Bác sỹ trực chính vụ bé sơ sinh tử vong với vết đứt cổ: "Tôi chưa từng đỡ đẻ"

Mặc dù là bác sỹ trực chính trong sự cố một bé sơ sinh bị đứt cổ, tử vong, tuy nhiên bác sỹ Quyền cho biết, ông chỉ đứng nhìn, ghi sổ sách và chưa một lần đỡ đẻ.

Ngày 5/7, cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục làm rõ liên quan đến vụ việc một bé sơ sinh bị tử vong với vết đứt ở cổ xảy ra tại Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ vào ngày 30/6.

Trong sáng 5/7, lãnh đạo Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết, đã nhận được công văn từ Công an huyện Đức Thọ đề nghị phía Sở đánh giá quá trình thăm khám, đỡ đẻ cho sản phụ Nguyễn Thị Tình (37 tuổi, trú xã Phú Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) trong trường hợp trên.

Liên quan đến sự việc trên, bác sỹ Nguyễn Hữu Quyền là bác sỹ được phân công trực chính trong ca đỡ đẻ trên cho biết, hiện tại ông đang bị đình chỉ công việc 10 ngày để chờ làm rõ.

Gia đình sản phụ Tình đau xót trước sự việc.

Cá nhân bác sỹ Quyền mong muốn bệnh viện, cơ quan chức năng sớm làm rõ vụ việc và ai sai ở khâu nào, công đoạn nào thì xử lý nghiêm người đó.

Ông Quyền cho biết, bản thân ông là bác sỹ đa khoa nhưng chuyên ngành về Răng hàm mặt. Hiện tại ông cũng đang công tác tại Khoa Răng hàm mặt của Bệnh viện huyện Đức Thọ.

Nhớ lại sự việc, ông Quyền cho biết, ngày 30/6 ông được phân công trực chính tại bệnh viện và trực tiếp là khoa sản. Tuy nhiên ông chỉ là bác sỹ trực chung, đứng ghi sổ sách, giấy tờ, thông số chứ không tham gia đỡ đẻ.

Bác sỹ Phạm Hồng Cường (Phó Giám đốc bệnh viện) nhận định sau vụ việc là thai đã chết lưu nhiều ngày trước.

"Tôi chưa từng đỡ đẻ, tất cả tôi trực ở vòng ngoài chứ có tham gia đỡ đẻ gì đâu. Chúng tôi trực chỉ mang tính chất trực chung chứ không trực tiếp làm vì có người chuyên môn tại khoa họ làm.

Lúc đỡ đẻ cho sản phụ Tình, tôi đứng ở trong phòng nhưng không trực tiếp làm gì. Khi nữ hộ sinh đỡ đẻ không được thì gọi bác sỹ Đức là bác sỹ thường trú lên.

Khi bác sỹ Đức lên kéo lần thứ nhất xong kéo lần thứ 2 thì cháu bé đứt cổ. Thấy ghê sợ quá tôi đi ra ngoài và thông báo cho chồng sản phụ về tình hình bé đã tử vong.

Tôi trực đứng xem đỡ đẻ thì nhiều nhưng chưa lần nào trực tiếp đỡ đẻ vì có nữ hộ sinh, bác sỹ thường trú đó họ làm", ông Quyền nói.

Ông Quyền nhận định, lỗi ở đây là nữ hộ sinh đã không mời bác sỹ thường trú lên trực tiếp làm trong ca đỡ đẻ và cũng không báo cáo gì về vụ việc.

Bác sỹ Quyền chia sẻ sự việc.

Liên quan đến vụ việc trên, phía Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ đã lập Hội đồng chuyên môn và đánh giá, nhận định thai nhi trong vụ việc trên đã chết lưu 7 ngày.

Bệnh viện cũng nhận định, kíp trực ngày xảy ra sự việc đã không làm đúng quy trình khám chữa bệnh của Bộ Y tế để dẫn đến sự việc không phát hiện thai nhi đã chết lưu từ trước.

Sau sự việc xảy ra, bệnh viện đã đình chỉ công tác đối với 2 nữ hộ sinh trực tiếp đỡ đẻ là Hoàng Thị Trinh và Hoàng Thị Định. Bác sỹ trực chính Nguyễn Hữu Quyền cũng đang được bệnh viện tạm đình chỉ công việc chờ làm rõ.

Trước đó, sáng 30/6, chị Nguyễn Thị Tình (SN 1982) mang thai, có dấu hiệu chuyển dạ, được đưa vào Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ nhập viện.

Tại đây, bác sĩ thăm khăm khám và cho biết, cổ tử cung đã mở 4 phân, tim thai và sức khỏe sản phụ hoàn toàn bình thường, chờ sinh thường.

Đến 18h30, chị Tình bắt đầu đau dữ dội, thăm khám bác sỹ cho hay tử cung đã mở hết và đưa lên bàn đẻ. Tuy nhiên, đến 19h20 phút cùng ngày, anh nhận được thông báo của ê kíp y bác sỹ là con anh đã tử vong với vết đứt dài trên cổ. Gia đình chị Tình cho rằng, bác sĩ đã kéo đứt cổ trẻ, khiến cháu bé tử vong.

 

Theo Trí thức trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU