57 viên chì được tìm thấy trong ruột thừa của cậu bé 8 tuổi người Úc và “thủ phạm” chính là món ăn yêu thích của gia đình

Sau 2 năm, các bác sĩ cuối cùng đã có thể tìm ra lý do tại sao một cậu bé 8 tuổi người Úc có nồng độ chì cao trong cơ thể cao đến thế.

Theo một báo cáo được đưa ra trong Tạp chí Y học New England năm 2013, một cậu bé 8 tuổi sống tại Úc có hàm lượng chì trong cơ thể rất cao trong suốt hơn 2 năm vì những lý do mà ngay cả bác sĩ cũng không giải thích được. Lượng chì cao bị mắc kẹt bên trong cơ thể cậu bé chính là nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng ngộ độc chì, bao gồm tăng động một cách không bình thường và nồng độ chì cao hơn 5 lần so với bình thường.

Khi đưa con đến khám, cha mẹ của cậu cũng cho biết cậu bé rất hiếu động, thậm chí hiếu động một cách bất thường. Để tìm kiếm nguyên nhân của hành vi hiếu động bất thường này, các bác sĩ đã kiểm tra mức độ độc tố trong cơ thể cậu bé. Kết quả là họ nhận thấy mức độ chì trong máu của cậu dao động từ 17,4-27,4 microgam/deciliter, cao hơn nhiều so với mức trung bình là 5 microgam. Nhưng trong suốt nhiều tháng, các bác sĩ cũng không thể tìm ra được đâu là nguyên nhân khiến lượng chì trong cơ thể cậu bé cao đến vậy, dù là từ những gì cậu bé ăn hay hít phải.

Một hình ảnh X-quang cho thấy các viên chì bên trong bụng bệnh nhân.(Ảnh: © Tạp chí Y học New England © 2013

Cho đến khi cậu bé bị đau bụng và phải nhập viện, các bác sĩ đã chụp X-quang thì mới phát hiện ra một số lượng lớn các vật tròn nhỏ trong bụng của cậu. Các vật thể trông như kim loại nằm ở phía dưới bên phải bụng, dường như nằm bên trong đường tiêu hóa. Các bác sĩ ngay lập tức cho cậu bé đi rửa ruột. Thao tác này lẽ ra phải dọn sạch bất kỳ vật nào trong đường tiêu hóa của một người nhưng khi chụp X-quang lần thứ 2, các bác sĩ rất ngạc nhiên khi thấy các vật thể lạ đó không hề di chuyển. Lúc này, bác sĩ mới nghi ngờ các vật thể nằm trong phần ruột thừa và một ca phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa cho cậu bé được thực hiện.

Khi ruột thừa được đưa ra ngoài, bác sĩ đã cắt nó ra thì mới ngỡ ngàng với 57 viên chì bị mắc kẹt bên trong. "Đó là một trong những điều bạn chỉ nhìn thấy một lần trong đời. Tôi đã ở trong ngành y gần 40 năm nay và chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì như thế này", tiến sĩ Ibrahim Zardawi, nhà nghiên cứu bệnh học kiểm tra ruột thừa, nói với LiveScience.

Các bác sĩ đã tìm thấy 57 viên chì bên trong ruột thừa của cậu bé. (Ảnh: Tạp chí Y học New England © 2013.)

Khi chứa các viên chì, ruột thừa của cậu bé nặng gấp 5 lần so với bình thường, thế nhưng nó chỉ có vài vết sẹo và hoàn toàn bình thường, không bị viêm.

Theo bác sĩ Zardawi, rất khó để các vật thể từ bên ngài có thể "chui vào" ruột thừa, thế nên, việc những viên chì chui vào và mắc kẹt tại đây thực sự là một "câu đố".

Theo chia sẻ của người trong gia đình cậu bé thì gia đình cậu thường xuyên ăn món thịt ngỗng mà họ săn bắn được bằng súng ngắn. Và các bác sĩ cho rằng những viên chì này có thể có lẫn trong thịt ngỗng. Tuy nhiên, sau đó, cậu bé và các anh chị em của mình cho biết họ đã nuốt các viên chì khi chơi trò chơi với nhau.

Chì là một kim loại nặng được sử dụng trong sản xuất pin và nhựa. Nó rất độc hại đối với con người khi ăn hoặc hít phải. Khi vào cơ thể, chì lưu thông trong máu và chỉ một lượng nhỏ có thể được bài tiết qua nước tiểu hoặc phân, một số có thể tồn tại trong các mô, cơ quan và xương. Các triệu chứng ngộ độc chì nghiêm trọng bao gồm: Nhầm lẫn, co giật, hôn mê và tử vong.

Tiêu thụ chỉ một viên chì cũng có thể đủ để khiến đứa trẻ bị bệnh nặng.

"Một câu hỏi quan trọng cần đặt ra là, tại sao không sử dụng viên đạn bằng đồng để săn bắn? Các viên đạn được sử dụng để săn bắn thường ở lại trong cơ thể động vật, và chì có thể gây nguy hiểm cho bất cứ ai ăn thịt có chứa chì vì có mức độ chì cao", tiến sĩ Zardawi nói.

"Tiêu thụ chỉ một viên chì cũng có thể đủ để khiến đứa trẻ bị bệnh nặng", ông nói thêm.

Một trường hợp ngộ độc chì khác được nhắc đến trên Tạp chí Phẫu thuật Nhi khoa (Journal Pediatric Surgery) năm 1994 là: Một cậu bé 4 tuổi đã được đưa đến bệnh viện ở Knoxville, Tenn., với các triệu chứng ngộ độc chì. Các bác sĩ phải mất nhiều vòng chụp X-quang và rửa ruột, cuối cùng mới tìm thấy một viên chì bị mắc kẹt trong ruột thừa của cậu bé này.

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU