Để chủ động ứng phó với cơn bão số 16 (tên quốc tế là Tembin), UBND TP.HCM đã có văn bản khẩn đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng với chính quyền huyện Cần Giờ thực hiện phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền đang đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.
Theo dự báo, bão số 16 sẽ vào TP.HCM trong đầu tuần tới. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 12.
Video: Lên kịch bản sơ tán hàng vạn người miền Tây tránh bão Tembin
Các cơ quan chức năng cũng được yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 16, bằng mọi cách thông báo cho chủ tàu biết vị trí, tốc độ, hướng di chuyển của bão, kêu gọi tàu thuyền thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Các đơn vị cần duy trì thông tin, liên lạc với các thuyền trưởng, chủ tàu thuyền hoạt động nghề cá, đặc biệt là các tàu đánh bắt xa bờ cho đến khi tàu vào bờ neo đậu an toàn.
Tại TP.HCM, UBND TP chỉ đạo huyện Cần Giờ phải sẵn sàng sơ tán 4.000 hộ dân xã đảo Thạnh An và các hộ dân có nhà ở đơn sơ, tạm bợ ven sông biển đến các địa điểm kiên cố.
Đường đi của cơn bão Tembin.
Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nếu bão số 16 giữ nguyên cường độ và hướng di chuyển như dự báo thì bắt đầu từ sáng 24/12, tỉnh bắt đầu sơ tán 78.000 người dân ở các vùng xung yếu, vùng cửa biển đến các nhà dân kiên cố, trường học, cơ quan để tránh trú bão.
Phòng Kinh tế huyện Côn Đảo cũng đã ban bố lệnh cấm tàu chở khách ra vào đảo từ hôm nay (23/12). Huyện cũng đã có kế hoạch sơ tán hơn 500 người dân và khách du lịch ở các vùng nguy hiểm khi bão đổ bộ vào.
Tại tỉnh Bến Tre, chính quyền địa phương cũng đã họp thống nhất cấm tàu thuyền ra khơi từ 8h hôm nay. Ước tính Bến Tre có 2.300 tàu thuyền với hơn 12.400 ngư dân. Học sinh cũng được thông báo nghỉ học trong ngày 25-26/12 đề phòng bão đổ bộ.
Tại Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, chính quyền cũng đã cấm biển, không cho tàu thuyền ra khơi. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn được yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến bão Tembin, thường xuyên thông tin để người dân biết, kêu gọi tàu đánh bắt vào bờ trú tránh.
Tại tỉnh Cà Mau, UBND tỉnh dự kiến có hơn 46.000 người cần di dời, sơ tán khi bão vào đất liền. Hiện tỉnh đã liên hệ được 956 tàu thuyền, với hơn 7.900 người; tổng số tàu thuyền đang neo đậu tại bến trên 2.500 chiếc, với hơn 14.000 người.
Tại tỉnh Tiền Giang, lãnh đạo tỉnh đã họp đột xuất bàn phương án đối phó, dự kiến 40.000 người được sơ tán đến các trường học, trụ sở cơ quan kiên cố để tránh bão. Việc thực hiện di dời dân phải hoàn tất trước 18h ngày mai (24/12).