Bi kịch San Francisco - Hình mẫu chống dịch của Mỹ giờ phải ngậm ngùi với bài học xương máu: Tự mãn trước đại dịch chính là tự sát

Giữa một nước Mỹ tan hoang vì đại dịch Covid-19, San Francisco lẽ ra đã là một ngoại lệ đáng tự hào. Nhưng rồi mọi thứ thay đổi chóng mặt, chỉ vì họ đã quá thành công.

Vịnh San Francisco có thể nói là nơi đầu tiên của Mỹ thi hành lệnh phong tỏa hoàn toàn nhằm chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh. Gần như ai cũng đeo khẩu trang, dù là đi mua sắm hay di chuyển ngoài đường. Công chúng tuân thủ tuyệt đối các quy định, và niềm tin đối với quan chức y tế hay chính quyền đều ở mức cực cao.

Vậy mà giờ, sau hơn 4 tháng, họ đang chứng kiến một làn sóng dịch bệnh lây lan ở mức độ lớn, khiến nhiều hạt phải thu hồi kế hoạch tái mở cửa nền kinh tế. Khu vực Vịnh San Francisco - bao gồm 9 hạt với gần 8 triệu dân đã trở thành một bài học xương máu dành cho các nhà chức trách Hoa Kỳ. Dù họ đã rất cố gắng làm mọi thứ với sự thận trọng, số ca nhiễm đã gia tăng rất nhanh trong vòng 1 tháng rưỡi vừa qua, với trung bình 877 ca mỗi ngày vào cuối tháng 7/2020, chênh lệch lớn so với con số 217 vào giữa tháng 6.

Các chuyên gia y tế cho biết, sự tự mãn khi chứng kiến số ca nhiễm tăng chậm đã tạo ra hệ quả này. Các ca nhiễm đang tăng nhanh sau khi người dân tụ tập trong nhà, trong khi số liệu cho thấy cộng đồng người Mỹ - Latin và nhóm lao động thiết yếu đang chịu ảnh hưởng mạnh nhất.

Ca nhiễm tăng kỷ lục

Trong vài tuần gần đây, Gretchen Flores - phụ trách điều phối bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa San Francisco đã phải chứng kiến nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19 hơn. Cùng với đó, cô cũng thấy có nhiều người rời khỏi nhà, không tuân thủ yêu cầu giãn cách xung quanh nơi ở của mình. Còn Siva Raj - một công nhân kỹ thuật sống tại Pleasanton (California) thì trông thấy nhiều người bắt tàu điện tới San Francisco để gặp gỡ bạn bè.

Sau nhiều tháng trời gần như chẳng gặp gỡ ai, Natalie Duvalsaint - một nhân viên tuyển dụng tại Oakland bắt đầu có một vài buổi tối hẹn hò ăn uống cùng chúng bạn, hoặc gặp gỡ những người khác ở xa hơn. Cô cho biết, việc các ca nhiễm đang gia tăng quả là có gây lo lắng. Tuy nhiên, chuyện phải tiếp tục ở trong nhà và chẳng gặp gỡ ai đang giống như tra tấn tinh thần cô vậy.

"Chúng ta cần phải ở nhà và thực hiện cách ly xã hội, nhưng còn những người có vấn đề về tinh thần thì sao?" - cô chia sẻ. "Tôi là một người hướng ngoại, và sẽ cảm thấy rất mệt mỏi chỉ cần không được gặp ai trong hơn 1 tuần thôi."

Người dân đi lại tại San Francisco và không đeo khẩu trang

Hiện tại, tình hình tại Vịnh San Francisco vẫn còn hơn chán so với nhiều khu vực và thành phố khác của California. Tính đến ngày 31/7, San Francisco ghi nhận tổng cộng 53.086 ca nhiễm, 817 trường hợp tử vong - thấp hơn rất nhiều so với Miami hay Los Angeles. Hơn thế nữa, bản thân các ổ dịch tại California chủ yếu tập trung ở phía Nam. Giữa tháng 7, thống đốc bang Gavin Newsom đã thu hồi quyết định tái mở cửa, yêu cầu toàn bộ quán bar, nhà hàng, phòng tập, salon tóc và các địa điểm tôn giáo phải tạm ngưng hoạt động.

Nhưng với việc các ca nhiễm dần tăng lên, các hạt trong Vịnh San Francisco dần được đưa vào danh sách cảnh báo, cần phải tuân thủ hạn chế mở cửa. Như thị trưởng London Breed tại San Francisco đã phải lập tức phát cảnh báo sau khi hạt của bà lọt vào danh sách.

