11 vấn đề sức khỏe phụ nữ cần chú ý sau tuổi 40

(lamchame.vn) - Sau tuổi 40, sự thay đổi hormone khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh có thể khiến sức khỏe phụ nữ bị ảnh hưởng, chẳng hạn như nguy cơ mắc bệnh tim và huyết áp cao.

Thực tế là sau 40 tuổi, số lượng phụ nữ phàn nàn về các vấn đề như tăng cân nhanh hơn, lượng cholesterol cao, mất ngủ, bốc hỏa,... cũng nhiều hơn. Sau đây là 11 vấn đề sức khỏe phụ nữ có thể gặp sau tuổi 40 và những lưu ý.

1. Bàng quang tăng hoạt

Bàng quang tăng hoạt (BQTH - overactive bladder) - còn gọi là Hội Chứng Bàng Quang Tăng Hoạt (Overactive Bladder Syndrome) - là một hội chứng bao gồm 4 nhóm triệu chứng:

- Tiểu gấp,

- Tiểu lắt nhắt (nhiều lần)

- Tiểu đêm

- Có hoặc không có són tiểu.

Bàng quang của bạn cũng có thể bị thay đổi theo tuổi tác lớn hơn. Các dây thần kinh hỗ trợ bàng quang có thể không hoạt động tốt như những người trẻ, cơ bàng quang có thể dày lên làm giảm khả năng hoạt động của chúng.

Mẹo kiểm soát: Để kiểm soát tình trạng này, các bài tập Kegel, kem bôi estrogen âm đạo và các loại thuốc khác theo chỉ định của bác sĩ có thể có ích.

2. Triệu chứng tiền mãn kinh

Vào giữa những năm 40 tuổi thì một số phụ nữ sẽ bắt đầu có các triệu chứng tiền mãn kinh. Mặc dù tiền mãn kinh không hẳn là một căn bệnh nhưng các triệu chứng bao gồm: bốc hỏa, kinh nguyệt không đều/kéo dài/ra nhiều có thể gây ra các rối loạn liên quan tới các bộ phận khác.

Giảm ham muốn tình dục có thể ảnh hưởng nặng nề tới phụ nữ sau tuổi 40 do nồng độ testosterone giảm - một phần của những thay đổi nội tiết tố xảy ra trong giai đoạn tiền mãn kinh.

Mẹo kiểm soát: Một số liệu pháp hormone có thể giảm nhẹ triệu chứng.

Vào giữa những năm 40 tuổi thì một số phụ nữ sẽ bắt đầu có các triệu chứng tiền mãn kinh (Ảnh: Internet)

3. Sỏi thận sau tuổi 40

Sỏi thận có thể rất nhỏ nhưng việc hình thành các viên sỏi thận trong đường tiết niệu thực sự rất khó chịu và đau đớn.

Thông thường, khi bạn già đi thì cơ thể bạn cũng sẽ bị mất nước nhiều hơn. Khi kết hợp cùng các rủi ro làm tăng nguy cơ khác trong cuộc sống như chế độ ăn uống có thể dẫn tới nguy cơ phát triển sỏi thận sau 40 tuổi.

Sỏi thận mặc dù phổ biến hơn ở nam giới nhưng với nữ giới cũng cần đặc biệt cẩn thận. Các triệu chứng cần ghi nhớ bao gồm đau dữ dội vùng lưng, tiểu ra máu, sốt, ớn lạnh, nôn mửa, nước tiểu có mùi hôi, cảm giác nóng rát khi đi tiểu.

Mẹo kiểm soát: Một số dạng sỏi thận có thể tự đào thải ra khỏi cơ thể nhưng cũng có trường hợp cần phải phẫu thuật để loại bỏ. Uống đủ nước là cách tốt nhất phòng tránh sỏi thận sau 40 tuổi đồng thời cần có chế độ ăn uống lành mạnh ngăn ngừa tái phát.

4. Nhiễm trùng đường tiết niệu

Cả nam giới và nữ giới đều có thể bị nhiễm trùng đường sinh dục nhiều lần hơn ở độ tuổi 40. Đối với phụ nữ, nguy cơ gia tăng nhiễm trùng đường tiết niệu được giải thích là do thành âm đạo mỏng đi và những thay đổi về độ pH của âm đạo đi kèm với quá trình lão hóa.

Cả nam giới và nữ giới đều có thể bị nhiễm trùng đường sinh dục nhiều lần hơn ở độ tuổi 40 (Ảnh: Internet)

Mẹo kiểm soát: Thuốc kháng sinh thường được chỉ định trong trường hợp cần thiết. Để ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiểu thì bạn cần uống đủ nước và nhớ đi tiểu trước và sau khi quan hệ vợ chồng.

5. Viêm khớp, thoái hóa khớp

Tuổi tác càng cao thì mật độ xương càng suy giảm, đây cũng là nguyên nhân của một loạt các bệnh xương khớp như loãng xương hay viêm khớp. Trong đó với phụ nữ sau 40 tuổi, viêm khớp khiến các khớp đau, cứng và thậm chí là biến dạng do sụn, mô liên kết hoạt động như một lớp đệm giữa các khớp bị mòn đi.

Các vùng phát triển cơn đau phổ biến thường là cột sống cổ thắt lưng, hông, đầu gối và các khớp đặc biệt như khớp gốc ngón tay cái.

