Từ 15/1 đến nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận tới 9 ca liên cầu lợn. 100% trong số này là nam giới, ở tuổi trung niên, hầu hết không có bảo hiểm y tế.
Đặc biệt, có nhiều ca vào viện trong dịp Tết Mậu Tuất. Trong số 9 ca liên cầu lợn vào viện có 5 ca thể nhiễm trùng máu, 4 ca thể viêm màng não mủ. 40-50% có khai thác tiền sử liên quan ăn tiết canh hoặc ăn thịt lợn ốm. Số còn lại, bệnh nhân và người nhà không khai.
Bệnh nhân Vũ Văn B. (60 tuổi, Nghĩa Hưng, Nam Định) đã điều trị tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương được 4 ngày.
Theo các bác sĩ tại khoa Cấp cứu, bệnh nhân B. được chuyển từ Bệnh viện Bạch Mai, nhập viện trưa ngày 2/3 với chẩn đoán nhiễm trùng máu, suy thận do nhiễm liên cầu lợn.
Rải rác toàn thân bệnh nhân B. nổi ban tím, đỏ, tập trung nhiều ở vùng chân, bàn tay, mặt. Thậm chí có chỗ còn nổi phồng, nứt nẻ.
Người nhà bệnh nhân cho biết, trước đó 10 ngày, ông B. có mổ thịt lợn, 6 ngày sau bệnh nhân bị sốt cao 39 - 40 độ, da nổi ban hoại tử, không đại tiện, tiểu tiện được, gáy cứng.
Các đầu ngón tay, chân có hoại tử.
“Hiện tại bệnh nhân tỉnh táo, còn nhiều ban hoại tử, nhưng với tình trạng suy thận của bệnh nhân B., chiều 5/3, bệnh nhân được chỉ định lọc máu, dự kiến phải mất 3 tuần” – BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu thông tin.
Bệnh nhân B. không có bảo hiểm y tế. Dù chi phí thuốc cho bệnh nhân không đáng kể nhưng theo BS Cấp, do bệnh nhân phải lọc máu nên chi phí điều trị, ông B. sẽ phải trả khoảng 40 - 50 triệu.
Với những bệnh nhân suy đa phủ tạng, suy hô hấp phải thở máy, chi phí sẽ còn lên cao hơn, phải tính bằng tiền trăm triệu.
Những hình ảnh đáng sợ vì liên cầu lợn. Ảnh: TL
Một bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn phải thở máy. Ảnh: TL
Khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, buồn nôn, nôn và đi ngoài (nhưng không đi nhiều lần) khiến nhiều người lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường.
Người bệnh cũng có biểu hiện đau đầu, ù tai, điếc, cứng gáy, tri giác lơ mơ, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ vì liên cầu lợn.
Trường hợp nặng, người bệnh có các biểu hiện: Sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng… hôn mê và tử vong.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân: Không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn (heo) chưa được nấu chín; không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn (heo) ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn (heo) không đảm bảo vệ sinh hoặc không rõ nguồn gốc; không sử dụng thịt lợn (heo) có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khi tiếp xúc với lợn (heo), chế biến thịt lợn (heo), thường xuyên rửa tay với xà phòng; tiêu hủy lợn (heo) bệnh, lợn (heo) chết theo đúng quy định.