Đã 10 năm trôi qua, bác sĩ phẫu thuật ung thư Vương Dĩnh Dật tại Bệnh viện Đại học Y Hiệp Hòa, Bắc Kinh, Trung Quốc vẫn không thể quên lần điều trị cho một bệnh nhân 19 tuổi vì ung thư dạ dày. Trước khi chết, cô gái trẻ đã nói với ông điều mà cô khao khát nhất trên đời.
- "Em muốn làm việc gì nhất?", bác sĩ hỏi.
- "Em chỉ muốn mình có thể kết hôn", cô gái đáp.
Thời gian trôi qua, bác sĩ Vương từ một bác sĩ trẻ đã trở thành bác sĩ phó trưởng khoa, nhưng hình ảnh cô gái với đôi mắt lấp lánh, khao khát sự sống và muốn thực hiện điều ước giản đơn năm nào vẫn không thể xóa nhòa trong tâm trí.
Những năm qua, bác sĩ Vương đã luôn cố gắng làm việc dựa trên nghiên cứu khoa học trong điều trị bệnh ung thư, với hy vọng có thể giảm thiểu các hoàn cảnh bi kịch như vậy.
Vào ngày 28/8 vừa qua, bác sĩ đã có một bài giảng về phòng tránh ung thư tại Bệnh viện Đại học Y Hiệp Hòa Bắc Kinh.
"Cơ thể con người tạo ra các tế bào ung thư mỗi ngày, nhưng không phải ai cũng sẽ bị ung thư bởi vì một số tế bào miễn dịch trong cơ thể đã đánh bại các tế bào ung thư này. Vậy phải làm thế nào để các tế bào miễn dịch có thể tiếp tục chống lại các tế bào ung thư? Điều này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố", bác sĩ Vương nói.
Theo bác sĩ, việc kiểm soát cân nặng, ăn uống lành mạnh và tập thể dục là 3 yếu tố rất quan trọng mà mọi người cần nhớ trên con đường phòng tránh ung thư.
Bằng kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, bác sĩ Vương Dĩnh Dật cũng đã nhắn nhủ mọi người 7 "bí quyết vàng" để tránh được án tử mang tên "ung thư".
7 lời khuyên cần nhớ để phòng tránh bệnh ung thư
1. Hãy tránh xa mầm bệnh nguy hiểm
Theo bác sĩ, có 9 mầm bệnh gây ung thư mà mọi người cần phải tránh, bao gồm:
- Helicobacter pylori.
- Virus viêm gan B.
- Virus viêm gan C.
- Papillomavirus ở người (HPV).
- Virus EB.
- Virus gây suy giảm miễn dịch ở người.
- Sán lá gan Thái.
- Bệnh clonorchosis (sán lá gan).
- Bệnh sán máng.
2. Hãy chống nắng để làm giảm nguy cơ ung thư da
Bác sĩ cho biết có gần 86% ung thư da khối u ác tính và 90% ung thư da không phải khối u ác tính (bao gồm ung thư biểu mô tế bào đáy và ung thư biểu mô tế bào vảy) có liên quan đến bức xạ tia cực tím mặt trời.
Do đó, mọi người cần tránh ánh nắng trực tiếp vào buổi trưa, sử dụng kem chống nắng đúng cách, đội mũ rộng vành và đeo kính râm, mặc quần áo chống nắng.
3. Giảm bức xạ y tế không cần thiết
Đương nhiên, nguy cơ ung thư gây ra do mỗi lần đi chụp CT là rất nhỏ. Tuy nhiên, bác sĩ Vương cảnh báo mọi người cần cảnh giác nếu phải đi chụp CT thường xuyên.
4. Giảm bức xạ của vật liệu xây dựng trong nhà
Trước khi xây nhà, chủ nhà nên mời những chuyên gia đến kiểm tra môi trường trong nhà. Nếu ô nhiễm không nghiêm trọng, mọi người hãy để thông gió trong khoảng 6 tháng. Việc thông gió nhiều hơn trong nhà có thể làm giảm nồng độ độc hại trong nhà và formaldehyd.
Ngoài ra, mọi người hãy nhớ rằng ô nhiễm radon cũng đã được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận là chất gây ung thư phổi phổ biến thứ hai sau thuốc lá. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị rằng nồng độ radon trong nhà nên thấp hơn 2,7 picoli mỗi lít (pCi / L).
5. Bỏ thuốc lá là ưu tiên hàng đầu
Bác sĩ Vương cho hay, từ năm 1991-2015, tỉ lệ tử vong do ung thư ở Hoa Kỳ đã giảm 26%, hơn một nửa trong số đó được cho là do tỷ lệ hút thuốc giảm. Chính vì vậy người nghiện thuốc ở mọi lứa tuổi đều cần dứt khoát từ bỏ ngay.
6. Uống bất kỳ loại rượu nào đều có hại
Ngay từ năm 1987, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) đã phân loại rượu là chất gây ung thư. Ngoài ra, sách "Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Trung Quốc" cũng đã khuyến nghị nam giới không nên uống quá 25gr rượu/ngày và với phụ nữ là 15gr/ngày.
7. Hãy đi tầm soát ung thư
Điều cuối cùng mà bác sĩ Vương muốn nhắn nhủ mọi người đó là hãy chăm chỉ đi tầm soát ung thư. Bác sĩ cho biết, hầu hết các bệnh ung thư đều sẽ có tiên lượng tốt nếu như được phát hiện và điều trị sớm.
Mọi người nên quan tâm đến việc đi tầm soát các loại ung thư như ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư cổ tử cung, ung thư phổi…
Theo People
Theo Tri Thức Trẻ