Bé gái dậy thì sớm có nguy cơ bị béo phì khi trưởng thành. Ảnh: abcnews.com
Tuy nhóm nghiên cứu không chắc về giai đoạn dậy thì sớm của nữ giới sẽ ảnh hưởng tới trọng lượng cơ thể sau này nhưng họ nghĩ rằng, thời điểm đó là thời điểm diễn ra sự thay đổi các hooc-môn mạnh mẽ, khiến chất béo được lưu giữ tại nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể.
Thông thường, trẻ em gái sẽ dậy thì từ tuổi 12. Tuy nhiên, 1/3 trong số này bắt đầu có dấu hiệu dậy thì sớm hơn, có trẻ dậy thì từ lúc 8 tuổi.
Tiến sĩ Dipender Gill (Cao đẳng Hoàng gia London, Anh), tác giả chính của nghiên cứu cho biết, nhóm nghiên cứu đã loại trừ được các yếu tố bên ngoài như điều kiện kinh tế, chế độ ăn kiêng,…nhằm tìm ra được mối liên hệ chính xác nhất giữa sự dậy thì sớm với nguy cơ béo phì.
Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu đã xem xét các biến thể di truyền có liên quan đến dậy thì sớm. Tiến sĩ Gill nói với Daily Mail: "Nghiên cứu của chúng tôi sẽ cung cấp cái nhìn sâu hơn so với các nghiên cứu trước đó. Chúng tôi đã chỉ ra rằng dậy thì sớm gây ra chứng béo phì và còn hơn thế.”
Sử dụng dữ liệu từ 182.416 phụ nữ, nhóm nghiên cứu của Gill đã xác định được 122 biến thể di truyền có liên quan chặt chẽ đến giai đoạn dậy thì.
Sau đó, nhóm tiếp tục xem xét dữ liệu thu được từ 80.465 phụ nữ nhóm thứ hai để xem dậy thì sớm ảnh hưởng với chỉ số khối lượng cơ thể BMI như thế nào. Họ nhận thấy nhóm người dậy thì muộn 1 năm so với thời điểm dậy thì thông thường sẽ có chỉ số BMI giảm 0,38kg / m².
Các nhà nghiên cứu đã kiểm chứng lại kết quả từ dữ liệu của 70.962 phụ nữ ở nhóm thứ 3. Họ vẫn tìm thấy mối liên hệ như vậy.
Trước nghiên cứu của Tiến sĩ Gill, một nghiên cứu năm 2009 cũng cho rằng dậy thì sớm có liên quan đến chứng béo phì, tiểu đường và ung thư vú của nữ giới khi trưởng thành. Họ tin rằng sự thay đổi cơ thể trong thời điểm này như tăng mỡ trong mô vú, hông và đùi là tiền đề cho nguy cơ béo phì sau này.
Từ các nghiên cứu, nhóm nghiên cứu hy vọng các bác sĩ sẽ có cơ sở để chẩn đoán và điều trị một số bệnh liên quan đến việc dậy thì sớm ở nữ giới.