''Tôi cảm thấy mình may mắn hơn với những người chuyển giới chưa công khai với gia đình đó là tôi được bố mẹ chấp nhận. Nhưng để có được như ngày hôm nay là những năm tháng tôi phải đấu tranh, phải chứng kiến những giọt nước mắt của bố mẹ''.
Trong cộng đồng LGBT tồn tại rất nhiều ước mơ. Nhiều nhất chắc chắn là mơ được sống đúng với giới tính, con người thật của mình. Và có những người, họ không những muốn come out, mà họ còn muốn chuyển giới - một ước mơ được xem là tốn kém, đau đớn, lành ít dữ nhiều. Nhưng phải một lần được lắng nghe câu chuyện của họ, thấu hiểu nỗi khổ khi không được sống với giới tính họ mong muốn, bạn mới biết vì sao chuyển giới lại trở thành một giấc mơ cháy bỏng cho rất nhiều người.
Ngọc Hà, năm nay 21 tuổi, đến từ Hải Phòng, là một người chuyển giới nữ chưa hoàn toàn. Hà sinh ra dưới cái tên Lê Đạt, là con trai duy nhất trong gia đình, nên được bố mẹ rất kì vọng. Và từ nhỏ, Hà đã được bao bọc, nuôi dạy để lớn lên trở thành một người đàn ông có ích cho xã hội.
Tuy nhiên, ngay từ khi còn bé, lúc 5 6 tuổi, Hà đã nhận thấy rằng mình khác với những người con trai khác khi thay vì chơi siêu nhân, bắn bi thì lại chơi búp bê, đồ hàng. Ở lớp thì luôn bị những bạn con trai trong lớp trêu chọc, nói là bê đê, là ái, nên Hà chỉ có vài người bạn thân là con gái.
”Năm tôi lên cấp 2 là khoảng thời gian đi học kinh khủng nhất mà tôi phải trải qua.Lúc đó tôi bắt đầu biết rung động với người bạn trai cùng lớp và tập làm điệu dần bằng cử chỉ, tô một chút son môi lấy trộm của mẹ để đi học.Thấy tôi khác biệt, các bạn nam bắt đầu lôi tôi ra làm đề tài để trêu chọc và những trận đánh, những lần trấn tiền, những lần lột quần áo quay clip lại bắt đầu xảy ra như cơm bữa với tôi. Mỗi lần tôi bị đánh, bị đè hay quay clip, tôi đều không có ai bênh vực. Sau mỗi lần vậy, tôi chỉ biết khóc và lặng lẽ đi về nhà mà không chia sẻ được với ai, ngay cả bố mẹ hay cô giáo chủ nhiệm. Về nhà, quần áo tôi bị bẩn thường xuyên do bị nằm xuống nền nhà hay bị đạp vào người, thấy vậy bố tôi có hỏi nhưng tôi chỉ lặng lẽ bảo ”Con bị ngã nên quần áo bị bẩn bố ạ”. Trong quãng thời gian đi học ấy, tôi luôn là người đến sớm nhất và là người bước ra cuối cùng khỏi trường. Tôi sợ sệt, lo lắng và cảm thấy uất ức vì không thể làm gì được” - Ngọc Hà kể lại thời đi học của mình.
Vào năm 16 tuổi, Hà có tham gia chương trình Vietpride tại Hải Phòng, và nhờ những kiến thức tự tìm hiểu, Hà bắt đầu nhận thức rõ ràng hơn về giới tính của mình. Sau đó, Hà gia nhập một nhóm những chuyển giới để đi diễn và sinh hoạt chung.
”Tôi còn nhớ cái lần đầu tiên tôi được hóa trang thành một người phụ nữ, được đội tóc giả, được đánh son, tôi cảm thấy mình thật sự xinh đẹp và hạnh phúc vô cùng. Tôi bắt đầu nhịn ăn sáng để góp tiền mua tóc giả, mua áo ngực, mua váy để phục vụ việc biểu diễn. Tất cả những đồ con gái tôi phải gửi nhà của một người chị em trong nhóm vì sợ bố mẹ tôi phát hiện. Khoảng thời gian cấp 3 ấy, dù không có bạn bè nhưng tôi vẫn hạnh phúc vì có những chị trong nhóm. Trong lúc đó, tôi vẫn tìm hiểu thêm nhiều kiến thức về LGBT từ xung quanh, xác định rõ lúc 18 tuổi, tôi sẽ come out với bố mẹ” - Hà kể lại.
Nhưng Hà buộc phải come out sớm hơn, và bố mẹ nhanh chóng kết luận rằng Hà bị bệnh, cần đi khám để trở về lại là một người con trai thật sự. ''Bố mẹ tôi shock nặng và mắng tôi thậm tệ, phản bác lại những gì tôi nói.Tôi đau đớn, tuyệt vọng vì bố mẹ không hiểu mình và những trận cãi vã của bố mẹ vì tôi bắt đầu xảy ra thường xuyên.
Sau khi tôi tốt nghiệp cấp 3, bố mẹ vẫn không chấp nhận và tôi bắt đầu đi làm với mong muốn kiếm thật nhiều tiền để đi xa, cũng như tích góp tiền phẫu thuật. Khoảng thời gian xin việc khá khó khăn khi đi đâu người ta cũng không nhận vì trông tôi không được mạnh mẽ như đàn ông. Nhưng rồi tôi đã được nhậnlàm trong một quán cafe nhỏ với mức lương 2 triệu một tháng.Dù không quá cao nhưng cũng đủ để tôi mua những đồ cần thiết như son phấn, mỹ phẩm, quần áo con gái…. Tôi bắt đầu nuôi tóc và thay đổi phong cách ăn mặc dần dần để bố mẹ quen với hình ảnh mới của tôi.
Lúc đầu bố mẹ vẫn phản ứng khá gay gắt nhưng dần dần không nói nữa, và tôi thoải mái hơn trong việc sống một cuộc sống của một người phụ nữ. Sau những lần tâm sự, mẹ tôi bắt đầu hiểu tôi hơn và mua cho tôi đồ con gái như guốc, dép, còn bố thì phải mãi đến hơn một năm sau bố mới chấp nhận dần. Tôi bắt đầu sống tích cực hơn, phấn đấu hơn để kiếm tiền chuyển giới. Và hiện tại tôi đã được bố mẹ chấp nhận hoàn toàn. Sau 3 năm đấu tranh, tôi đã được bố mẹ chấp nhận và tôi rất hạnh phúc vì điều đó'' - Hà hạnh phúc kể lại quá trình come out và dần được bố mẹ chấp thuận.
Dù thế, Hà vẫn bị sự kì thị của những người bên ngoài. Khi bắt đầu đổi tên FB thành tên con gái, Hà nhận về rất nhiều sự khinh bỉ. Rồi đi làm thì bị đồng nghiệp bàn tán về lối ăn mặc của mình. Hà biêt hết, nhưng không để bụng vì cô biết bản thân vẫn đang là một người ”chuyển giới nửa vời”, chưa hoàn thiện, nên việc mọi người cho rằng mình đang ”giả gái” cũng đúng thôi. Cũng có rất nhiều người khi tiếp xúc cũng không biết Hà là người chuyển giới. Điều đó làm Hà cảm thấy rất hạnh phúc khi đã thành công với hình ảnh một người phụ nữ.
Vào đầu năm nay, Hà đã bắt đầu tiêm những mũi hoocmon đầu tiên vào người. Thời khắc đó, Hà không thấy đau vì thể xác, mà lại đau đớn trong tâm hồn vi thương bố mẹ, cảm thấy bất hiếu khi không thể hoàn thành nghĩa vụ ”nối dõi tông đường”. Nhưng khát khao được sống là chính mình lớn hơn tất cả.
Để sống đúng với một cuộc sống của một người phụ nữ là không hề dễ dàng với Hà, khi mà nhu cầu quần áo, son phấn, tiêm hooc môn mỗi tháng đều lên con số lớn, và mức lương 2 triệu không thể đáp ứng nỗi chứ đừng nói chi đến việc phẫu thuật. Vì vậy, không chỉ riêng Hà, mà những người chưa chuyển giới hoàn toàn khác đều đang phải vất vả mưu sinh, tích cóp, đồng thời cũng mong chờ một phép màu để giúp thực hiện được những ước mơ.
”Người chuyển giới Việt Nam còn gặp rất nhiêu khó khăn trong vấn đề sức khỏe, giấy tờ, cái nhìn của xã hội, gia đình, khó khăn kinh tế. Khi chúng tôi bước ra ánh sáng để sống thật với bản thân thì đã gặp rất nhiều vấn đề. Với những người chuyển giới chưa phẫu thuật như tôi, thì điều lo lắng ở đây là kinh tế để chuyển giới, sức khỏe khi tiêm hooc môn. Với những người chuyển giới đã phẫu thuật rồi thì cũng gặp những khó khăn nhất định về vấn đề giấy tờ, sức khỏe sau khi chuyển giới. Tất cả những người chuyển giới trong những giai đoạn khác nhau đều gặp những khó khăn nhất định. Cuộc sống ngày càng trở lên phức tạp hơn thì những người chuyển giới giống như tôi lại luôn phải đối mặt với những điều mà chỉ có chúng tôi hiểu.
Tôi luôn mong muốn mình một ngày không xa sẽ sớm được chuyển giới để được hoàn thành ước mơ lớn nhất của cuộc đời mình.Tôi luôn cố gắng từng ngày để kiếm tiền hoặc tìm những cơ hội tốt để mình nắm bắt. Tôi cảm thấy mình may mắn hơn với những người chuyển giới chưa công khai với gia đình đó là tôi được bố mẹ chấp nhận. Nhưng để có được như ngày hôm nay là những năm tháng tôi phải đấu tranh, phải chứng kiến những giọt nước mắt của bố mẹ. Tôi mong câu chuyện của mình phần nào sẽ giúp được những bạn chuyển giới chưa bước ra ngoài ánh sáng cố gắng đấu tranh hơn trong cuộc sống.
Nếu như các bạn cứ sợ hãi, cứ ngồi đấy và nói rằng mình không bao giờ làm được đâu thì các bạn chẳng bao giờ làm được. Và tôi rất mong có thể câu chuyện của mình sẽ là nguồn động lực để xã hội có cái nhìn thoáng hơn với người chuyển giới, để họ có thể an tâm là dù cuộc sống còn có quá nhiều khó khăn thì vẫn có nhiều người sẵn sàng giúp đỡ họ về vấn đề việc làm, sức khỏe” - Hà nhắn nhủ.
Cẩm Loan
Theo saostar.vn