Mẹo kiểm soát: Thăm khám bác sĩ định kì kiểm tra mật độ xương cũng như sức khỏe xương khớp. Ngoài ra cần có chế độ ăn giàu canxi, vận động đều đặn và duy trì cân nặng/giảm cân nếu cần. Khi có các cơn đau khớp cấp tính, có thể sử dụng các biện pháp giảm đau vật lý hoặc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

6. Tiểu đường

Mặc dù theo số liệu thống kê hiện tại thì bệnh tiểu đường cũng đã xuất hiện ở người trẻ với độ tuổi thấp hơn. Nhưng, nguy cơ mắc tiểu đường cũng tăng lên ở phụ nữ sau 40 tuổi.

Mệt mỏi, khát nước, đi tiểu nhiều, mờ mắt, sụt cân là một số triệu chứng của bệnh tiểu đường cần chú ý.

Mệt mỏi, khát nước, đi tiểu nhiều, mờ mắt, sụt cân là một số triệu chứng của bệnh tiểu đường cần chú ý (Ảnh: Internet)

Mẹo kiểm soát: Không có cách nào tốt hơn để kiểm soát và phòng ngừa bệnh tiểu đường là có chế độ ăn uống lành mạnh với các thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp và theo dõi chỉ số đường huyết trong máu thường xuyên đồng thời thăm khám định kì để thay đổi liều lượng thuốc (nếu có).

7. Loãng xương

Mật độ xương giảm trong và sau tuổi 40 do nội tiết tố thay đổi ở thời kì này dẫn tới các cơ quan khác cũng bị ảnh hưởng, bao gồm xương. Mật độ xương mất có thể đạt đến đỉnh điểm là 20% trong vòng 10 năm. Các cơn đau khớp mãn tính, dễ gãy xương, xương giòn là một trong số các dấu hiệu loãng xương phổ biến.

Mẹo kiểm soát: Bổ sung chế độ ăn giàu canxi và vitamin D theo hướng dẫn của bác sĩ và đừng quên kiểm tra mật độ xương định kì. Điều quan trọng là cần chăm sóc bản thân thật tốt khi bước vào thời kì mãn kinh.

8. Huyết áp cao

Đây là một biến chứng sức khỏe nghiêm trọng có tác động đe dọa tính mạng đối với cơ thể như đau tim, suy tim, suy thận hoặc đột quỵ. Trong khi lối sống không lành mạnh là yếu tố chính gây ra bệnh cao huyết áp, thì tuổi tác cũng là một yếu tố nguy cơ quan trọng.

Tuổi tác là một yếu tố làm tăng nguy cơ huyết áp cao (Ảnh: Internet)

Đặc biệt là sau 40 tuổi thì phụ nữ có nguy cơ đột quỵ cao hơn nếu họ đang sử dụng các liệu pháp thay thế hormone như estrogen trong và sau thời kì mãn kinh.

Mẹo kiểm soát: Điều quan trọng là cần kiểm soát căng thẳng và các yếu tố thúc đẩy huyết áp tăng khác như: giảm lượng muối ăn hàng ngày (ăn nhạt hơn), tập thể dục thường xuyên, tăng cường vitamin từ trái cây và rau củ.

9. Béo phì

Ở tuổi 40, phụ nữ có khả năng tăng cân và khó giảm hơn do tác động của các hormone tiền mãn kinh.

Mẹo kiểm soát: Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh và trái cây; vận động thường xuyên để duy trì cân nặng hoặc giảm cân đồng thời giảm áp lực cho các khớp. Nếu tình trạng tăng cân không kiểm soát được bạn có thể cần thăm khám bác sĩ nội tiết hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn.

10. Ung thư vú

Nguy cơ phát triển ung thư vú ở phụ nữ tăng lên đáng kể trong độ tuổi từ 30 - 40. Có nhiều yếu tố như chế độ ăn uống, sức khỏe tổng thể và môi trường sinh sống/làm việc có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú - nhưng tuổi tác cũng là yếu tố đáng lưu tâm.

Mẹo phòng ngừa: Để phòng ngừa ung thư vú thì thăm khám tại nhà thường xuyên bằng cách kiểm tra ngực và tầm soát định kì tại bệnh viện bằng phương pháp nhũ ảnh là tốt nhất để phát hiện sớm các bất thường.

11. Thiếu hụt vitamin

Sự thiếu hụt vitamin có thể là vấn đề gặp phải ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên khi phụ nữ càng lớn tuổi thì tình trạng thiếu hụt vitamin càng phổ biến hơn và có thể trở thành nguyên nhân thúc đẩy nhiều triệu chứng và bệnh lý.

Chẳng hạn như thiếu vitamin D làm tăng nguy cơ mất khối lượng xương, tăng nguy cơ loãng xương, trầm cảm và rối loạn cảm xúc theo mùa,... Và có thể bạn chưa biết, ở độ tuổi sau 40 thì người trưởng thành với các áp lực liên quan tới tài chính, gia đình, sự thay đổi ngoại hình có thể khiến một người dễ dàng bị tổn thương về mặt tâm lý hơn.

MỚI NHẤT

1 thỏi vàng bao nhiêu chỉ?

(lamchame.vn) - Thỏi vàng là vàng nguyên chất (hàm lượng vàng từ 99,5% trở lên) dạng khối hoặc thanh, thường dùng cho mục đích dự trữ hoặc giao dịch tiền...

ĐỌC NHIỀU