Báo cáo WHO: 40% nhân loại sẽ bị cận thị vào năm 2030, phụ huynh nên cho trẻ ra ngoài trời ít nhất 1 tiếng mỗi ngày

Những đứa trẻ được giáo dục càng sớm, và ở trong một môi trường giáo dục càng cạnh tranh thì càng có nguy cơ mắc cận thị nặng.

Theo một báo cáo mới của Tổ chức Y tế Thế giới vừa được công bố, đến năm 2030, tới 40% dân số thế giới sẽ bị cận thị. Con số tăng từ tỷ lệ 28% vào năm 2010. Số người bị cận thị nặng sẽ tăng gần gấp đôi trong cùng khoảng thời gian đó, lên mức 516,7 triệu người.

Các nhà nghiên cứu cho rằng lối sống đô thị bủa vây bởi thiết bị điện tử phải chịu trách nhiệm cho tốc độ suy giảm thị lực này. Trong đó, khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Bắc Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Điển hình như ở Đài Loan, hiện nay đã có hơn 80% thanh thiếu niên bị cận thị.

Báo cáo WHO: 40% nhân loại sẽ bị cận thị vào năm 2030

Cận thị xảy ra khi khoảng cách giữa giác mạc và võng mạc bị nới rộng, hoặc một trường hợp khác do giác mạc có độ cong quá lớn. Giác mạc là lớp bảo vệ ngoài cùng ở phía trước của mắt. Còn võng mạc nằm ở mặt trong phía sau mắt, nơi chứa những tế bào cảm quang có tác dụng đón ánh sáng, chuyển đổi chúng thành tín hiệu thần kinh giúp chúng ta nhìn thấy ảnh của mọi vật.

Khoảng cách giữa giác mạc và võng mạc quá xa, hay giác mạc quá cong khiến các tia sáng hội tụ vào phía trước võng mạc, thay vì trên đúng các tế bào cảm quang ở đó. Điều này khiến cho ảnh của sự vật ở xa bị mờ đi – hay còn gọi là tật cận thị.

Một sự thật, cận thị thường xảy ra và tiến triển từ thời thơ ấu, bởi khi đó mắt của bạn còn đang trong giai đoạn phát triển. Đến tuổi trưởng thành, chẳng hạn như đầu những năm 20 tuổi, cận thị sẽ ngừng tiến triển.

Nhưng nếu thị lực bị suy giảm với tốc độ quá nhanh, bạn có thể rơi vào trường hợp cận thị nặng, nghĩa là thị lực giảm xuống quá mức 20/400 hoặc thậm chí tệ hơn, trước khi nó ngừng tiến triển.

Những người cận thị nặng cần đeo kính -5,00 diop trở lên. Trong những năm tiếp theo của cuộc đời, họ còn có nguy cơ cao mắc các bệnh như tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, bong võng mạc và thoái hóa hoàng điểm. Tất cả các căn bệnh này đều có thể dẫn đến mù vĩnh viễn.

Cận thị xảy ra khi khoảng cách giữa giác mạc và võng mạc bị nới rộng, hoặc một trường hợp khác do giác mạc có độ cong quá lớn.

Một phần nguyên nhân gây cận thị có thể là do di truyền. Nếu cha mẹ bạn bị cận thị, có khả năng bạn cũng sẽ bị. Nhưng các yếu tố môi trường cũng tham gia vào tật về mắt này, đặc biệt là khi bạn còn trẻ.

"Học nhiều cho mắt cận", mối quan hệ giữa giáo dục và cận thị hóa ra là có thật. Nguy cơ bị cận thị tỷ lệ thuận với số năm đi học, thời gian học tập và thậm chí là trình độ học vấn của chúng ta.

Nghiên cứu chỉ ra những đứa trẻ dành càng nhiều thời gian vào các hoạt động đòi hỏi tầm nhìn gần như đọc sách, làm bài tập về nhà, sử dụng máy vi tính hoặc chơi điện tử thì có khả năng bị cận thị.

Ian Morgan, một giáo sư khoa học y sinh và hóa sinh tại Đại học Quốc gia Úc cho biết những đứa trẻ được giáo dục càng sớm, và ở trong một môi trường giáo dục càng cạnh tranh thì càng có nguy cơ mắc cận thị sớm và tiến triển nhanh trong thời thơ ấu. Hậu quả là những đứa trẻ này thường bị cận thị nặng khi còn trẻ.

