Không có trường đại học nào sẽ dạy bạn cách giáo dục con cái, chúng ta nuôi dưỡng trẻ bằng những yêu thương, nhưng nhiều cha mẹ không chọn đúng phương pháp khi họ thể hiện tình yêu với con và khiến trẻ bị tổn thương sâu sắc.
Cũng giống như chăm sóc 1 chậu hoa, bạn càng muốn nó phát triển mạnh, nó càng phản tác dụng. Trong quá trình nuôi dạy con cái, nhiều bậc cha mẹ cho biết: "Tôi rõ ràng muốn con cái tốt hơn, nhưng tại sao chúng càng ngày càng xa tôi?".
Dưới đây là những hành vi sẽ khiến trẻ ngày càng xa lánh cha mẹ:
1. Ép con ăn nhiều hơn
Trong quá trình tăng trưởng của trẻ, dinh dưỡng là điều kiện vô cùng cần thiết để trẻ phát triển khỏe mạnh, thông minh. Tuy nhiên, điều này khiến cha mẹ rơi vào sự cố chấp, luôn cho rằng trẻ phải ăn nhiều mới tốt, rồi ép con ăn nhiều hơn.
Suy nghĩ của cha mẹ là tốt nhưng nếu mù quáng ép buộc trẻ, nó sẽ có tác dụng ngược và khiến trẻ khó tiêu hoặc xuất hiện tình trạng chán ăn. Trong vấn đề dinh dưỡng của trẻ, miễn là việc ăn vặt được cha mẹ kiểm soát và khối lượng vận động của trẻ tăng lên thì không cần phải ép trẻ ăn mỗi ngày, trẻ sẽ tự chủ động ăn.
2. Ép con phải chia sẻ
Cha mẹ nên nói cho trẻ biết thế nào là sự chia sẻ thực sự, chứ không phả là ép buộc khi trẻ không sẵn lòng. (Ảnh minh họa)
Rất nhiều cha mẹ đưa con ra ngoài chơi hoặc đến thăm người thân, thường sẽ ép trẻ chia sẻ đồ chơi với người khác. Nếu trẻ không đồng ý thì ép buộc trẻ phải đồng ý hoặc sẽ dọa nạt hoặc dụ dỗ. Điều này không chỉ khiến trẻ cảm thấy tổn thương, mà còn có thể khiến trẻ mất niềm tin vào cha mẹ. Hãy tưởng tưởng, bạn rất thích một cái túi nhưng bạn phải cho người khác mượn vài ngày hoặc tặng cho người khác, bạn có đồng ý không? Cha mẹ nên nói cho trẻ biết thế nào là sự chia sẻ thực sự, chứ không phả là ép buộc khi trẻ không sẵn lòng.
3. "Biểu diễn" theo sự ép buộc
Cha mẹ nên nhớ rằng, không nên sử dụng trẻ như một công cụ để thể hiện rằng bản thân mình cũng biết dạy con (Ảnh minh họa).
Trẻ không ngừng trưởng thành và những kỹ năng của trẻ ngày càng nhiều, có khi trong nhà có khách hoặc đến nhà người thân chơi, người lớn sẽ ép đứa trẻ "biểu diễn" một chút tài năng âm nhạc hay khả năng biết đọc chữ trước khi bước vào lớp 1... trước mặt người khác. Nếu trẻ nhỏ không đồng ý "biểu diễn" hoặc làm sai, chúng sẽ bị cha mẹ trách mắng. Điều này sẽ khiến trẻ rất dễ bị tổn thương. Người lớn nên nhớ rằng, không được sử dụng trẻ như một công cụ để thể hiện rằng bản thân mình biết dạy con cái.
4. Buộc trẻ phải dũng cảm, không được nhút nhát
Một trong những cách nhanh nhất đẩy đứa trẻ vào trạng thái rối loạn lo âu là phàn nàn trẻ quá nhút nhát, buộc trẻ phải chào người khác khi trẻ cảm thấy chưa thoải mái.
Và khi cha mẹ hô hào, cổ vũ trẻ phải ôm, bắt tay, thậm chí hôn người khác, chẳng khác nào họ ngầm ý nói rằng: "Cơ thể con và những giới hạn của con chẳng có nghĩa gì hết. Chúng hoàn toàn có thể bị xâm phạm bởi bất cứ ai có quyền lực hơn con".
Lựa chọn tốt hơn cho cha mẹ: Có 3 thứ giúp con khắc phục tính nhút nhát, đó là sự tập luyện, hỗ trợ và chuẩn bị. Trẻ nhút nhát sẽ làm tốt nhất khi biết điều gì sắp xảy ra và được luyện tập để chuẩn bị cho điều đó.
Cha mẹ hãy ghi nhớ những lời nói và hành động của mình, bởi cha mẹ chính là hình mẫu của trẻ. Khi còn là một đứa trẻ, chúng ta khi đó cũng không thích bị người khác ép buộc, sắp đặt, vì vậy đừng để trẻ phải trải nghiệm lại cảm giác của cha mẹ khi xưa.
Nguồn: Sohu
Theo Trí Thức Trẻ