"Chúng ta có rất ít thời gian để giữ cho số ca nhiễm nằm trong tầm kiểm soát, trước khi phải chứng kiến một đợt bùng dịch lớn như những gì đang xảy ra với đất nước này," - trích thông báo của Breed. Theo đó, mọi kế hoạch tái mở cửa doanh nghiệp đều phải tạm ngừng vô thời hạn.

Dịch vẫn bùng lên bất chấp mọi nỗ lực - tất cả là vì tự mãn

Số ca nhiễm tại San Francisco bất chợt gia tăng, bất chấp nỗ lực hành động sớm và quyết liệt tại 6 hạt vào ngày 16/3, với việc đóng cửa doanh nghiệp và trường học. Các công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon tuân thủ ngay tức khắc, cho phép người lao động được làm việc từ xa. Và trong những tháng qua, mọi thứ có vẻ đã có hiệu quả.

"Những gì mang lại từ chính sách này là chúng ta có 3 tháng rưỡi với số ca nhiễm tăng ít, tỉ lệ tử vong rất thấp, mang lại cơ hội nâng cao khả năng đối phó với dịch bệnh," - theo tiến sĩ Robert Wachter, chủ tịch hội đồng quản trị ĐH California, San Francisco (UCSF).

"Nhưng song hành cùng điều đó còn là sự tự mãn."

Công chúng ra ngoài nhiều hơn, vì họ đã chán ở nhà

Felix Castillo - tài xế xe bus công cộng tại San Francisco cũng có chung nhận định, sau khi chứng kiến số người sử dụng phương tiện ngày một tăng lên.

"Thứ đáng sợ nhất lúc này là việc không còn ai biết sợ nữa. Tất cả đều thư giãn, thoải mái," - Castillo chia sẻ. "Đây có lẽ là điều căng thẳng nhất tôi từng được trải qua."

Suốt đại dịch, Castillo đã di chuyển quanh thành phố trên các tuyến bus khác nhau, để đảm bảo mọi hành khách tuân thủ quy định đeo khẩu trang. Hầu hết đều có đeo, nhưng cũng có nhiều trường hợp chống đối. Em họ Castillo - cũng là một tài xế hệ thống bus MUNI thậm chí còn bị một hành khách khạc nhổ vào người vì bị bắt đeo khẩu trang.

Felix Castillo - tài xế lái xe bus chứng kiến ngày càng nhiều người sử dụng giao thông công cộng hơn, bất chấp dịch bệnh đang diễn ra

Cuối mùa xuân, niềm tin trong các cư dân tại Vịnh San Francisco được củng cố bởi công tác chống dịch rất tốt của chính quyền địa phương. Dịch bệnh dường như đã được kiểm soát vào lúc đó.

"Chúng tôi được gọi là 'phép màu của California,'" - trích lời tiến sĩ Peter Chin-Hong, giáo sư y học tại UCSF. "Nhưng ngày tưởng niệm Lễ chiến sĩ vong trận (Memorial Day - 31/5) xảy ra, và nó khiến mọi thứ tại California thay đổi."

Lượng hành khách sử dụng tàu điện vẫn thấp hơn tới 89% so với bình thường, dù tăng nhẹ vào cuối tháng 5. Số người sử dụng hệ thống xe bus MUNI trong tháng 7 cũng giảm 70% so với mọi năm, dù cũng gia tăng so với hồi tháng 5 vừa qua. Nhưng mặt khác, số người tới Cầu Cổng Vàng lại tăng gấp đôi so với tháng 4. Đó là dấu hiệu cho thấy mọi người đang trở lại làm việc, và các hoạt động cũng trở lại bình thường. Chỉ là mọi người chọn tự lái xe, thay vì sử dụng phương tiện công cộng.

Cư dân San Francisco cũng chọn cây cầu này là nơi trung chuyển để đi leo núi hoặc tắm biển. Các địa điểm công cộng chật cứng xe hơi. Đám đông tụ tập đi dã ngoại, leo núi, và chỉ một số còn đeo khẩu trang.

Lệnh cấm tụ tập trong nhà cũng dần có dấu hiệu vi phạm. Đầu tháng 7, một cặp đôi ở San Francisco đã tổ chức lễ cưới với hơn 100 khách mời. Sau đó, cả hai cùng một vài khách tham dự đã dương tính với virus SARS-CoV-2.

