Bác sĩ ròng rã 6 giờ trong phòng mổ cứu người vợ 28 tuổi gặp nguy sau 2 năm phẫu thuật vùng kín

Khối bướu của bệnh nhân xâm lấn toàn bộ âm đạo. Nếu không mổ gấp bệnh nhân sẽ phải mở niệu quản qua da suốt đời, đồng nghĩa cuộc sống sau đó sẽ rất thê thảm...

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện (BV) Ung Bướu TP.HCM cho biết chỉ trong ít ngày vừa qua, khoa đã phẫu thuật đến 3 trường hợp bệnh nhân bị tái phát ung thư gia đoạn trễ. Trong số này, có một trường hợp vô cùng phức tạp khiến các bác sĩ mệt nhoài để có thể giữ mạng sống cho bệnh nhân.

Đó là tình cảnh của chị P.T.H.Y (28 tuổi).

Theo bệnh sử, năm 2017 chị Y. được chẩn đoán u xơ tử cung to, lạc chỗ thành phải âm đạo. Bệnh nhân được điều trị thắt động mạch hạ vị, bóc u xơ tử cung ngã âm đạo tại một BV phụ sản ở TP.HCM.

Sau điều trị tình trạng bệnh nhân bình thường. Tuy nhiên vài tháng gần đây vùng hạ vị bắt đầu đau.

Tại BV, kết quả siêu âm chẩn đoán chị Y. tổn thương vùng chậu, chụp CT thấy có khối u lớn choán chỗ lòng âm đạo, xâm lấn vách chậu phải và lan một phần vào khuyết ngồi bên phải, lan xuống âm hộ phải nghi ngờ ác tính, thận 2 bên ứ nước độ 1.

Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM.

Sau khi được chuyển sang BV Ung Bướu TP.HCM, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có bướu vùng chậu to, chèn ép túi cùng, chu cung vách chậu, xâm lấn toàn bộ âm đạo và ra ngoài âm hộ thành một khối cứng. Hội chẩn ban đầu đánh giá không thể phẫu thuật được.

"Đứng trước tình thế như vậy, nếu không mổ được thì một thời gian ngắn thôi bướu sẽ chèn ép 2 niệu quản. Cuối cùng phải mở niệu quản qua da suốt đời và chắc chắn rằng cuộc sống của cô gái rất trẻ sẽ rất thê thảm.

Phải cho cô gái có cơ hội cuối cùng, đó là quyết tâm của khoa ngoại 1 vì không mổ được thì không còn phương pháp nào khác" - bác sĩ chia sẻ.

Khối bướu khủng khiếp được lấy ra.

2 kip mổ nhanh chóng được thành lập, 1 trên bụng, 1 dưới âm đạo. Sau 6 giờ căng thẳng lấy từng phần nhỏ khối bướu cứng, các bác sĩ đã giải phóng hoàn toàn vùng chậu và 2 niệu quản, cứu 2 quả thận đang bị chèn ép.

Vì bệnh nhân còn trẻ và đã mới lập gia đình chưa lâu, các bác sĩ tiếp tục phải tái tạo lại âm đạo bằng phúc mạc bàng quang, trực tràng.

Một ca phẫu thuật bảo tồn tử cung cho bệnh nhân ung thư phụ khoa.

Hoàn thành cuộc mổ, toàn bộ ekip như đổ quỵ vì mệt mỏi nhưng niềm vui là điều không thể diễn tả. Kết quả giải phẫu bệnh là bướu sợi lành tính càng khiến thành công của cuộc mổ thêm ý nghĩa.

Theo bác sĩ, tái phát là vấn đề không thể nào tránh khỏi trong điều trị ung thư giai đoạn trễ, nhất là ung thư phụ khoa.

Tuy nhiên nếu phát hiện sớm tái phát, can thiệp phẫu thuật sẽ rất tốt và kéo dài tỉ lệ sống còn hơn là phải dùng những vũ khí điều trị phức tạp khác như hoá, xạ trị hay thuốc ngắm trúng đích.

Chính vì vậy, người bệnh ung thư phải phải tái khám thường xuyên để can thiệp điều trị kịp thời. Đừng để quá muộn vì khi đó phải dùng tới những phương pháp phức tạp khiến chất lượng sống giảm trầm trọng.

 

Theo Trí Thức Trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU