Phẫu thuật thẩm mỹ vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai biến. Ảnh: BS
Liên tiếp các vụ tai biến
Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, đã xảy ra hai vụ tử vong do tai biến do thẩm mỹ. Trường hợp cô gái 22 tuổi (đến từ Long An) được thực hiện phẫu thuật nâng mũi tại cơ sở thẩm mỹ H.M.P. (ở Tương Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) từ tháng 1/2022, bị biến chứng và tử vong sau 2 tháng hôn mê; người thực hiện được cho là hành nghề không phép. Trước đó không lâu, một phụ nữ cũng đã tử vong trong quá trình nâng ngực tại Bệnh viện 1A (TP Hồ Chí Minh) gây chấn động dư luận và khiến mọi người phải đặt câu hỏi về quy trình thực hiện thủ thuật này.
Sau khi các vụ việc xảy ra, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản yêu cầu Sở Y tế các địa phương liên quan làm rõ nguyên nhân, báo cáo đầy đủ vụ việc, kết luận chuyên môn về 2 ca tử vong này. Cụ thể, làm rõ về bằng cấp chuyên môn của người thực hiện phẫu thuật, về hợp đồng của bác sĩ với Bệnh viện 1A, tình trạng người bệnh và nguyên nhân tử vong...
BS Mai Huy Huân, Trung tâm Thẩm mỹ và Y học tái tạo, Bệnh viện Đa khoa Hà Nội, cho biết: “Theo thông tin từ báo chí, với ca tai biến xảy ra ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), người thực hiện ca phẫu thuật không phải là bác sĩ, càng không phải là bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được cơ quan quản lý cấp chứng chỉ hành nghề… Đặc biệt, quá trình phẫu thuật cơ sở này có thực hiện vô cảm cho nạn nhân bằng phương pháp gây mê".
BS Mai Huy Huân chia sẻ, theo quy định, các phương pháp tiền mê (truyền thuốc an thần mạnh vào tĩnh mạch và tiêm tê tại chỗ phẫu thuật) hoặc gây mê chỉ được thực hiện tại bệnh viện và thực hiện trong khoa phẫu thuật - gây mê hồi sức. Lý do là chỉ tại bệnh viện mới có đủ nhân lực chuyên môn, thuốc men, máy móc và các phương tiện khác để đảm bảo an toàn tối đa, cũng như đủ khả năng cấp cứu kịp thời nếu như xảy ra tai biến, biến chứng trong quá trình gây mê và phẫu thuật.
Còn với ca tử vong tại Bệnh viện 1A (TP Hồ Chí Minh), theo BS Mai Huy Huân, các nguồn thông tin cho thấy, bác sĩ trực tiếp phẫu thuật cho nạn nhân có chứng chỉ hành nghề hợp pháp, bác sĩ gây mê cũng có chứng chỉ hành nghề; ca phẫu thuật được thực hiện tại cơ sở là đơn vị phẫu thuật thẩm mỹ thuộc Khoa Phẫu thuật Chỉnh hình của bệnh viện.
Tuy nhiên, theo lời của người nhà, nạn nhân có tiền sử hen suyễn, huyết áp thấp và mới khỏi COVID-19 trước phẫu thuật 3 tháng. Ở góc nhìn chuyên môn, có thể thấy tiền sử hen suyễn chính là điểm “chí tử” gây nên tai biến và tử vong trong trường hợp này.
Cũng theo BS Mai Huy Huân, trong các tai biến nặng và xảy ra sớm đối với phẫu thuật nâng ngực bằng túi gel silicon, đáng ngại nhất là các trường hợp: Tai biến do gây mê; tai biến do dị ứng thuốc (phản vệ); tai biến ngộ độc thuốc tê (trong phẫu thuật nâng ngực bằng túi gel silicon, ngoài việc gây mê toàn thân ra, bác sĩ còn sử dụng thêm thuốc tê tiêm tại chỗ là vùng ngực).
“Ngành thẩm mỹ thực sự không thể thống kê hết những tai biến, biến chứng đã xảy ra, những giá đắt phải trả để “mua” được một kho tàng kinh nghiệm, kho tàng hiểu biết về thẩm mỹ như đang có”, BS. Mai Huy Huân nhận định.
Theo đó, qua khảo sát thực tế dịch vụ làm đẹp cho thấy, sau khi mở cửa trở lại trong bối cảnh dịch bệnh, số lượng khách hàng tìm đến các cơ sở làm đẹp giảm hơn hẳn. Các dịch vụ chiếm ưu thế trong giai đoạn này chủ yếu là: Chỉnh sửa mí mắt, làm đẹp da, phẫu thuật hút mỡ cơ thể… Lượng khách hàng ít, nguồn thu của các cơ sở cũng giảm có thể dẫn tới những “lơi lỏng” trong quá trình thực hiện các dịch vụ, đôi khi họ có thể “nhắm mắt làm ngơ”, đặt lợi nhuận lên trên an toàn tính mạng của khách hàng.
Cảnh giác với các cơ sở “chui”, dịch vụ không phép
Thực tế hiện nay, bên cạnh các khoa thẩm mỹ, bệnh viện thẩm mỹ chuyên ngành, thì các thẩm mỹ viện, thậm chí spa làm thẩm mỹ cũng mọc lên như “nấm sau mưa”. Vì vậy, trong vô số các cơ sở thẩm mỹ đã xuất hiện những “khoảng tối”.
Với các khách hàng làm đẹp, ngoài việc tham khảo bạn bè, nhiều người cũng cả tin vào các quảng cáo “có cánh” trên internet, trên các trang mạng xã hội. Nắm bắt những nhu cầu này, nhiều cơ sở thẩm mỹ tận dụng triệt để các kênh quảng cáo online để quảng bá dịch vụ, đôi khi sai sự thật nhưng vẫn khiến người dân tin tưởng và lựa chọn để gửi gắm sắc đẹp, sức khỏe của mình mà không nắm rõ các quy định hoạt động, chất lượng của cơ sở làm đẹp.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình – Hàm mặt – Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: “Qua quan sát thực tế, đa phần các ca tai biến nặng được thực hiện bởi những cơ sở không có giấy phép thực hành phẫu thuật thẩm mỹ. Trong khi đó, khách hàng rất khó phân biệt được giữa các trung tâm, phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép với các “Viện thẩm mỹ” thực tế chỉ có chức năng chăm sóc da, tóc, móng tay...”
Theo đó, nhiều cơ sở không được phép như: Spa, cửa hàng cắt tóc gội đầu, chăm sóc da, phun xăm thẩm mỹ cũng làm phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ truyền nhau cách làm, tự mua, mượn máy móc thực hiện. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, các phẫu thuật, thủ thuật như nâng ngực, nâng mũi, tạo hình hai mí, độn cằm, tiêm filler hay botox phải được thực hiện tại các cơ sở y tế chuyên khoa được cấp phép và do bác sĩ chuyên ngành tạo hình thẩm mỹ thực hiện. Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở các nước phát triển cũng phải mất 12 tới 14 năm đào tạo mới hành nghề được. Trong khi đó, giống như mọi can thiệp y khoa khác, các phẫu thuật, thủ thuật thẩm mỹ luôn tiềm ẩn nguy cơ.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, những biến chứng do phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở “chui” như vừa qua không hiếm, có nhiều ca mù hoàn toàn sau khi nâng mũi bằng tiêm chất làm đầy; các biến chứng có thể nhẹ từ như nhiễm trùng nông tới hoại tử da hoặc nặng như sốc phản vệ, sốc nhiễm trùng hoặc tắc mạch gây nguy hiểm đến tính mạng… Rất nhiều ca tai biến khi được đưa đến bệnh viện, các bác sĩ đã rất cố gắng nhưng không cứu nổi đôi mắt cho người bệnh.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà cũng khuyến cáo, có ba "chốt an toàn" mà nhà quản lý và người đi phẫu thuật thẩm mỹ nên lưu ý gồm: Thứ nhất, chỉ cơ sở y tế được cấp phép của Bộ Y tế, Sở Y tế mới có chức năng thực hiện các phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ. Thứ hai, bác sĩ thực hiện phẫu thuật cần được đào tạo bài bản đúng chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và có bằng cấp, chứng chỉ đầy đủ. Thứ ba, tất cả các loại thuốc được sử dụng và chất liệu đưa vào cơ thể đều phải đảm bảo được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.
Đặc biệt, người dân cần có sự tư vấn từ bác sĩ chuyên ngành sâu trước khi thực hiện bất kỳ thủ thuật nào. Việc nâng cao hiểu biết khoa học vẫn là “chốt” an toàn lớn nhất để mỗi người bảo vệ mình trước sự nhiễu loạn của các dạng thức quảng cáo thẩm mỹ hiện nay.