Để trường học không bị "đóng băng"
Mới đây, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đã ghi nhận 44 trường hợp là học sinh hai trường Tiểu học Chu Hóa và THCS Chu Hóa. Việc xuất hiện ổ dịch lớn trong trường học khiến cho không ít người tỏ ra lo ngại về vấn đề cho trẻ trực tiếp đến trường khi dịch bệnh chưa hết là chưa an toàn.
PGS. TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: "Khi chúng ta xác định sống chung với dịch Covid-19 đồng nghĩ với việc số ca bệnh sẽ không thể về 0. Khi trẻ quay trở lại trường học, việc nơi này nơi khác xuất hiện ca bệnh là điều dễ hiểu. Do học sinh hiện nay chưa được tiêm vắc xin nên việc lây nhiễm khi tiếp xúc gần là bình thường.
Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, khi lớp nào có ca dương tính, các em lớp đó sx được chuyển sang học online. Bên cạnh đó, y tế sẽ xét nghiệm nếu học sinh nào bị nhiễm sẽ cho cách ly tại nhà.
Còn các lớp khác trong nhà trường vẫn học trực tiếp như bình thường. Tuy nhiên điều kiện cần ở đây, nhà trường phải đảm bảo các lớp ít tiếp xúc với nhau".
Trẻ đến trường trong mùa dịch - Ảnh minh hoạ.
Theo PGS Huy Nga, trẻ em mắc Covid-19 tỷ lệ chuyển nặng chiếm tỷ lệ thấp hơn so với người lớn. Tuy nhiên, để đến trường an toàn và không phải "đóng băng" toàn bộ nhà trường, mỗi trường cần phải có kế hoạch phòng chống dịch và học sinh khi đi học cần tuân thủ 5K.
Đặc biệt, trong giờ học không nên tổ chức hát hò, giờ ra chỉ chơi trong lớp (lớp chơi với lớp). Các lớp phải mở cửa thông thoáng, lau chùi bề mặt bằng những dung dịch sát khuẩn. Nhà vệ sinh công cộng tại nhà trường cần lau rửa thường xuyên và đảm bảo thông thoáng khí.
"Nhà trường cần phải có sự thống nhất với phụ huynh: Nếu trẻ có triệu chứng ho, sốt cần cho trẻ nghỉ học ở nhà và liên hệ với y tế địa phương để được hỗ trợ. Nếu học sinh đó dương tính, phụ huynh cần thông báo với nhà trường để trường có kế hoạch ứng phó linh hoạt với tình hình dịch bệnh", PGS Huy Nga nói.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ em, theo PGS Huy Nga, việc tiêm vắc xin cho toàn bộ người lớn là rất quan trọng và càng sớm càng tốt: cha mẹ, thầy cô giáo, người phục vụ trong trường nên tiêm vắc xin sớm. Phía nhà trường thì cần tạo ra môi trường thông thoáng không có virus. "Khi người lớn được tiêm toàn bộ thì trẻ em an toàn", PGS Huy Nga chia sẻ.
Liên quan tới chuỗi lây nhiễm trong trường học xảy ra tại Phú Thọ, vị chuyên gia dịch tễ cũng cho biết, không nên quá hoang mang và lo lắng vì trẻ nhiễm virus thường không có triệu chứng. Điều quan trọng nhất, cần phải quan tâm bảo vệ các trường hợp trẻ em có bệnh mãn tính: bệnh thận, tim, phổi, hen, ung thư, trẻ béo phì, trẻ có bệnh lý nền…
"Nhà trường cần phải truyền thông để không có tâm lý hoảng loạn. Việc sống chung với dịch bệnh thì có ca bệnh là bình thường.
Hiện, chúng ta không cần phải đợi tiêm vắc xin cho trẻ từ 12-18 tuổi, hay phủ vắc xin mũi 2 cho người dân vì sẽ phải chờ đợi quá lâu. Lý do, trẻ em nếu lây nhiễm Covid-19 không nặng bằng sởi hay thủy đậu, mức độ tác động của virus với trẻ càng nhỏ thì triệu chứng càng nhẹ. Để đảm bảo an toàn, các tỉnh thành có thể tạo các "bong bóng trường học", tức là thầy cô giáo và nhân viên trong trường phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin, thực hiện nghiêm ngặt 5K, sẽ tạo được khu vực an toàn, không có nguy cơ lây nhiễm…", PGS Huy Nga nói.
Yếu tố quyết định trẻ tới trường an toàn
TS. Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học, Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT (Đại học Nguyễn Tất Thành) cho hay, việc cho trẻ tới trường sẽ phụ thuộc rất nhiều vào mức độ dịch bệnh tại địa phương đó. Đối với các tỉnh, thành phố thuộc vùng xanh, số ca bệnh không có hoặc ít thì trẻ em có thể đến trường. Còn đối với những nơi có mức độ nguy cơ cao sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ tiêm vắc xin trong cộng đồng. Nếu tỷ lệ tiêm trong cộng đồng còn thấp sẽ vẫn phải áp dụng cách ly truy vết.
Đối với trẻ em, theo quan điểm của TS. Bùi Lê Minh không thể áp dụng các biện pháp như người lớn như: xét nghiệm, cách ly. Khi lấy mẫu nên áp dụng các phương pháp ngoáy mũi hoặc kit lấy nước bọt sẽ không gây đau cho các em.
"Một số nơi có độ bao phủ vắc xin lớn như TP HCM, Hà Nội không nhất thiết phải cách ly tập trung nếu ốm sốt, xét nghiệm dương tính nên cách lý tại nhà (điều kiện bố mẹ đã được tiêm vắc xin). Trường hợp gia đình có người chưa tiêm vắc xin thì có thể cách ly tập trung tại nhà trường", TS. Bùi Lê Minh nói.
Để không đóng cửa trường học, theo TS. Bùi Lê Minh, khi đi học cần lưu ý không để các lớp giao lưu với nhau. Khi xảy ra ca bệnh chỉ đóng cửa lớp đó chứ không phải đóng cửa cả trường học. Trong lớp, cần đảm bảo học sinh ngồi giãn cách. Các trường cần phải có kế hoạch sẵn có chương trình đào tạo online và trực tiếp để thích ứng với tình hình dịch bệnh.
Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến 18h00 ngày 17/10/2021, từ 06h00-18h00 ngày 17/10/2021, tỉnh Phú Thọ ghi nhận 45 ca dương tính mới tại các địa phương: TP. Việt Trì (44 trường hợp là học sinh hai trường Tiểu học Chu Hóa và THCS Chu Hóa), huyện Phù Ninh (1).
Ngay sau khi, ghi nhận trường hợp dương tính là học sinh hai trường Tiểu học Chu Hóa và THCS Chu Hóa ngày 17/10 Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ đã đã có công văn về việc tiếp tục tăng cường phòng, chống dịch COVID-19.
Đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao: Tạm dừng các hoạt động dạy và học trực tiếp từ ngày 18/10 cho đến khi có thông báo mới. Các cơ sở giáo dục tập trung phối hợp với cơ quan y tế địa phương tiến hành rà soát, truy vết, xét nghiệm đảm bảo kịp thời, chính xác; tiếp tục chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng chuyển sang hình thức học trực tuyến.
Trong thời gian học sinh tạm dừng đến trường, nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phối hợp với phụ huynh quản lý, đảm bảo an toàn cho học sinh; hướng dẫn, giúp đỡ học sinh ôn tập, củng cố kiến thức bằng các hình thức phù hợp.
Theo soha.vn