9 bí quyết dạy con của người Pháp được cả thế giới ngưỡng mộ

Hiếm khi quậy phá nơi đông người, ăn những gì được phục vụ và lịch sự với những người xung quanh... là cách hành xử văn minh mà người ta dễ nhận thấy nhất ở trẻ em Pháp. Để có được điều này, những bà mẹ Pháp luôn tuân thủ những bí quyết riêng của mình.

1. Độc lập ngay từ khi còn nhỏ

Thông thường, phụ nữ ở Pháp sẽ trở lại làm việc 10 tuần sau sinh. Bởi nếu họ ở nhà lâu hơn, gánh nặng kinh tế sẽ rất lớn dù họ được trợ cấp xã hội. Vì vậy, khi mẹ kết thúc kỳ nghỉ thai sản, đứa trẻ sẽ được đưa đến nhà trẻ. Ngay từ nhỏ, trẻ con Pháp đã được tiếp xúc với rất nhiều người mới. Điều này giúp đứa bé thích nghi nhanh hơn và độc lập hơn trong cuộc sống.

2. Ngủ riêng 

Ở Pháp, trẻ em được huấn luyện ngủ riêng từ rất sớm. Chúng sẽ ngủ trên giường của mình ở trong phòng ngủ riêng. Nếu một đứa trẻ thức dậy trong đêm và bắt đầu khóc, người mẹ thường đợi trong giây lát để đánh giá tình hình và chỉ xuất hiện khi cảm thấy thực sự cần thiết. Việc làm này giúp đứa trẻ hình thành thói quen ngủ tự lập. 

3. Tự do hành động                                                                                               

Cha mẹ Pháp cho con cái của họ sự tự do nhất có thể. Rất hiếm khi bạn thấy một phụ huynh vui chơi trên sân chơi với con. Họ cũng không can thiệp vào xung đột giữa những đứa trẻ mà để chúng tự xử lý tình huống. Điều quan trọng là họ thiết lập một ranh giới giữa những trò đùa và hành vi thực sự xấu.Chỉ có hành vi xấu là bị trừng phạt để con bạn biết sự khác biệt.

4. Ông bà không phải là người nuôi dạy trẻ

Ở Việt Nam, ông bà thường đảm nhiệm luôn vai trò nuôi dạy cháu. Điều này vô tình làm ảnh hưởng đến việc giáo dục tính cách cho trẻ cũng như tăng gánh nặng cho ông bà. Trong khi đó, ở Pháp, ông bà chỉ là những người hỗ trợ nuôi dạy bọn trẻ mà thôi. Bạn có thể thấy người già uống cà phê hoặc rượu vang trong nhà hàng thường xuyên hơn là chăm sóc cháu.

 5. Không có đồ ăn riêng 

Người Pháp bày tỏ quan điểm mạnh mẽ rằng việc sum họp cùng nhau trong bữa ăn ít nhất một lần một ngày là rất quan trọng. Ở đó, trẻ em và người lớn ăn cùng một loại thực phẩm vì không có thứ gọi là "thức ăn riêng của trẻ em" ở Pháp. Bọn trẻ sẽ không phải ăn những thứ chúng không thích nhưng nhất định chúng phải nếm món ăn đó để biết mùi vị như thế nào.

6. Tạo thói quen cư xử tốt                                                                                                

Giáo dục thói quen cư xử tốt cho trẻ là một hành trình dài nhưng cần thiết. Vì vậy, ngay từ nhỏ, những đứa trẻ đã được dạy và duy trì những cách hành xử văn minh. Chúng chào đón khách và hàng xóm, bình tĩnh xếp hàng và nhường chỗ cho người già trên xe buýt. Đó là lý do, từ khi còn rất nhỏ, bọn trẻ được học 4 cụm từ lịch sự quan trọng: Cảm ơn, Một ngày tốt lành, Vui mừng đón bạn, Tạm biệt.

7. Không giáo dục sớm

Việc dạy chữ sớm dường như xa lạ ở Pháp. Đa số trẻ em ở đây khi lên 5 tuổi vẫn chưa biết đọc và bố mẹ thấy điều này hoàn toàn bình thường. Thay vào đó, những phụ huynh Pháp cho rằng, tuổi thơ là khoảng thời gian tuyệt vời khi trẻ học cách mơ ước, khám phá thế giới, học phép lịch sự và có trách nhiệm. Đến khi chúng 6 tuổi, chúng sẽ học cách đọc và đếm.

8. Cuối tuần – thời gian dành cho gia đình

Người Pháp rất có ý thức về các hoạt động của ngày Chủ nhật và họ có sự chuẩn bị chu đáo để có một ngày nghỉ trọn vẹn và bổ ích. Đây là khoảng thời gian tốt nhất để đi dã ngoại, tổ chức tiệc ngoài trời, đi xe đạp... Ở đó, trẻ con thoải mái tự do vận động, phát triển thể chất cũng như sự sáng tạo, óc quan sát. Điều này cũng giúp kết nối các thành viên trong gia đình.

9. Học cách sử dụng đồng tiền

Bạn có thể thấy, trong các siêu thị ở Pháp, khi cha mẹ từ chối mua một món đồ nào đó, trẻ em thường giữ bình tĩnh và không gây ồn ào. Đó là vì, ngay từ nhỏ, trẻ em Pháp đã được học cách sử dụng đồng tiền. Trẻ embắt đầu nhận được tiền tiêu vặt từ năm 7 tuổi và được phép tiêu nó theo ý muốn. Số tiền tiêu vặt hàng tháng thường bằng tuổi trẻ. Điều này giúp trẻ có sự tự chủ trong cách sử dụng đồng tiền.

 

Theo Tri thức trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU