3 mẹo đơn giản giảm độ đắng của khổ qua để ai cũng ăn được!

Khổ qua hay còn gọi là mướp đắng vốn quen thuộc trong mâm cơm của gia đình Việt. Với vị đắng đặc trưng, khổ qua được xếp vào nhóm rau củ thuốc đắng giã tật. Có người thích mê vị đắng của khổ qua, có người e dè không dám đụng đũa cũng bởi vị đắng.

Vì thế, món ăn từ khổ qua nấu sao để không bị đắng là câu hỏi muôn thuở của người muốn ăn khổ qua để tốt cho sức khỏe mà lại chưa thể ăn được vì quá đắng!

Khổ qua sống ăn kèm chà bông chấm mắm ruốc, vị đắng mát lạnh chớm đầu lưỡi.

Khổ qua được chế biến thành rất nhiều món từ xào, nấu canh với tôm cá, hến hàu hay thịt heo, thịt bò đều được cả. Một món dân dã từ trái khổ qua ăn rất ngon đó là cắt từng lát nhỏ kẹp với rau thơm, chà bông hay chấm mắm ruốc.

Canh khổ qua nhồi thịt còn là món canh kỳ công không thể thiếu trong các dịp giỗ chạp, lễ Tết hay đãi khách đến chơi.

Để nấu được món ngon từ khổ qua mà không bị đắng, bạn cần lưu ý 3 điều dưới đây:

1. Mua khổ qua, thấy trái nào tươi ngon thì chọn

Khổ qua rừng: trồng chủ yếu khu vực rừng núi. Trái to cỡ đầu ngón tay cái hoặc ngón chân cái, ngắn, hơi tròn và dày gai nhọn, màu xanh đậm. Khổ qua rừng thường dùng với mục đích chữa bệnh nên vị rất đắng.

Khổ qua thường: quả to, gai nở thành những múi lớn, màu xanh sáng và nhạt hơn khổ qua rừng. Khổ qua thường ít đắng nhất, quả nào gai nở càng to nấu lên càng ít đắng.

Khổ qua đèo: trái khổ qua trồng trong vườn nhà không phân thuốc, xù xì, vỏ gai dày, săn, màu sậm. Vị đắng ngang ngửa khổ qua rừng.

Khổ qua đèo là giống khổ qua đặc trưng của miền Trung. Nếu có dịp về miền Trung chơi, bạn sẽ được mời cơm với món canh khổ qua đèo nhồi thịt nước trong xanh, ăn vào thơm hương vị đặc trưng của khổ qua.

2. Sơ chế khổ qua, bỏ phần ruột khổ qua: Đúng nhưng vẫn thiếu

Ruột khổ qua màu trắng, chứa nhiều hột có vị đắng. Khi móc bỏ phần ruột, bạn nhớ nạo hết phần cùi trắng nằm sát trong lớp thịt khổ qua, sẽ giảm vị đắng nhiều đấy.

Tùy món ăn mà khổ qua để nguyên trái hoặc bào mỏng, xắt cục nhưng bạn đừng quên ngâm nước muối. Bạn ngâm khổ qua trong nước muối khoảng 20 - 30 phút, vớt khổ qua ra, rửa nhiều lần nước cho hết vị mặn đồng thời giảm vị đắng.

Nếu bạn không thích chút vị đắng nào còn sót lại thì thử thêm cách chần sơ khổ qua. Đun nước với ít muối, khi nước sôi thì bạn cho khổ qua vào nấu trong 2 - 3 phút. Cách này đương nhiên sẽ mất đi vitamin, chất dinh dưỡng tan trong nước, giảm hương vị và tính đắng đáng kể.

3. Gia vị nào nên cho vào nồi canh khổ qua trước tiên để giảm vị đắng

Theo nguyên lý ngôi sao gia vị (The Flavor Star), vị mặn của muối sẽ làm giảm vị đắng và tăng cường vị ngọt.

Vì thế, hãy cho một ít muối vào nước sôi trước khi thả khổ qua để giảm vị đắng. Bột ngọt, bột nêm hay nước mắm có thể tăng mùi vị nhưng không giảm tính đắng của khổ qua.

Ngoài ra, để giảm tính đắng của khổ qua thì đừng cho chúng làm ngôi sao trong các món ăn, bằng cách kết hợp nguyên liệu khác như trứng, thịt băm, tôm, tàu hũ, cá thác lác... để góp nhiều hương vị nhờ đó dung hòa vị đắng.

Lẩu cá thác lác khổ qua, món ngon lạ miệng khi trời lạnh

Khổ qua xào thịt bò cho bữa cơm chiều.

Gỏi khổ qua tôm thịt, đủ vị chua cay mặn ngọt, thêm chút mềm béo của thịt heo

Khổ qua không chỉ là loại thực phẩm quen thuộc với mọi người mà còn được dùng làm vị thuốc với công dụng:

- Giải độc gan phù hợp với người có chế độ ăn kém lành mạnh như thường tiêu thụ thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn... thức khuya, lạm dụng bia rượu.

- Ổn định đường huyết, tăng sức đề kháng, thích hợp cho người mắc bệnh lý cao huyết áp, tiểu đường, vấn đề về cân nặng.

- Khổ qua có dược tính tốt cho sức khỏe, tuy nhiên người đang gặp vấn đề về tiêu hóa, tiêu chảy, hạ đường huyết thì nên ăn hạn chế hoặc ăn liều lượng được bác sĩ cho phép.

 

 

Theo afamily.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU