Mẹ của cháu T trước khi mang thai đã phát hiện nhiễm vi rút viêm gan B. Bản thân của chị cũng rất quan tâm và hiểu được mức độ nguy hiểm của vi rút viêm gan nên chị vẫn luôn điều trị. Lúc đó, vi rút hoạt động yếu nên bác sĩ cho biết chị chỉ theo dõi, chưa cần điều trị thuốc kháng vi rút.
Bé T sinh ra đã được tiêm phòng viêm gan B phòng lây nhiễm viêm gan B sơ sinh. Tuy nhiên, cháu bé vẫn nhiễm viêm gan B sơ sinh và chuyển thành viêm gan B mãn tính.
Cả hai mẹ con bé T vẫn thường xuyên theo dõi bệnh lý viêm gan B của mình. Trong quá trình đi kiểm tra bệnh, T phát hiện có khối u trong gan nên các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật. Bác sĩ Long cho biết cháu bé may mắn khối u ung thư được phát hiện sớm nên phẫu thuật, khối u chưa lan rộng ra các bộ phận khác.
Viêm gan vi rút gây ung thư gan. |
Trường hợp này may mắn là được bác sĩ phát hiện sớm nhờ thăm khám sức khoẻ thường xuyên. Nếu chậm, tế bào ung thư lan rộng thì rất khó phẫu thuật cho cháu bé. Đến nay, ung thư gan vẫn là căn bệnh ung thư nguy hiểm số 1 và tỷ lệ tử vong rất cao.
TS Long cho biết, nguyên nhân của ung thư gan được chỉ ra đó là do vi rút viêm gan siêu vi B và C.
Một nghiên cứu của bác sĩ Long cùng các cộng sự trong hơn 100 bệnh nhân ung thư gan thì có tới hơn 74% bệnh nhân ung thư gan mắc vi rút viêm gan siêu vi B và trong số đó có hơn 64 bệnh nhân vào viện khám tình cờ phát hiện ra ung thư gan chứ không có triệu chứng lâm sàng.
Phòng ung thư gan như thế nào?
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, ung thư gan là một trong 5 loại ung thư gây tử vong hàng đầu với gần 800 ngàn ca tử vong mỗi năm. Tiếp đến là ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư vú, ung thư đại tràng.
Tỷ lệ mắc ung thư gan tại Việt Nam xếp thứ 4/185 quốc gia, vùng lãnh thổ có số liệu về ung thư. Trung bình cứ 100 ngàn người Việt Nam thì có 23 người bị ung thư gan. Nguy cơ mắc ung thư gan ở nam giới cao gấp 3 lần nữ giới.
Hình ảnh ung thư gan |
Tỷ lệ mắc ung thư gan ở nam giới cao do mắc viêm gan vi rút, thói quen uống rượu… Bởi vì. nguyên nhân gây ung thư gan đã được chỉ ra chính là viêm gan virus B và C. Ngoài ra, rượu và chất aflatoxin (là loại độc do nấm aspergillus trong các loại hạt bị ẩm mốc như đậu phộng, gạo, bắp…) được cho là thủ phạm tàn phá gan, dẫn đến gan nhiễm mỡ, xơ gan và ung thư.
TS Long cho biết, ung thư gan phát triển rất "âm thầm", không có nhiều triệu chứng để nhận biết nên khó được phát hiện sớm. Chỉ khi bệnh nhân đi khám bệnh mới phát hiện được gan đã có sự thay đổi.
Khi có các triệu chứng như đau tức hạ sườn, mệt mỏi, vàng da, vàng mắt, nước tiểu có màu nâu sẫm, ăn kém… sụt cân thì khối u đã phát triển chèn ép chức năng gan gây ra các triệu chứng của bệnh.
Theo TS Long để phòng bệnh ung thư gan, tốt nhất là phòng từ viêm gan vi rút. Với viêm gan B hiện nay đã có vắc xin phòng ngừa, mọi người cần tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh.
Phòng viêm gan C bằng cách không dùng chung bơm kim tiêm để không lây nhiễm bệnh viêm gan C qua đường máu.
Hạn chế tối đa rượu, bia và các loại đồ uống có cồn, không ăn các loại ngũ cốc đã có nấm mốc, chú ý ăn đủ 3 bữa/ngày, không ăn quá no, tránh ăn các món quá béo; tăng cường trái cây và rau quả tươi.
Mọi người cần có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, không thức quá khuya. Khi phát hiện cơ thể có những dấu hiệu bất thường, cảm thấy đau vùng gan cần phải lập tức đi thăm khám, kiểm tra sức khỏe để có kế hoạch điều trị sớm, hiệu quả.
Theo ttvn.vn