Mọi thứ dần trở nên bất đồng

Các quy định cũng dần trở nên không thống nhất với cư dân các hạt. Như hạt Marin cho phép salon tóc và nhà hàng mở cửa, với số lượng không quá 10 người từ 29/6. Trong khi đó, hạt San Mateo vẫn giữ nguyên lệnh đóng cửa. Alameda, Contra Costa, Santa Clara và San Francisco lại cho phép ăn uống ngoài trời, và để các cửa hàng bán lẻ hoạt động.

Số liệu cho thấy, công nhân lao động thiết yếu hiện đang chịu rủi ro lớn hơn - đặc biệt là công nhân vệ sinh, lao động theo ngày, và nhân viên chăm sóc sức khỏe tại gia.

"Chúng tôi là những người phải ra ngoài đó mỗi ngày," - Jay Campos, tài xế xe bus của San Francisco cho biết. Campos chia sẻ, bản thân anh có nhiều họ hàng tại New York đã nhiễm bệnh, và hiện đang rất lo lắng cho sức khỏe các con mình.

"Không thể chối bỏ sự thật rằng gánh nặng đang được đặt lên vai lực lượng lao động thu nhập thấp," - tiến sĩ Kirsten Bibbins-Domingo, Chủ tịch Khoa Dịch tễ học của UCSF nhận định. Tiến sĩ Bibbins-Domingo phụ trách một nhóm làm xét nghiệm virus tại khu vực xung quanh San Francisco, và họ phát hiện ra 95% cộng đồng người Mỹ - Latin có kháng thể virus trong người, trong khi các cộng đồng khác chỉ là 40%. Nguyên do là bởi trong khi mọi người ở trong nhà, người Mỹ - Latin vẫn phải ra ngoài làm các công việc thiết yếu, rồi vô tình mang virus trở lại cộng đồng vốn rất đông đúc.

Số ca nhiễm gia tăng trở lại đã luôn là một phần gây tranh cãi về câu chuyện mở cửa, bởi đó là sự đánh đổi cho quá trình tái khởi động nền kinh tế. Nhưng tốc độ và quy mô lây lan hiện đang là sự thách thức không nhỏ dành cho nhà chức trách Hoa Kỳ.

"Sẽ luôn có sự cân bằng giữa bảo vệ sức khỏe công chúng và để kinh tế mở cửa, cộng thêm việc đưa cuộc sống trở lại bình thường," - trích lời Nick Moss, cán bộ y tế hạt Alameda.

Hạt Alameda có khoảng 1,67 triệu người sinh sống, hiện đang là nơi bị ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh trong khu vực Vịnh San Francisco với khoảng 11.300 ca nhiễm tính đến cuối tháng 7 - tăng gần gấp 3 lần so với giữa tháng 6. Cũng giống như các khu vực khác, cộng đồng thu nhập thấp của Alameda phải chịu nhiều rủi ro nhất, với phân nửa các ca nhiễm nằm trong cư dân Mỹ - Latin, dù nhóm này chỉ chiếm 22% quy mô dân số.

Jason Harrison - Y tá phòng cấp cứu tại UCSF

Được biết, hạt Alameda đã đến giai đoạn 2 của kế hoạch tái mở cửa, cho phép tụ tập ăn uống ngoài trời. Nhưng trước khi các hoạt động "nguy hiểm" hơn như ăn uống trong nhà, dịch vụ làm đẹp... được hoạt động trở lại, họ buộc phải tạm dừng vì làn sóng dịch bệnh mới ập đến, tương tự như những gì xảy ra tại thành phố San Francisco.

Trong các tuần cuối tháng 4, San Francisco có vẻ đã rất thận trọng, với hơn 50% dân số chỉ ở trong nhà - theo số liệu của Aref Darzi, chuyên gia nghiên cứu số liệu từ Viện Vận chuyển Maryland. Đến cuối tháng 5, công chúng ra ngoài nhiều hơn, và tỉ lệ hiện tại giảm xuống chỉ còn 44%.

Jason Harrison - Y tá phòng cấp cứu tại khoa y của UCSF cũng chứng kiến số ca nhiễm tăng lên. Anh nhận định rằng mọi người khó có thể biết mức độ hủy hoại thực tế của dịch bệnh là như thế nào, khi nhiều người mắc bệnh mà không có triệu chứng.

"Với một người bình thường, trừ phi căn bệnh ảnh hưởng đến bạn bè hoặc người thân, còn không thì nó cũng chỉ là một loại tin tức thôi."

Nguồn: Washington Post

Link gốc: http://baodansinh.vn/bi-kich-san-francisco-hinh-mau-chong-dich-cua-my-gio-phai-ngam-ngui-voi-bai-hoc-xuong-mau-tu-man-truoc-dai-dich-chinh-la-tu-sat-220204823041277.htm

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU