Sau 22 năm lưu lạc ở xứ người, chị Nguyễn Kim Hon, người phụ nữ Bạc Liêu lưu lạc 22 năm ở Trung Quốc, đã về tới nhà mẹ mình trong nước mắt hạnh phúc trùng phùng. Qua những phút giây đoàn tụ với gia đình, chị Hon đã kể lại quãng thời gian cay đắng của bản thân với những tháng ngày cơ cực nơi xứ người bằng tiếng Trung bởi chị vẫn chưa thể diễn đạt bằng tiếng Việt...
Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, chị Hon kể lại lúc 20 tuổi lấy chồng ở chợ Xóm Lung (thuộc thị xã Giá Rai). Sống với nhau vài tháng thì hai người chia tay nên chị Hon lên TP Cần Thơ làm thuê rồi quay về Bạc Liêu phụ bán nước mía ở Xóm Lung.
2Chị Hon nhớ về quãng thời gian cơ cực nơi xứ người |
"Phụ bán nước mía một thời gian, tôi có quen một người nói giọng miền Bắc. Quen biết nhau một thời gian, ông này rủ tôi lên thị xã Bạc Liêu (nay là TP Bạc Liêu - PV) chơi. Tại đây, tôi được ăn uống và ngủ đi lúc nào không hay. Khi thức dậy thì biết mình đang ở Trung Quốc", chị Hon kể.
Theo thông tin trên báo Người lao động, suốt 22 năm lưu lạc ở Trung Quốc chị bị gả bán làm vợ qua 4-5 người đàn ông nhưng không có con. Người cuối cùng sống với chị lâu nhất là 8 năm. Cũng vì không sinh được con nên chị bị hắt hủi, đuổi ra khỏi nhà, sống vất vưởng đầu đường xó chợ. Đau đớn nhất là những năm tháng đọa đày ấy, chị không nhớ nổi mình là ai và từ đâu đến.
Chị Hon đoàn tụ với người mẹ già sau 22 năm lưu lạc. Ảnh: Báo Pháp luật |
"Tôi thấy người ta ai cũng có cha mẹ, anh chị em còn tôi thì không biết mình từ đâu có mặt trên đời. Càng cố nhớ tôi càng chua xót, tủi thân và nghĩ có lẽ vậy mà người ta đối xử với tôi không giống như một con người", chị Hon ứa nước mắt kể.
Trong khoảng thời gian bế tắc nhất của phận người lưu lạc cũng chính là lúc may mắn mỉm cười với chị. Đó là khi xem một chương trình TV có nhắc hai từ "ăn cơm" bằng tiếng Việt, bỗng dưng bao ký ức tràn về, chị nhớ rõ mọi chuyện ở quê nhà, nhớ tên quê quán, nhớ tên từng thành viên trong gia đình và biết mình là người Việt Nam. Đó cũng là cánh cửa duy nhất giúp chị trở về đoàn tụ gia đình.
Bên cạnh đó, báo Tuổi trẻ cũng dẫn lại lời của chị Hon cho biết, trước đó không rõ uống phải loại thuốc gì, đầu óc chị trở nên "trống trơn", khoảng 3 năm không nói được (chị cho biết mình như bị câm).
Sau đó, chị dần dần nói được tiếng Trung Quốc vì thường xuyên giao tiếp hằng ngày. Lúc đó, chị không có ý niệm nào về việc mình là người Việt Nam, còn là người Trung Quốc hay nước nào khác thì cũng không chắc.
May mắn sau nhiều năm lưu lạc, được sự giúp đỡ của người dân và cảnh sát Trung Quốc, đầu tháng 7/2019 chị về đến cửa khẩu Lạng Sơn.
Theo thông tin trên báo Pháp luật, sau nhiều năm tìm kiếm con gái nhưng vô vọng, gia đình bà Hến đã nghĩ chị Hon đã không còn nên làm đám giỗ cho chị suốt 18 năm qua. Mặc dù vậy, trong thâm tâm người mẹ, bà Hến vẫn linh cảm con gái mình còn sống và mong từng ngày để gặp con. Và hôm nay, hạnh phúc đã thành hiện thực…
Chiều 5/7, chia sẻ với báo Người lao động, ông Huỳnh Việt Khái - Phó Trưởng phòng Phòng Tư pháp huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu - cho biết đã tiếp nhận hồ sơ và đang tiến hành làm thủ tục xóa khai tử cho chị Nguyễn Kim Hon (43 tuổi; ở ấp Bửu Đông, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải).
Đồng thời, bà Nguyễn Hồng Cẩm, Chủ tịch UBND xã Long Điền Đông, trước khi gia đình đi Lạng Sơn đón chị Hon, chính quyền địa phương có xác nhận giấy tờ về quan hệ huyết thống mẹ - con giữa chị với bà Nguyễn Thị Hến (83 tuổi). "Sau khi cơ quan chức năng xóa khai tử của chị Hon, xã sẽ làm lại giấy khai sinh và hướng dẫn chị làm các giấy tờ tùy thân khác", bà Cẩm cho hay.
Theo ttvn.vn