Ấm siêu tốc: Tiện lắm mà hại cũng nhiều

Những chiếc ấm siêu tốc vẫn được coi là vật dụng quen thuộc của nhiều gia đình. Nhưng hiểm hoạ từ chiếc ấm nhỏ lại kinh khủng vô cùng.

Sau những tai nạn trong gia đình như điện thoại cháy nổ khi đang sạc, bình nóng lạnh phát hoả..., chiếc ấm siêu tốc cũng là vật dụng mỗi ông bố bà mẹ nên thận trọng và cân nhắc kỹ trước khi quyết định "rinh" về nhà.

Cư dân mạng đang xôn xao với hình ảnh và clip do facebook Nguyễn Ánh chia sẻ. Theo đó, chiếc ấm siêu tốc của gia đình mình bỗng dưng bốc cháy phừng phừng. Nguyễn Ánh cho biết: "Không có người ở nhà hôm nay là bay cả nhà rồi,chỉ cắm điện không bật không đun mà tự cháy". 

Chỉ trong một thời gian ngắn, những chia sẻ của facebook này đã nhận được hơn 3.5 ngàn lượt thích cùng hàng chục ngàn lượt chia sẻ và vô số bình luận khác nhau. Hầu hết các bình luận đều kêu gọi mọi người thận trọng hơn khi sử dụng các thiết bị điện. 

PGS.TS. Trần Văn Thịnh, nguyên viện trưởng Viện Điện, Trường đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, bình siêu tốc có dây điện trở nằm dưới đáy bình. Nếu dây điện trở không được cách điện tốt có thể gây hở điện, dẫn đến việc người dùng bị điện giật.

Đây không phải cảnh báo thừa bởi thực tế, đã có rất nhiều tai nạn thương tâm xảy ra chỉ vì một chiếc ấm siêu tốc tưởng bé xíu. Năm 2016, ở Sơn La xảy ra trường hợp bé gái 9 tuổi bị điện giật tử vong do rút phích cắm ấm siêu tốc trong nhà tắm. 

Hình ảnh thương tâm của bé trai từng gặp nạn vì chiếc ấm siêu tốc.

Trước đó, trong khi rút phích nước sôi bằng ấm siêu tốc tại một phòng trọ, một sinh viên Đại học Y-Dược Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) cũng đã bị điện giật gây tử vong tại chỗ.

Tại Nghệ An từng có trường hợp bé trai mới đang tập đi bị bỏng toàn thân do kéo dây điện, khiến ấm siêu tốc đang đun nước đổ vào người. Trong bệnh viện, bé bị băng bó phủ kín toàn thân, khuôn mặt bé chỉ hở ra hai con mắt, lỗ mũi và một phần miệng, thậm chí hai bên tai bé cũng chỉ còn hở hai chiếc lỗ rất nhỏ đủ để nghe. Bé không ngừng gào thét bởi cơn đau rát đến quặn lòng, người mẹ trẻ lại cố gắng xoay xở tư thế ngồi để cho con bú nhưng bé cũng chẳng được mấy hơi rồi lại quay ngoắt, chân tay liên tục giãy giụa… khiến ai nấy nhìn thấy cũng xót xa.

KHI MUA:                          

   - Chọn mua sản phẩm có nguồn gốc, thương hiệu rõ ràng.

   - Nếu bạn muốn mua bình siêu tốc từ thép không gỉ thì nên chọn loại nhìn vào có độ mờ, tránh loại bóng bẩy có thể soi gương được. Ruột bình làm bằng thép không gỉ và có độ trơn, nhẵn sẽ làm tăng tốc độ sôi của nước.

   - Người tiêu dùng cần hết sức cẩn thận với sản phẩm có giá bán siêu rẻ, dao động từ 100.000 - 200.000 đồng/cái. Những sản phẩm này khi cầm lên người tiêu dùng có cảm giác rất nhẹ, inox rất mỏng manh và bao bì thường nhòe nhoẹt. Dùng tay gõ vào thân ấm sẽ nghe tiếng kêu lanh canh trong veo trong khi hàng chất lượng cao cầm lên cho cảm giác nặng, gõ vào tiếng kêu rất đục.
   - Khi mua cần yêu cầu nơi bán cho dùng thử. Khi ấm nước đang đun thì bất ngờ nhất ấm ra khỏi đế ấm để kiểm tra chất lượng. Nếu ấm tự động tắt thì là sản phẩm tốt, nếu ấm không tự động tắt được thì đó là sản phẩm kém chất lượng.

   - Nên chọn sản phẩm có nắp đậy kín chắc chắn để nước không tràn ngay ra nếu ấm bị đổ.

   - Với những sản phẩm chất lượng cao, người mua lật đế ấm lên sẽ thấy dây nhiệt được thiết kế nằm ẩn bên trong chứ không lồi lên trên như những sản phẩm có chất lượng kém.

   - Người tiêu dùng cũng nên chọn mua các loại ấm đun nước có dung tích, phù hợp với nhu cầu của gia đình để không phải đun nước nhiều lần trong một ngày.

KHI SỬ DỤNG:

- Vì thời gian đun của ấm đun siêu tốc rất ngắn nên người dùng cố gắng đứng canh, chờ nước sôi, rút ổ cắm điện ra rồi mới rời đi, để tránh trường hợp ấm gặp sự cố không tự tắt được khi đã sôi, gây tràn nước vào đế ấm dẫn đến rò rỉ hoặc trẻ em nghịch ngợm dẫn đến bị bỏng hoặc bị điện giật. Trong trường hợp không canh được thì phải đảm bảo chắc chắn rằng bạn cắm ấm siêu tốc xa tầm với của trẻ.

   - Không nhúng ấm lẫn đế ấm vào trong nước rửa vì sẽ gây rò rỉ điện. Chỉ nên dùng khăn lau khi sản phẩm bị dơ.

   - Trong trường hợp dây điện bị chuột cắn phá hoặc bị nứt, phải thay mới hoàn toàn, không được dùng keo dán lại, cực kỳ nguy hiểm vì công suất hoạt động của ấm đun siêu tốc là cực lớn, nguy cơ gây cháy nổ và điện giật rất cao.

- Lưu ý cắm ấm đun nước vào nguồn có cùng mức điện áp được ghi rõ trong bảng hướng dẫn; Tuyệt đối không được cầm dây nguồn để rút phích cắm ra, mà hãy cầm ngay phích cắm để rút, nhằm đảm bảo an toàn, tránh các trường hợp có thể bị giật do hở đường dây.

   - Không nên đun ấm nước siêu tốc ở những nơi ẩm ướt như trong nhà tắm, gần bồn rửa bát đĩa.... Trước khi sử dụng, hãy kiểm tra kỹ và chắc chắn rằng dây nguồn và phích cắm khô ráo, tránh trường hợp sử dụng khi tay đang ướt.

   - Mỗi ấm đều có vạch min và max. Khi dùng, không đổ nước dưới vạch min vì có thể gây cháy ấm, không vượt max vì nước sôi có thể trào ra ngoài chảy xuống dưới mâm nhiệt gây chập điện. Không mở nắp ấm ra khi đun bởi sẽ làm chức năng tự động ngắt không hoạt động.

   - Ngoài ra, bạn lưu ý khi sử dụng không nên đun ấm liên tục sẽ khiến mâm nhiệt quá nóng, dễ bị cháy. Tốt nhất nên để cách khoảng 15-20 phút để mâm nhiệt bớt nóng mới đun ấm tiếp theo.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang