Từng giai đoạn phát triển của cuộc sống có xu hướng phản ánh các loại ác mộng của trẻ. Ví dụ, trẻ chập chững biết đi có thể gặp ác mộng về việc phải xa cha mẹ, trẻ lớn hơn thì có những giấc mơ về con quái vật hay bóng tối do xem phim ảnh kinh dị. Khi gặp ác mộng trẻ thường tỉnh giấc và la hét nhưng ý thức được khi bạn bước về phía bé, hoặc dau đó tỉnh giấc một chút. Bé có thể nhớ được trải nghiệm đó và cơn ác mộng đó có thể đeo đẳng bám lấy trẻ trong suốt nhiều năm liền.
Làm gì khi trẻ gặp ác mộng?
Ba mẹ lưu ý đừng coi nhẹ giấc mơ của bé vì đối với bé giấc mơ rất thật. Đừng nói với trẻ rằng những cơn ác mộng là không có thật. Việc thổi bay những suy nghĩ về nó càng làm trẻ cảm thấy buồn hơn.
- Đừng đánh thức trẻ dậy nếu trẻ vẫn còn ngủ hoặc khóc to khi bạn đến. Ở cạnh trẻ cho đến khi trẻ thức dậy hoặc ngủ lại.
- Không nên cho trẻ ngủ bên cạnh bạn, đặc biệt là sau cơn ác mộng. Việc này sẽ tạo cho trẻ cảm giác lo sợ về giường ngủ của mình, dễ phát triển thành các thói quen khó bỏ.
- Hãy cho trẻ biết rằng mặc dù ác mộng rất đáng sợ nhưng thỉnh thoảng tất cả chúng ta đều sẽ gặp phải nó và chúng ta có cách để vượt qua.
Làm thế nào để giảm tần số những cơn ác mộng?
- Ba mẹ hãy xác định xem việc gì có thể khiến trẻ căng thẳng hoặc sợ hãi trong ngày để rút kinh nghiệm tránh cho trẻ gặp những việc đó hoặc những việc tương tự. Tránh la mắng, hù dọa làm trẻ giật mình, sợ hãi vào ban ngày.
- Ba mẹ hãy thực hiện nghiêm túc và kiên trì đúng theo trình tự và giờ đi ngủ của bé để giúp con tạo thói quen và có cảm giác yên tâm, sẽ ngủ ngon và sâu hơn. Tránh việc trước khi đi ngủ cho con xem, nghe những chương trình bạo lực, kinh dị… hay kích động cho bé.
- Nếu trẻ có tâm lý sợ ma, quái vật thì ba mẹ hãy để đèn ngủ cho trẻ, và trước khi ngủ có thể làm “thủ tục” kiểm tra quanh phòng, quanh giường và khẳng định với bé đã an toàn để bé có thể yên tâm ngủ.
- Hãy chắc chắn rằng bạn có thể giám sát được giấc ngủ của trẻ vào ban đêm, thậm chí qua camera. Nếu có một người giúp việc ở với con bạn, hãy đảm bảo rằng cô ấy có thể an ủi, dỗ dành được con bạn.
- Làm cho mọi chuyện đơn giản hơn bằng cách nói chuyện với trẻ nhẹ nhàng, hoặc đọc một câu chuyện yêu thích hoặc chỉ đơn giản là ở lại bên cạnh để đưa trẻ quay trở lại giấc ngủ.
- Hãy nói chuyện với trẻ về ác mộng khi trẻ muốn nói về chuyện đó: Nếu hôm sau trẻ vẫn nhớ về ác mộng, hãy khuyến khích trẻ cùng trao đổi, kể lại và cùng thảo luận về cách giải quyết. Nhưng nếu trẻ chưa muốn nói, đừng cố ép buộc trẻ, hãy thảo luận về vấn đề đó vào một thời điểm thích hợp hơn.
Đa phần các cơn ác mộng hoặc các giấc ngủ kinh hoàng đều không phải là biểu hiện của chứng trầm cảm hay những bệnh lý về tâm thần. Sự chăm sóc và quan tâm đúng cách từ cha mẹ đủ để giúp con trong vấn đề này. Hi vọng với những chia sẻ trên đây ba mẹ đã biết rõ cần làm gì khi trẻ gặp ác mộng. Tuy nhiên, nếu ác mộng xảy ra liên tục, nhiều lần hoặc bạn nghi ngờ chúng có thể gây ra bất kỳ vấn đề sức khỏe nào cho trẻ, hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay lập tức.