ "Con học dốt quá" mà sẽ nói: "Một đứa trẻ ngoan ngoãn như con tại sao lại gây ra hành động đáng tiếc như vậy?"/ "Mẹ nghĩ con có nhiều khả năng hơn vậy. Nếu cố gắng kết quả học tập của con sẽ tốt hơn".
Bên cạnh đó, bố mẹ Do Thái không mắng mỏ và khiến con xấu hổ trước mặt người ngoài. Họ sẽ chọn cách truyền đạt thích hợp, khéo léo uốn nắn, dạy dỗ lại con cái mà không để người ngoài can thiệp.
3. Luôn khen ngợi con ngay khi có thể
Ngay khi trẻ chưa nhận thức được nhiều, bố mẹ Do Thái đã có thói quen khen ngợi con. Mọi động tác của trẻ như biết nói hoặc biết vẽ đều sẽ nhận được những lời khen ngợi từ cha mẹ. Không chỉ vậy, trẻ em Do Thái còn được bố mẹ khen ở nơi đông người để nâng cao sự tự tin, lòng tự trọng. Điều này giúp trẻ cảm nhận được sự hiện diện, vị trí của mình trong xã hội.
Nếu thành tích của trẻ ấn tượng hơn, các em sẽ nhận được sự vỗ tay, chúc mừng từ tất cả thành viên trong gia đình. Người Do Thái tin rằng việc được khuyến khích sẽ nâng cao lòng tự trọng, thúc đẩy tinh thần và cung cách làm việc của trẻ.
4. Dạy con biết chịu trách nhiệm
Người Do Thái rất coi trọng tinh thần trách nhiệm. Họ tin rằng đây là bí quyết hàng đầu giúp một người nhận được nhiều sự tin tưởng và gặt hái thành công trong cuộc sống. Vì vậy ngay từ nhỏ, trẻ em Do Thái đã đã được bố mẹ bảo ban đức tính này. Bố mẹ Do Thái luôn làm gương cho con bằng cách sống thận trọng, luôn nghiêm túc trong mọi hoạt động, quyết định đưa ra.
5. Dạy con tự lập
Đến bất kỳ quán cafe nào ở Isarel, bạn cũng thể bắt gặp cảnh những đứa trẻ Do Thái còn rất nhỏ những đã tự ngồi ăn bít tết một mình. Bố mẹ Do Thái dạy con tự lập từ rất sớm. Nếu việc gì con tự làm được, họ sẽ không can thiệp mà tạo điều kiện cho con làm, trong điều kiện thể trạng của con cho phép. Đối với người Do Thái, tự lập chính là tiền đề giúp con nhận thức ý nghĩa sống dựa vào năng lực bản thân mà không dựa dẫm vào bố mẹ.
6. Dạy con quản lý thời gian
Bố mẹ Do Thái thường cho con học rất nhiều bộ môn cùng lúc như đàn violin, tiếng Anh, Toán học,... Một số gia đình có công việc kinh doanh, trẻ thậm chí còn phải phụ giúp bố mẹ từ rất sớm. Để hoàn thành tốt mọi việc, trẻ được học cách quản lý thời gian, sắp xếp công việc sao cho không chồng chéo lên nhau. Đồng thời trẻ cũng tự nhủ phải chăm chỉ thì mới xong xuôi thời gian biểu một ngày.
7. Cho phép con mạo hiểm
Bố mẹ Do Thái có một câu cửa miệng với con, đó là "Hãy tiến về trước". Câu nói này đồng nghĩa với việc trẻ phải tự làm mọi việc một mình, luôn phát triển bản thân thay vì giậm chân tại chỗ và tự giành được thành công. Bố mẹ Do Thái tin rằng nếu muốn con thành công thì phải cho phép con được mạo hiểm, bước ra khỏi vùng an toàn và tự khám phá thế giới xung quanh.
Trong quá trình này, bố mẹ tuy không can thiệp quá sâu nhưng luôn âm thầm ở bên quan sát, kịp thời bảo ban và khuyến khích con. Điều này giúp trẻ em Do Thái luôn kiên trì theo đuổi mục tiêu và sẵn sàng chấp nhận rủi ro.
8. Học cách làm cha mẹ
Người Do Thái phải học cách làm cha mẹ trước khi có con. Trong lịch sử, các nhà hiền triết người Do Thái đã phát triển hệ thống giáo dục dành riêng cho cha mẹ, gia đình và bất kỳ người Do Thái nào cũng phải học.
Họ được dạy nghĩa vụ, sự trách nhiệm cần có trong cuộc sống gia đình. Bởi một khi kết hôn, bạn không chỉ sống cho riêng mình mà còn sống cho con cái, cho các thành viên trong gia đình, đồng thời gánh vác trọng trách làm cha, làm mẹ. Việc học cách làm cha mẹ rất quan trọng trong văn hóa người Do Thái. Họ tin rằng nếu cá nhân coi việc làm cha mẹ là gánh nặng, là điều khó khăn thì sẽ không bao giờ thành công trong việc nuôi dạy con.
9. Dạy con tôn trọng gia đình
Trẻ em Do Thái được phép tự do trong nhiều thứ, được khuyến khích sáng tạo và nói ra suy nghĩ của mình. Ngay cả khi trẻ vẽ bậy lên tường thì bố mẹ cũng nhìn theo hướng tích cực và cho rằng đây là tiềm năng hội họa. Tuy nhiên, điều gì cũng có giới hạn.
Đối với người Do Thái, yếu tố gia đình rất được coi trọng và không một đứa trẻ nào được phép xúc phạm hay tỏ ra bất kính với ba mẹ. Nếu chuyện đó xảy ra, trẻ sẽ bị phạt rất nặng. Bên cạnh đó, bố mẹ Do Thái cũng rất chú ý đến cách hành xử với các thành viên trong gia đình. Họ cố gắng tạo cho con môi trường sống tràn ngập yêu thương nhất. Bởi nếu thấy bố mẹ luôn yêu thương nhau, tôn trọng nhau thì trẻ sẽ thấm nhuần những giá trị sống tốt đẹp, có cách cư xử tốt không chỉ trong gia đình mà còn những người xung quanh.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.