Thực tế, những đứa trẻ không phải chịu sự căng thẳng, áp lực từ cha mẹ về việc điểm số ở trường sẽ tự tin và vui vẻ hơn hẳn. Chúng cũng ít có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm và có sự cởi mở hơn trong các mối quan hệ xã hội.
Nhà tâm lý học Amy Morin - tác giả của cuốn sách 13 điều mà các bậc cha mẹ mạnh mẽ không làm cho rằng: "Tôi để ý thấy phụ huynh xung quanh mình thường áp dụng quá nhiều những biện pháp hay khóa học kỹ năng mềm nhằm củng cố sự tự tin của trẻ. Nhưng những biện pháp ấy đôi khi có thể gây ra hiệu ứng ngược, con sẽ vướng vào vòng luẩn quẩn rằng lúc nào chúng cũng phải đấu tranh để tỏ ra tự tin và mạnh mẽ. Do vậy, đừng quên giúp con bạn được sống đúng với bản thân và phát huy được điểm mạnh của chúng."
1. Không rèn cho chúng làm việc nhà
Nghe có vẻ không liên quan nhưng làm việc nhà cũng góp phần không nhỏ giúp xây dựng sự tự tin của con bạn. Nhiều bậc phụ huynh nghĩ rằng bài vở trên lớp đã quá nặng nề căng thẳng với con rồi nên thường cho chúng bỏ qua việc nhà.
Nhưng những việc nhỏ ấy sẽ khiến con bạn rèn luyện được tính cách cẩn thận, tỉ mỉ cũng như sống có trách nhiệm hơn với gia đình đấy. Lựa chọn những công việc phù hợp với lứa tuổi của con: Nhỏ thì giúp cha mẹ vứt rác, lớn hơn thì rửa bát đĩa, giặt quần áo… bạn sẽ vừa đỡ vất vả, vừa giúp con biết quan tâm đến nhà cửa hơn.
2. Không cho phép con phạm sai lầm
Thật khó để chứng kiến con làm hỏng việc gì đó hay gặp thất bại mà không nổi cáu lên. Nhưng hãy nhớ rằng tất cả thành công đều được xây dựng từ những bài học của sự thất bại. Nếu không trải qua sai lầm, con bạn sẽ không thể rút ra kinh nghiệm để bước ra cuộc đời ẩn chứa muôn vàn thử thách sau này. Con cũng không thể học cách mạnh mẽ đứng dậy nếu không có những vấp ngã.
Sai lầm chính là thầy giáo vĩ đại nhất của cuộc đời! Khi con trượt một cuộc thi hay không đạt được kết quả mà chúng kỳ vọng, hãy trò chuyện và phân tích cho chúng hiểu rằng điều đó là hoàn toàn bình thường. Chắc chắn con sẽ có động lực để làm tốt hơn vào lần sau.
3. Không cho phép con thể hiện cảm xúc tiêu cực
Cách chúng ta phản ứng với hành động của con trẻ có tác động vô cùng sâu sắc đến sự phát triển trí tuệ cũng như tính cách của con sau này.
Đối với những đứa trẻ nhạy cảm, bộc lộ ra ngoài bao giờ cũng tốt hơn là giữ trong lòng. Thay vì kìm nén trạng thái tức giận của chúng, giúp con điều chỉnh và cảm soát cảm xúc của mình một cách vừa phải sẽ có ích hơn. Con sẽ biết cách tự xử lý những tình huống khác khi không có cha mẹ ở bên.
4. Không lắng nghe con giải thích
Đừng bao giờ chỉ nghe lời từ người ngoài mà vội vàng kết luận ngay là con mình sai. Hãy nghe lời giải thích từ phía trẻ để có một cái nhìn khách quan hơn, cái các con cần nhất chính là sự tin tưởng từ cha mẹ chúng. Ngay cả khi con bạn thật làm sai, hãy lắng nghe con để hiểu được vì sao chúng làm như vậy rồi mới từ từ giải thích cho con hiểu. Chị Phương Lan - một người mẹ đơn thân có con đang học lớp 5 chia sẻ: "Nghe tin cô giáo nói con đánh bạn, đã giận quá mà mất khôn. Về đến nhà, không thèm nghe con giải thích mà tôi đã đánh nó một trận. Về sau tôi mới biết, lý do con làm vậy là vì đứa trẻ kia đã nói con tôi không có cha. Tôi vô cùng hối hận và ước rằng lúc đó mình đã chịu lắng nghe con trước."
5. Bảo vệ con quá mức
Chắc chắn rằng bạn luôn muốn con phát triển trong một môi trường an toàn và lành mạnh. Nhưng điều đó không có nghĩa là cách ly chúng khỏi những hoạt động và thử thách bên ngoài.
Hãy xem bản thân như một người hướng dẫn chứ không phải là người bảo vệ của con. Hãy cho phép chúng có cơ hội trải nghiệm cuộc sống thông qua các hoạt động tình nguyện hay trại hè quân đội... Con sẽ trở nên cứng cỏi hơn và có khả năng đối phó với bất kỳ tình huống khó khăn nào trong cuộc sống.
6. Mong đợi sự hoàn hảo
Đã là cha mẹ thì ai mà chẳng mong con mình nên người và thành đạt. Nhưng hãy nhớ, kỳ vọng càng cao thì thất vọng cũng càng nhiều. Chẳng ai trên đời này là hoàn hảo và con bạn cũng vậy! chúng không nhất thiết phải xuất sắc trong mọi lĩnh vực, mỗi đứa trẻ đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng của bản thân. Đặc biệt, việc so sánh con với những đứa trẻ đạt được thanh tích cao hơn chúng là điều tối kị khi dạy con, việc làm ấy sẽ chỉ càng khiến con bạn trở nên tự ti và nhút nhát hơn mà thôi. Nếu những đứa trẻ phải chịu quá nhiều áp lực mà cha mẹ chúng đặt ra, hậu quả không ai mong muốn là con sẽ xảy ra tâm lý mặc kệ tất cả và chẳng buồn cố gắng nữa đấy.
Thay vào đó, hãy đưa ra những kỳ vọng rõ ràng, dài hạn và đặt các mục tiêu ngắn hạn nhưng thực tế để con dễ dàng làm được. Ví dụ, cải thiện môn Tiếng Anh là một mục tiêu dài hạn, để đạt được điều ấy con cần học 10 từ mới mỗi ngày, nghe một bài hội thoại ngắn, học 2 cấu trúc ngữ pháp mới… chậm mà chắc vẫn hơn, đừng quá nôn nóng mà bắt ép con cái phải chịu đựng căng thẳng các mẹ nhé!
7. Trừng phạt, thay vì kỷ luật
Trẻ em cần học cách chịu trách nhiệm khi gây ra những hành động có hậu quả nghiêm trọng. Nhưng điều ấy không có nghĩa là chúng phải chịu những hình phạt hà khắc. Có một sự khác biệt lớn giữa kỷ luật và hình phạt: Một đứa trẻ bị kỷ luật nghĩ rằng sẽ mình đã làm một việc tồi tệ, còn một đứa trẻ bị trừng phạt thì nghĩ rằng mình là một người xấu.
Nói cách khác, kỷ luật giúp con bạn tự tin rằng chúng có thể đưa ra những lựa chọn tốt hơn, đúng đắn hơn trong tương lai, trong khi hình phạt khiến chỉ chúng nghĩ rằng bản thân là kẻ thất bại và không có khả năng làm tốt điều gì!
(Tổng hợp)
Theo Helino