Ai đã trưởng thành nhờ những phụ huynh 'xe ôm chuyên nghiệp'?!

(lamchame.vn) - Đằng sau những lớp học, những thành tích chuyên, chọn, luôn là bóng dáng của những phụ huynh “xe ôm” rất cừ. Tâm sự của một "bà mẹ xe ôm" khiến nhiều người rơi nước mắt...

*Ghi theo lời tâm sự của phụ huynh Nguyễn Thị Thanh Hải*

Mỗi bố mẹ, thậm chí ông bà hay một bác xe ôm gần nhà, đều có thể là một một người hùng thầm lặng, đằng sau những điểm số thi cử của các con.

Thế nhưng, với những cô, cậu bé, thi đỗ vào trường chuyên, lớp chọn, thì những “xe ôm” đó, có tần suất hoạt động ác liệt, đi lại như mắc cửi hết đưa đón con học thêm, lại học chính, rồi đi giao lưu, học các kỹ năng… khắp mọi nơi.

Cứ đâu có thầy giỏi, có lớp phù hợp với con, là các xe ôm đó có mặt, làm nhiệm vụ không quản nắng, mưa…

Vì vậy, sau mỗi mùa thi chuyển cấp, khi ai đó, có con đỗ các trường chuyên danh tiếng, mọi người vào like, vào chúc mừng vui vẻ, thì mình luôn nghĩ đến những người lái “xe ôm” thầm lặng.


Xe ôm – nghĩ đến bây giờ sống mũi còn cay…

Tôi không bao giờ quên được cái giai đoạn năm cuối cấp 2 của con, khi quyết định chốt hạ cho con thi chuyên Anh vào 10.

Đành rằng mục tiêu chuyên chọn, đã xác định từ lớp 6, 7 và đã chọn cho con học thêm 3 môn các thầy cô giáo dạy ổn, nhưng suốt mấy năm, vẫn thấy con mình lười và cho đến lớp 8, con vẫn nói, thì không chuyên học trường thường cũng có sao đâu…

Lúc đó tôi hiểu, tôi cần một vài thầy cô giáo, thổi vào con cái đam mê thi chuyên, cho con hiểu, nếu đã có tố chất thôi chưa đủ, muốn thi chuyên còn phải xác định rõ mục tiêu và “chiến” cật lực, nhất là năm lớp 9. Thế là hành trình “xe ôm” xa lơ xa lắc bắt đầu…

Các thầy cô luyện chuyên đã quen gặp 99% học sinh lớp 9 học quyết liệt với đam mê cháy bỏng đỗ chuyên. Chắc chỉ có 1% như con tôi, lững lờ con cá vàng và thế nào cũng được nên khi vào các lớp đó, con tôi cứ học túc tắc, chẳng có gì là quyết tâm nên dù thầy cô giỏi, nên bố mẹ chả có gì là yên tâm cho được.

Vì thế, hè lớp 8, khi tôi tìm đến lớp Toán và lớp Văn. Mục tiêu nhà tôi là con thi chuyên Anh, đỗ chuyên trường nào thì học trường đó, chứ không nhất định là CNN (chuyên ngoại ngữ). Nhưng, để con hiểu và quyết tâm thi chuyên là điều không dễ, khi con cá tính và không thuộc tuýp “cha mẹ đặt đâu con học đó”.


Thật may, con ngay từ buổi đầu, đã thích học thầy và nói, thầy dạy quá vui tính, còn kể chuyện sang Sing không bắt được pokemon mẹ ạ…

Thế là hành trình xe ôm xa bắt đầu từ hè lớp 8 lên lớp 9, khi cho con theo học thầy ở tận Nguyễn Khả Trạc, cách nhà hơn 13km.

Đầu tiên, tôi phải trình bày với chồng, vì xác định cho con đi học thêm xa là phải 2 vợ chồng thay phiên lúc nọ, lúc kia. Chồng mà không thuyết phục được thì toi ngay. May thay chồng tôi thấy tôi nói đúng, con giờ cần một thầy học thêm truyền cảm hứng, chứ nó khá có tố chất, vấn đề là chưa quyết thi chuyên, chưa hình dung học chuyên nó hay ho như thế nào…

Nói thật, nịnh được chồng đồng ý cho con học thêm xa nhà, tôi mừng hơn bắt được vàng. Nhà tôi phân công, chồng tôi chiều đón con ở trường Nguyễn Trường Tộ, đường Láng Hạ, bằng xe máy, cho con ăn nhẹ, rồi đưa ra lớp học thêm ở tận Nguyễn Khả Trạc vào giờ cao điểm 5h. Mọi ngả đường đều tắc, chồng tôi phải đi con Lead thần thánh, thường xuyên phi lên vỉa hè, dù chúng tôi thường chê bai những kẻ hay vi phạm luật giao thông. Chỉ có thế, mới kịp cho con đúng 5h30 đến lớp học thêm và đến 8h30 kết thúc là lúc tôi đi ô tô, đón con về. Về đến nhà đã tầm 9h30, con ăn tối, rồi thu xếp sách vở để sáng hôm sau lại một guồng học chính, học thêm… những ngày học lớp 9.

Đọc đến đây, mọi ng đừng nói, có ô tô đưa con, còn kêu gì. Đúng thế, tôi chỉ kể thế thôi, có kêu ca gì đâu. Mỗi tối mùa hạ trời mưa giông, dọc đường Láng, Cầu Giấy, Dịch Vọng ngập nước, các công trình xây dựng trên đường tôn thép cứ trực rơi vào người thì đi xe ô tô còn kêu ca gì. Mỗi tối mùa đông, gió mùa thổi hun hút, 9h tối đón được con đi về, thấy mình quá may mắn, còn bao nhiêu bố mẹ, ngược đừng xe máy, gió thổi tạt còn cố đưa đón con trong đêm đông, vì cái sự học.

Tôi không kêu ca, nhưng mỗi khi đứng ở ngã tư đèn đỏ, đường tắc, nhìn con ăn tạm bánh mỳ trong xe, trực khóc, thì nhìn ra cửa xe, còn bao nhiêu phụ huynh, đang áo mưa trùm đầu, đứng chôn chân đưa đón con đi học thêm. Thành ra, chưa bao giờ tôi kêu ca nhưng nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay…

Con học thêm ca nào cũng tầm 2- 3 tiếng. Lớp xa cách nhà hơn 10 km, giờ đưa đi học toàn giờ cao điểm tầm 5h chiều đường tắc. Vì thế nhiều khi, nếu chồng tôi lộn về, thì đến nhà, chưa kịp thở, lại đến giờ đón con. Thành thử, có những ca học của con, chồng tôi lang thang café, trà đá ngồi chờ con một thể, đón con về.

Chỉ sau vài tháng đưa đón con đi học thêm ở gần Chuyên ngữ, 2 vợ chồng tôi quen buôn chuyện với không biết bao nhiêu bác chủ quán trà đá vỉa hè, cô bán café máy lạnh… Đến nỗi, còn biết rõ nhà cửa, chồng con, hoàn cảnh của bác bán trà đá, anh xe ôm, chú taxi cô café gần chỗ con học thêm.

Hôm tạm biệt lớp học thêm, vì kỳ thi đến, chồng tôi còn bùi ngùi vì bảo giờ không gặp bác trà đá “trung tá về hưu” buôn chuyện lúc chờ đưa đón con học thêm, cũng thấy nhớ…

Hành trình xe ôm đi luyện chuyên của con tôi có bao giờ ngồi chờ của bố, bao giờ hóng cơm của mẹ, bao giờ tắc đường, bao nhiêu mồ hôi, bao nụ cười… Và có lúc cũng nản, nhưng nghĩ đến nhiều bố mẹ còn lặn lội từ Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm đưa con đến các lớp học thêm trung tâm cách xa nhà gần 20km, thì tôi lại thôi…

Có lúc nghĩ đến, có bác phụ huynh cùng lớp con tôi, làm nghề xe ôm ở Ô Chợ Dừa, nhưng lại không thể sắp xếp thời gian “xe ôm” cho con đi học chính, và chả có tiền cho con đi học thêm, thì sống mũi lại cay…

“Xe ôm” quyết định chuyên chọn?

Đôi khi, cái mấu chốt, để một em đỗ được chuyên Ams 2, Ams3, đỗ các chuyên Nguyễn Huệ, Chu Văn An, CNN, CSP… đôi khi nằm ở chính cái khâu “xe ôm” đó. Đôi khi mấu chốt để một em học sinh ở các tỉnh như Nam Định, Thanh Hóa… đạt HCV toán, lý quốc tế, cũng chính ở khâu xe ôm, khi bố mẹ em dù không ở Hà Nội, nhưng cứ có thầy giỏi là quyết tìm cho con đến học bằng được. Tôi nói thế có quá lời không? Với khá nhiều trường hợp là chuẩn luôn ạ.

Đơn giản như thế này. Khi cảm thấy con có khả năng học chuyên một môn nào đó, như Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa… điều đầu tiên, bố mẹ nghĩ đến, là tìm thầy cô, cho con được học nâng cao, ôn luyện.

Nhiều khi, chọn được một thầy cô giáo giỏi, hay nói chuẩn là thầy cô phù hợp con mình, phù hợp mong muốn ôn luyện đã rất khó, lại chọn được một giáo viên giỏi gần nhà mình, là điều khó như lên giời… Thầy cô ở đâu, phụ huynh phải “âu’ đó.

Chọn được giáo viên, lớp học thêm cho con "ok" rồi, nhiều “xe ôm” tự đầu hàng: Không cho con học cô HL, cô N, cô NA, thầy A, cô B được, chỉ vì nhà xa quá, không đưa đón con được. Thế thì thôi, mọi giấc mơ đôi khi stop ngay từ khâu “xe ôm” đầu hàng đưa đón vô điều kiện.

Thế nhưng, cũng một đứa trẻ y như thế, khi tìm được lớp học phù hợp, bố mẹ “vắt tay lên trán”, tìm mọi cách đưa đón, “xe ôm” để con được theo học lớp phù hợp, có cô giáo giỏi thì thật là may mắn.

Nên không hề nói quá, đôi khi, con đỗ chuyên hay không, nhiều khi, quyết định ngay ở quyết định làm “xe ôm” của bố mẹ, quyết định luôn ở sự sắp xếp đưa đón con như thế nào cho hợp lý, để con được học những thầy cô phù hợp với nguyện vọng ôn luyện của con mình.

Nhiều bạn, phụ huynh trên facebook, thi thoảng inbox tôi hỏi lớp học thêm môn này, môn nọ, nhưng khi đưa tên thầy cô, địa chỉ đã nhắn lại ngay: “Ôi xa quá nhà em không đưa được”. Thế thì thôi, xe ôm đầu hàng vô điều kiện rồi…

Nhà nghèo, nhà giàu, nhà vừa vừa, đều giống nhau ở một điểm, đều phải “xe ôm” đúng kiểu, đúng điệu, thì con mới chinh phục các kỳ thi thành công.

Đúng kiểu, đúng điệu là như thế nào?

Chỉ có một số các con học cấp 1, 2 trường tư, quốc tế, mới có xe ô tô đưa đón theo chặng, để đăng ký. Còn ở Hà nội , đại đa số các con học trường công, đều phải phụ thuộc vào “xe ôm’ bố mẹ, đôi khi là ông bà, bác hàng xóm do bố mẹ sắp xếp, phân quyền cho “xe ôm”, mục đích đưa đến nơi, về đến chốn…

Đó là học chính, còn học thêm thì như nhau, Đoàn Thị điểm, Nguyễn Siêu, LTV hay Giảng Võ, Ams 2, Nguyễn Trường Tộ… đều như nhau, “xe ôm” tại gia bố trí. Nhiều nhà bố mẹ quá bận rộn, họ phải chấp nhận thuê xe ôm đưa đón con đi học thêm, học chính.

Nhưng ai cũng biết, phương án thuê xe ôm chỉ là bất đắc dĩ. Có nhiều vấn đề phát sinh. Có chị bạn tôi, nhà giàu, có ô tô, có thuê tài xế riêng đưa đón. Con học thế sướng quá, ngang Bộ trưởng còn gì? Nhưng con cái ta, cấp 1, 2, không phải là Bộ trưởng mà chỉ là những đứa trẻ đúng nghĩa. Con có tài xế riêng đưa đón, dù chỉ chiếm 1% số học sinh là cùng, nhưng cũng chả sướng lắm đâu. Bởi vì, vợ chồng bạn tôi bận, mọi khâu đưa đón con là cho anh tài xế đảm nhiệm hết. Thành ra, con học gì, đôi khi tối về, gặp con thì đến giờ ngủ rồi, sáng ra lại guồng đi học, hỏi han chả được mấy nên kết quả học tập cũng không khả quan. Học hành thì đổi trường, đổi lớp liên tục… Thế nên, xe ôm là tài xế xe hơi riêng, nhưng cũng không thay thế được tài xế bố mẹ, khi trên đường đưa đón con, chính là lúc hỏi han, tâm sự ra “ối vấn đề”…


Với 99% bố mẹ nhà trung lưu và nhà nghèo, không siêu giàu, siêu điều kiện đến nỗi có ô tô và tài xế riêng đưa đón như thế, thì có khổ không? Không ạ, vì khi xe ôm đưa đón con như thế, bạn có thể nói chuyện, tâm sự, hỏi han con chính trong lúc di chuyển, đón đưa… Trong khi hàng ngày, “cơm, áo gạo tiền” thời gian bạn nói chuyện với con không có mấy thì lúc đưa đón con lại chính là thời gian vàng để hỏi han, trò chuyện. Và cũng được ối thứ khi trên đường nói chuyện với con, bạn phát hiện ra thầy cô dạy con thật tâm lý, hợp con, hay cũng vô tình phát hiện, chỗ học thêm đó pr là chính, dạy thì chả hiệu quả là bao để còn tìm lớp khác cho con… Nếu không đồng hành, trò chuyện với con trên những chặng đường xe ôm, làm sao bạn hiểu mà điều chỉnh cho phù hợp?

Tôi từng chứng kiến anh bạn tôi, Phó tổng BT một tờ báo lớn, đại khái “hét ra lửa”, nhưng chỉ hét tầm 7,8 tiếng đồng hồ thôi. Cứ đế 4h30 chiều, là người lại nhũn như con chi chi, chả hét gì nữa vì cuống lên đi đón con, đưa con về lớp học thêm, rồi lại đón con về nhà khi 8, 9 giờ tối. Có hôm tiếp khách làm cốc bia, cứ nhấp nhổm nhìn đồng hồ đón con…

Tôi từng chứng kiến, những anh công chức chuyên trị la cà bia bọt, vợ mắng la không nghe, nhưng con nó gọi điện phát: “Bố ơi muôn giờ học thêm rồi” là phi như điên đến trường đưa đón…

Tôi từng chứng kiến, có những chị bạn tôi, đưa con bằng xe đạp, mà con lớp 8, 9, to hơn cả mẹ rồi, ngồi đằng sau cứ như lật xe đến nơi, nhưng không sao, hàng ngày vẫn đưa con hết học chính, đến học thêm…


Tôi từng đọc Dân trí, thấy có học sinh thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế ở các tỉnh như Nam Định, Thanh Hóa, Thái Bình… thì đằng sau đó là bố mẹ ngày đêm “xe ôm” hết lớp luyện nọ đến luyện kia, trong tỉnh hay ra tận Hà Nội, đôi khi chờ con với cặp lồng xôi.... Có cháu được học bổng Mỹ, bố mẹ tâm sự suốt mấy năm cấp 3, bố mẹ cuối tuần lại đưa con từ Nam Định lên Hà Nội tranh thủ học thêm thầy giỏi, tranh thủ học thêm tiếng Anh rồi tối Chủ nhật lại về quê để sáng thứ Hai con lại tiếp tục lên lớp như bao bạn khác…

Và tôi từng chứng kiến chính tôi, chồng tôi, dù “công to việc lớn” mấy đi chăng nữa, nhưng lịch học chính, học thêm của các con là luôn phải “đoàn kết” để cùng tính toán, đưa đón các con cho chuẩn.

Chồng tôi, mỗi lần lên lịch đi công tác lại nhắn tin: “Lịch học thêm của Cốm, Miu như thế nào nhỉ? Bố trí ok để còn yên tâm lên đường”. Thế đó, mỗi xe ôm bố, mẹ luôn quên hết mọi thứ trên đời, chỉ vì nhiệm vụ xe ôm vất vả nhưng vinh quang cho con cái.

Thế nên, với tôi, mỗi đứa trẻ học hành ở trường lớp ra sao, mỗi thành tích chuyên, chọn, học sinh giỏi thành phố, quốc gia như thế nào, bên cạnh nỗ lực của chính con, của thầy cô giỏi, và bao tiền bạc đầu tư của gia đình thì đôi khi còn một mắt xích quan trọng nằm ở chính cái nỗ lực xe ôm từng giờ, từng ngày của bố mẹ, của mọi người.

Tôi biết, khi đọc bài này, ad và nhiều phụ huynh trong nhóm thấy có mình trong đó. Và với tôi, hình ảnh đẹp nhất mỗi chiều, là ông bố, bà mẹ, ông bà, hoặc một bác grab nào đó, đón các con trên đường, hối hả đến các lớp học thêm… Vì đằng sau đó, là bao nhiêu nụ cười và nước mắt, bao nhiêu nỗi niềm, bao nhiêu niềm hy vọng gửi gắm, bao nhiêu thành công sẽ tới sau mỗi chặng đường xe ôm.

Theo sohuutritue.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang