Xã hội ngày càng già hoá, những bệnh liên quan đến sa sút trí tuệ, suy giảm chức năng não bộ cũng ngày càng xuất hiện nhiều và gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong số đó, Alzheimer là căn bệnh phổ biến nhất gây ra bởi việc tích tụ các protein có hại, điển hình là amyloid beta. Protein này được coi là "rác thải" của não bộ, gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến não theo thời gian.
Katsuyuki Uchino, bác sĩ Khoa Thần kinh tại Kanamachi, Nhật Bản cho biết, amyloid beta là protein với độc tính cao, có thể giết chết các tế bào thần kinh não. Khi chúng tích tụ quá sẽ hình thành sợi amyloid bao quanh các tế bào thần kinh não. Khi số lượng tăng dần có thể dẫn đến suy giảm chức năng não, gây ra Alzheimer.
Tuy nhiên, bệnh Alzheimer không phải căn bệnh có biểu hiện lập tức bên ngoài mà sẽ tích lũy trong thời gian dài. Nhóm nghiên cứu của Giáo sư Akinori Nakamura từ Trung tâm Nghiên cứu Y học Tuổi thọ Quốc gia Nhật Bản cho biết, sự khởi phát của bệnh Alzheimer bắt đầu từ việc tích tụ protein beta amyloid trong khoảng 20 đến 30 năm về trước.
Do đó, việc loại bỏ "rác thải" tích tụ cũng như ngăn chặn tác nhân nguy hại mới xâm nhập là điều rất quan trọng để bảo vệ các tế bào não bộ, tránh xa các chứng sa sút trí tuệ khi về già.
3 lối sống hủy hoại não bộ
1. Ăn nhiều từ carbohydrate tinh chế
Các sản phẩm làm từ carbohydrate tinh chế, điển hình là các loại bánh mì, bánh ngọt... khi đi vào cơ thể sẽ rất nhanh được chuyển hóa thành đường, khiến lượng đường trong máu tăng đột biến, gây ra thay đổi tâm trạng và kém tập trung.
Không chỉ vậy, khi lượng đường trong cơ thể dư thừa và không thể chuyển hóa thành năng lượng sẽ chuyển hóa thành chất béo tích tụ trong cơ thể, từ đó dễ dẫn đến các tình trạng như béo phì, bệnh tiểu đường... Theo bác sĩ chuyên khoa não Hachiro Sugimoto (81 tuổi, Nhật Bản) cho biết, so với người khỏe mạnh, bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn và người béo phì có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao gấp 2,44 lần.
Ngoài ra, carbohydrate tinh chế còn mất đi lượng chất xơ ban đầu cũng các chất dinh dưỡng tốt cho não khác, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim, tiểu đường, béo phì, ung thư vú và ung thư đại trực tràng, cũng như gây suy giảm nhận thức và chứng mất trí nhớ.
Cùng với đó, trong quá trình chế biến, các loại bánh mì, bánh ngọt trải qua nhiệt độ cao sẽ khiến sản phẩm glycat hóa bền vững (AGEs) gây hại cho cơ thể sẽ cao hơn, có thể dẫn đến xơ cứng động mạch, khi tích tụ trong não cũng gây ra chứng mất trí nhớ.
Ngoài những thực phẩm từ carbohydrate tinh chế, những thực phẩm siêu chế biến với nhiều chất phụ gia có hại cho sức khoẻ, chứa quá nhiều calo, thiếu đi những chất chống oxy hóa ... có thể ảnh hưởng đến mô não cũng như quá trình tuần hoàn máu, làm giảm khả năng hoạt động của não, tạo điều kiện cho các chất có hại xâm nhập.
Những đồ uống chứa nhiều đường và chất làm ngọt nhân tạo không chỉ là tăng cân, tăng lượng đường trong máu mà còn ảnh hưởng đến việc tiết hormone, nếu sử dụng quá nhiều có thể làm giảm khả năng ghi nhớ, học tập, tăng khả năng mắc Alzheimer hoặc đột quỵ.
2. Ít giao tiếp
Cuộc sống hiện đại khiến con người ngày càng ít giao tiếp và thường dành thời gian dài trước máy tính hoặc các thiết bị điện tử kể cả khi làm việc lần giải trí. Điều này khiến não không được "vận động" đầy đủ, không có cơ hội giao tiếp. Theo bác sĩ Hachiro Sugimoto, nếu cuộc sống hàng ngày quá đơn điệu, ít giao tiếp sẽ giảm sự kích thích đối với não bộ, từ đó làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ.
Bác sĩ 80 tuổi này chia sẻ, chìa khóa để ông ngăn ngừa chứng mất trí nhớ tuổi già là tạo ra một môi trường sinh hoạt chung khiến bạn cảm thấy hạnh phúc và duy trì các mối quan hệ cá nhân một cách lành mạnh. Ví dụ, những người yêu thích chó mèo có thể kết bạn với nhau để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ niềm vui.
Cùng với đó, sự cô lập xã hội cũng là một yếu tố quan trọng dẫn đến chứng sa sút trí tuệ. Việc duy trì liên lạc, suy nghĩ lạc quan, ngợi khen người khác không chỉ gắn kết mối quan hệ với những người xung quanh mà còn là "bài tập" giúp não bộ trở nên khỏe mạnh.
3. Thiếu ngủ, căng thẳng
Ngày nay, việc thức khuya và làm thêm giờ là chuyện thường xuyên xảy ra với nhiều người. Tuy nhiên, giấc ngủ lại có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc củng cố sức khỏe não bộ.
Các nhà khoa học từ Đại học Boston trong một nghiên cứu cho biết, khi ngủ, não phải hoàn thành một công việc quan trọng, đó là "tự làm sạch". Hàng ngày, chúng ta sử dụng bộ não để sản xuất ra nhiều loại hóa chất khác nhau, những hóa chất này khi tích tụ quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến chức năng não. Khi ngủ, não sẽ kích hoạt một cơ chế "làm sạch" để phục hồi chức năng vốn có. Việc thức khuya, thiếu ngủ không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi mà còn làm tăng tích tụ "rác thải" trong não.
Cùng với đó, việc căng thẳng kéo dài cũng có thể gây tổn hại cho não bộ. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng căng thẳng cao độ không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng, cản trở khả năng nhận thức bình thường mà còn có thể gây tổn hại cho não, dễ dẫn đến các triệu chứng viêm nhiễm, gây tổn thương não bộ.
Nguồn edh.tw, hk01.com