Những đứa trẻ được giáo dục càng sớm, và ở trong một môi trường giáo dục càng cạnh tranh thì càng có nguy cơ mắc cận thị sớm và tiến triển nặng.

Như chúng ta đều biết, khi thay đổi tầm nhìn gần ra xa hoặc ngược lại, mắt của chúng liên tục phải điều tiết. Nếu trong quá trình phát triển của mắt từ thơ ấu cho tới tuổi vị thành niên, một đứa trẻ dành quá nhiều thời gian cho các hoạt động có tầm nhìn gần, mắt của nó sẽ tự nhiên thích nghi về mặt vật lý để khiến cho khả năng nhìn gần trở nên dễ dàng hơn.

Hướng phát triển này bỏ quên kỹ năng nhìn xa của trẻ, khoảng cách giữa giác mạc và võng mạc bị kéo giãn ra hoặc độ cong của giác mạc bị biến đổi gây cận thị.

"Khi bạn giữ một cái gì đó rất gần với mắt, mắt bạn sẽ điều chỉnh để thích nghi với nó. Mắt tự ép mình để bạn có thể đọc được hình ảnh ở gần", Meraf Wolle, một phó giáo sư nhãn khoa tại Đại học Johns Hopkins giải thích. "Điều này kích thích não của bạn định hướng lại sự phát triển của mắt. Bởi bạn hầu như không cần nhìn xa nhiều, mắt bạn dần dần sẽ dài ra đồng nghĩa với việc bạn sẽ bị cận thị ngày càng nặng".

Một cách để hạn chế hiệu ứng này là đảm bảo việc trẻ có vài giờ nghỉ ngơi sau khi đọc sách, học bài hoặc chơi game trên máy tính. Khoảng cách từ TV hoặc iPad tới mắt không phải là vấn đề chính, mà vấn đề là mắt trẻ cần nghỉ ngơi. Ngồi xa TV hay giữ Ipad xa hơn một chút không có nghĩa là trẻ có thể dán mắt vào màn hình cả ngày mà không bị cận thị.

Một điều nữa, thị lực của những đứa trẻ sinh sống ở thành phố có xu hướng kém hơn trẻ ở nông thôn. Điều này có thể là do các tòa nhà cao tầng che mất Mặt Trời, khiến ánh sáng tự nhiên trong các căn hộ ít hơn. Trẻ em ở thành thị cũng dành ít thời gian ra ngoài hơn so với trẻ em ở quê.

Trẻ nên được cho ra ngoài trời chơi ít nhất 1 tiếng đồng hồ mỗi ngày

Tin tốt là vấn đề có thể được khắc phục. Nghiên cứu cho thấy trẻ nên được cho ra ngoài trời ít nhất 1 tiếng đồng hồ mỗi ngày, và lý tưởng nhất là buổi trưa chiều, khi ánh nắng Mặt Trời mạnh sẽ hạn chế được tật cận thị.

Giả thuyết giải thích hiệu ứng này cho rằng, ánh sáng mặt trời làm tăng mức độ dopamine thần kinh trong não và dopamine thì có tác dụng ức chế quá trình phát triển của mắt.

Ở Trung Quốc và Đài Loan, hai khu vực có tỷ lệ cận thị tăng nhanh nhất thế giới, các chương trình phòng ngừa cận thị đang được áp dụng khuyến cáo các bậc phụ huynh nên tăng thời gian ở ngoài trời cho con em mình để bù đắp những giờ học kéo dài trong ngày ảnh hưởng tới mắt.

"Cho tới nay, thời gian ngoài trời là yếu tố môi trường quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự phát triển của mắt và sự tiến triển cận thị", giáo sư Donald Mutti tại Đại học bang Ohio cho biết. "Dân số càng phát triển về kinh tế và giáo dục, thì họ sẽ càng dành nhiều thời gian trong nhà và càng có nguy cơ cao bị cận thị".

Theo một nghiên cứu, cận thị đã khiến thế giới giảm năng suất lao động tương đương 244 tỷ USD hàng năm. Và con số sẽ còn tăng lên trong thập kỷ tới.

Tham khảo Medium

 

 

Theo Tri Thức Trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU