Lệnh phong tỏa một phần sẽ được áp dụng từ ngày 5-11, ngoại trừ trường học, trường đại học và các cửa hàng thiết yếu, Thủ tướng Johnson tuyên bố hôm 31-10 sau khi số ca nhiễm Covid-19 tại quốc gia của ông vượt ngưỡng 1 triệu ca.
"Chúng ta sẽ không phong tỏa toàn phần như hồi tháng 3 và tháng 4. Các biện pháp mà tôi soạn thảo lần này ít hạn chế hơn, ít cấm đoán hơn. Tuy nhiên, kể từ ngày 5-11, tôi e ngại rằng thông điệp cơ bản vẫn là như cũ: ở nhà, bảo vệ Cơ quan Y tế Quốc gia (NHS) và cứu sống sinh mạng".
Áo và Hy Lạp hôm 31-10 cũng buộc phải mở rộng phong tỏa trong tháng 11 để làm chậm sự lây lan của virus.
Theo hãng tin Bloomberg, giới lãnh đạo trên khắp châu Âu đang tìm cách đẩy lùi làn sóng lây nhiễm thứ hai trước mùa lễ tất niên tại một châu lục đã có hơn 7 triệu ca nhiễm và hơn 215.000 ca tử vong.
"Giáng sinh năm nay sẽ khác, có lẽ sẽ rất khác. Tuy nhiên, tôi hy vọng và tin rằng với hành động cứng rắn ngay bây giờ, chúng tôi có thể cho phép gia đình trên khắp cả nước tụ tập ăn lễ cùng nhau" – Thủ tướng Johnson nói tại một buổi họp báo.
Tại Bỉ, mọi cửa hàng không thiếu yếu cũng đã bị đóng trong khi các chuyến thăm gia đình đang bị hạn chế để phòng rủi ro hệ thống chăm sóc sức khỏe bị sụp đổ.
Tuần trước, chính phủ Pháp và Đức – 2 nền kinh tế lớn nhất khối Liên minh châu Âu (EU), cũng đã áp lệnh phong tỏa toàn quốc để đối phó với làn sóng lây nhiễm mới.
Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây cho biết bà sẽ bàn bạc với giới lãnh đạo doanh nghiệp về các biện pháp giảm gánh nặng cho nền công nghiệp vào ngày 4-11.
"Chúng ta cần triển khai mọi biện pháp có thể trong thẩm quyền để kiểm soát đại dịch" trong khi bảo vệ việc làm, bà Merkel nói. Nhà lãnh đạo 66 tuổi còn cho biết thêm rằng Đức đang đối mặt với một tình trạng nghiêm trọng, khi hệ thống y tế hiện đã sắp quá tải và giới chức không còn khả năng truy nguồn Covid-19.
Đức hôm 30-10 ghi nhận thêm hơn 19.000 ca nhiễm sau 24 giờ, mức tăng cao thứ hai kể từ khi đại dịch khởi phát tại quốc gia này.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo quốc gia này về "4 tháng mùa Đông gian khó phía trước". Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Pháp ghi nhận số ca tử vong kỷ lục kể từ ngày 20-4, thời điểm lệnh phong tỏa đầu tiên bắt đầu có hiệu lực.
"Virus đang lây lan tại Pháp với một tốc độ mà ngay cả những dự đoán u ám nhất cũng không lường trước" – Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định hôm 28-10 trong lúc công bố lệnh phong tỏa toàn quốc lần 2.
-
Vượt 1 triệu ca mắc Covid-19, Anh tái phong tỏa toàn quốc
Tại Ý, nơi đã bị phong tỏa một phần kể từ tuần trước, giới chức có thể bổ sung lệnh cấm đi lại giữa các vùng, báo Corriere della Sera đưa tin ngày 31-10, đồng thời cho biết Milan, Naples, Bologna, Turin và Rome là những thành phố có thể đối mặt với lệnh phong tỏa mới, chí ít là tại những nơi thuộc vùng đô thị lớn.
Ý "linh hoạt" và đang xem xét liệu các biện pháp hạn chế mới có cần thiết hay không, Thủ tướng Giuseppe Conte cho biết hôm 31-10 giữa lúc số ca nhiễm tăng mạnh khiến hệ thống y tế có nguy cơ quá tải. Trước đó cùng ngày, giới chức y tế Ý thông báo thêm hơn 30.000 ca nhiễm – mức tăng kỷ lục kể từ khi đại dịch khởi phát.
Trong khi đó, phần lớn 17 vùng của Tây Ban Nha đã đóng cửa biên giới nội địa hoặc sẽ làm điều tương tự trong tuần này để ngăn chặn những chuyến đi không cần thiết. Các biện pháp phong tỏa khu vực sẽ có hiệu lực đến sau ngày 9-11, theo Bloomberg.
Bộ trưởng Y tế Brazil nhập viện vì Covid-19
Bộ Y tế Brazil hôm 31-10 thông báo Bộ trưởng Eduardo Pazuello đã nhập viện sau khi bị chẩn đoán dương tính Covid-19 vào ngày 21-10.
Ông Pazuello hiện đang trong tình trạng sức khỏe ổn định và sẽ ở lại bệnh viện đến ngày 1-11 để được xét nghiệm lại.
Bộ trưởng Y tế Brazil Eduardo Pazuello. Ảnh: Reuters
Link gốc: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/bao-covid-19-can-quet-chau-au-roi-vao-ma-tran-phong-toa-2020110110384839.htm
Theo ttvn.vn