Nhiều chính sách giáo dục quan trọng có hiệu lực từ tháng 2/2025. (Ảnh minh họa)
Ngoại ngữ không còn là môn thi THPT bắt buộc
Thông tư 24/2024 về quy chế thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT ban hành, có hiệu lực từ ngày 8/2/2025.
Theo đó, từ năm 2025 trở đi, thí sinh thi tốt nghiệp THPT sẽ thực hiện 4 bài thi, trong đó 2 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn thi tự chọn (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Như vậy, Ngoại ngữ không còn là môn thi học bắt buộc như các kỳ thi trước đây.
Dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh
Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 29/2024 quy định về dạy thêm, học thêm, có hiệu lực từ ngày 14/2/2025.
Thông tư quy định, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh (gọi chung là cơ sở dạy thêm) phải thực hiện các yêu cầu sau:
- Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;
- Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.
Ngoài ra, người dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm. Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với hiệu trưởng hoặc giám đốc, người đứng đầu nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.
Thanh tra việc quản lý dạy thêm, học thêm
Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 28/2024 quy định nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục và thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/2/2025.
Nội dung thanh tra chuyên ngành đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên gồm:
- Ban hành văn bản, quy định quản lý nội bộ và phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng bộ máy tổ chức; thực hiện các quy định về công khai trong lĩnh vực giáo dục; công tác kiểm tra nội bộ và việc thực hiện các quy định về tổ chức và hoạt động theo điều lệ, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục.
- Thực hiện quy chế chuyên môn, thực hiện nội dung, phương pháp giáo dục; việc quản lý, lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục, thiết bị dạy học và đồ chơi trẻ em.
- Thực hiện quy chế tuyển sinh, quản lý, giáo dục người học và các chế độ, chính sách đối với người học, quản lý cấp phát văn bằng.
- Công tác xã hội hóa giáo dục, quản lý dạy thêm, học thêm.
- Các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; chấp hành quy định về kiểm định chất lượng giáo dục.
- Thực hiện quy định về thu, quản lý, sử dụng học phí, các nguồn lực tài chính khác.
- Công khai trong hoạt động của cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Bộ GD&ĐT.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Theo Kim Nhung/VTC