Ai nên học chuyên? - Câu hỏi của hàng vạn bậc phụ huynh giữa mùa thi cử

(lamchame.vn) - Điểm chuẩn vào lớp 10 ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành đã được công bố. Riêng ở Hà Nội, có khoảng 32 ngàn học sinh không đỗ hệ công lập. Và con số không đậu hệ chuyên ở Thủ đô như mơ ước của các em học sinh cũng như gia đình chắc chắn cũng chẳng hề thấp.

Trong một diễn đàn trên mạng xã hội, cô giáo Phạm Nha Trang đã có những chia sẻ khá thú vị về việc ai (học sinh - PV) nào nên học chuyên và cũng lý giải rõ ràng nguyên nhân nằm ở đâu theo đánh giá của cá nhân cô. Đây không chỉ là câu chuyện đối với các em học sinh chuẩn bị bước vào cấp 3 mà còn vấn đề của những gia đình có con em sắp đi học tiểu học, chuẩn bị bước vào trường trung học cơ sở và thậm chí là Đại học. Trường chuyên lớp chọn rõ ràng là môi trường tuyệt vời đối với các em học sinh, là cánh cửa mở ra nhiều điều thú vị về học thức và cả tương lai nhưng nó chưa chắc đã là điều hoàn hảo nhất mà bố mẹ và cả các con nên lựa chọn bởi nhiều nguyên nhân... 

Chúng tôi xin trích đăng những chia sẻ của cô Phạm Nha Trang trong bối cảnh các bậc phụ huynh còn nhiều "thót tim" vì điểm chuẩn đầu vào lớp 10 hệ chuyên và cả không chuyên ở nhiều tỉnh thành.

AI NÊN HỌC CHUYÊN?

Có nên học chuyên hay không là vấn đề mọi người đã bàn mãi rồi. Nhiều gia đình đầu tư cho con theo 1 lộ trình rất dài, từ lớp 2, lớp 3 với mục đích thi vào Ams 2, CG… rồi đến Ams 3, CNN, Chuyên SP….Nhưng hôm nay mình muốn bàn đến khía cạnh khác của vấn đề: Học sinh nào nên học trường chuyên?

Kết quả thi đầu vào trường chuyên thường là sự cộng hưởng của 2 yếu tố: tố chất + nỗ lực học tập. Vì tố chất là bẩm sinh, nên phần lớn các gia đình đầu tư vào phần nỗ lực. Bố mẹ nỗ lực tìm thầy giỏi và đưa đón. Con nỗ lực làm bài tập, luyện đề.

Mình là 1 giảng viên đại học, dạy cả hệ chất lượng cao (CLC) và hệ bình thường. Lớp CLC mình đang dạy quy tụ 10% sinh viên ưu tú nhất khoá, tương đương hệ cử nhân tài năng của Bách Khoa với điểm đầu vào cao nhất cả nước (tính riêng khối D). Vì thế, chương trình và phương pháp dạy của giáo viên ở 2 hệ này hoàn toàn khác nhau. Với thời lượng học như nhau, trong khi hệ bình thường học mỗi chương trình cơ bản, thì hệ CLC phải học cả cơ bản cả nâng cao.

Học trường chuyên lớp chọn có thể mở ra cánh cửa tương lai rạng ngời nhưng đôi khi cũng là áp lực mà không phải em học sinh nào cũng có thể vượt qua.

Khi dạy hệ bình thường, giáo viên dạy chậm, giải thích kỹ lưỡng, 1 vấn đề thường nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Khi dạy hệ CLC, giáo viên chỉ dạy rất lướt các nội dung cơ bản, và nội dung nâng cao cũng chỉ đủ thời gian dạy gợi mở thôi. Ở lớp CLC, mình chỉ giảng lý thuyết 1 lần, nhưng phần lớn sinh viên hiểu, thậm chí có nhiều bạn nhớ kỹ mình đã nói cái gì, thời điểm nào, bài nào. Đặc biệt hơn, rất nhiều bạn còn có khả năng mở rộng, đúng kiểu học 1 hiểu 10. Ở đại học, vì ít có nơi học thêm được, nên việc mở rộng này phần lớn là do SV có khả năng tự học, tự nghiên cứu + lòng ham mê học hỏi nữa.

Mình nghe thấy rất nhiều ý kiến nói rằng: ở Ams giáo viên dạy ít lắm, hoặc chẳng dạy mấy, mà thi thì khó lắm. Lý do cho việc dạy ít, thi khó mình nghĩ chính là do chương trình và yêu cầu chung đối với hệ này, cũng như tâm lý mặc định của giáo viên là: học sinh giỏi, thông minh rồi, chỉ cần dạy thế thôi là các con sẽ làm được bài thi khó.

Vậy khi 1 học sinh có tố chất trung bình, do cày cuốc ôn thi luyện kỹ lưỡng trong 1 giai đoạn dài mà đỗ trường chuyên, phải học cùng với các bạn thông minh học 1 hiểu 10, giáo viên dạy nhanh, yêu cầu cao thì các bố mẹ có thể tưởng tượng là chuỗi ngày cày cuốc của con sẽ không bao giờ kết thúc; và con vẫn tiếp tục phải mài đũng quần ở rất nhiều lò luyện khác nhau, phải thức đêm thức hôm để giải quyết hết bài tập ở lớp cũng như bài học thêm.

Tất nhiên, mọi người sẽ bảo: học sinh nào dù học trường chuyên cũng đều đi học thêm. Đúng, nhưng thật sự, mục đích học thêm của các bạn rất khác nhau. Những bạn top trên học thêm để luôn đứng đầu, đạt hết giải này giải nọ, đạt học bổng du học, thậm chí đã du học là phải trường danh tiếng. Ngược lại, những bạn top dưới học thêm, và thậm chí học gấp đôi để… đuổi theo các bạn top trên, và như thế có ngày con sẽ đuối, sẽ mệt, sẽ nản. Bậc cha mẹ nào đã từng học chuyên sẽ biết, trong môi trường chuyên, sẽ luôn có những người luôn dẫn đầu, và có những người dù có cố đến đâu cũng không bao giờ vươn lên nổi mức giữa trong lớp.

Trong môi trường ra hành lang đụng giải quốc gia, vào nhà xe đụng giải quốc tế, đến cổng trường gặp bạn được học bổng IVY như Ams chẳng hạn, thì việc học ở đó sẽ là gánh nặng vô cùng cho các bạn tố chất trung bình. Các bậc cha mẹ thường nghĩ vào chuyên, con sẽ được học thầy cô giáo giỏi? Nhưng thử nghĩ xem thầy cô giáo đó dạy ở trên lớp với ý nghĩ: các con bên dưới rất thông minh, chỉ cần nói 1 lần thôi, thì liệu các con có hiểu hết nổi những kiến thức thầy cô giáo truyền thụ?

Lại có ý kiến khác là: học với bạn giỏi, con sẽ có phong trào, sẽ học tập được từ bạn. Nhưng mình thì nghĩ, học với người mất 10p giải được bài khó mà con mất tận 1 tiếng, con sẽ khó mà ngẩng cao đầu với các bạn. Thời mình đi học, lớp mình không bao giờ có chuyện quay cóp hay nhìn bài nhau, kể cả khi giáo viên có đi ra ngoài. Đơn giản, vì lòng tự trọng của ai cũng cao, ai cũng nghĩ “mình nhìn bài nó hoá ra mình kém nó à?!” Vì thế, các bố mẹ có thể tưởng tượng, trong 1 môi trường các con ganh đua nhau quyết liệt, khi bạn giỏi luôn đứng đầu, con phải cố gắng gấp đôi bạn, mà vẫn đứng cuối, thì tuổi thơ của con sẽ là 1 chuỗi ngày chỉ có học và học, ám ảnh bài tập, mặc cảm mình yếu kém, và tất nhiên, sẽ không còn thời gian để rèn luyện các kỹ năng cần thiết khác cho cuộc sống.

Vì thế, mình thật sự nghĩ rằng trường CLC là dành cho các bạn có tố chất đặc biệt. Và nếu con bạn học không xuất sắc đến thế, đừng cố, khổ con và khổ bố mẹ. Nếu con bạn phải học 1 ngày  ~9 tiếng, không còn thời gian tập thể thao hay làm gì con thích, thì có nghĩa là con không thích hợp với trường chuyên lớp chọn. Thay vào đó, hãy cho con rèn luyện những gì con mạnh nhất. Con học chưa giỏi, không có nghĩa là con sẽ kém. Đường dài mới biết ngựa hay, Ams hay CLC chỉ là 1 trong số rất nhiều con đường dẫn đến T2. Mà T2, xét cho cùng, cũng chỉ là 1 trong số nhiều con đường dẫn đến thành công.

Theo sohuutritue.net.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU