Biện pháp phòng tránh rôm sảy cho trẻ trong mùa hè

(lamchame.vn) - Mùa hè là thời điểm trẻ rất dễ bị rôm sảy. Rôm có thể mọc ở lưng, trán, cổ hay thậm chí là toàn thân. Khi thời tiết mát mẻ rôm sẽ tự biến mất, tuy nhiên cũng không nên chủ quan vì nếu trẻ ngứa ngáy gãi nhiều có thể dẫn đến bội nhiễm.

Những triệu chứng thường gặp

Rôm sảy là bệnh mùa hè rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Nguồn: giadinh.tv.

Rôm sảy là một trong các bệnh hay gặp vào mùa hè, thường xuất hiện tại những vùng da tiết nhiều mồ hôi, các vùng kẽ lớn trên cơ thể như nách hoặc bẹn. Chúng thường mọc thành từng đám, rồi lan ra thành từng mảng. Rôm sảy rất dễ nhận biết, chúng là những nốt sần màu hồng, bên trong có mụn nước, hay mụn mủ tùy tình trạng nặng nhẹ. Khi bị rôm sảy, trẻ sẽ cảm thấy rất ngứa ngáy, khó chịu dẫn đến việc gãi nhiều, làm da bị trầy xước gây bội nhiễm. Nguyên nhân gây ra bội nhiễm thường là vi khuẩn tụ cầu trùng vàng, một loại vi khuẩn có khả năng gây viêm nang lông và tạo nên mụn nhọt. Rôm sảy có thể tự lặn đi khi thời tiết mát mẻ hơn, sau đó da vảy sẽ bong đi và không để lại sẹo. Tuy nhiên, khi thời tiết trở nên nóng bức, rôm sẽ lại quay lại làm trẻ khó chịu và quấy khóc.

Có 2 loại rôm chính mà trẻ thường mắc phải là rôm dạng tinh thể và rôm đỏ.

Rôm dạng tinh thể thường chỉ xuất hiện mụn nước nông trên da và không có mụn viêm. Loại rôm này thường có khi trẻ bị sốt cao, sau khi hạ sốt nốt rôm cũng sẽ biến mất theo và không để lại sẹo.

Rôm đỏ là những đám sần màu đỏ, thường gặp ở lưng, ngực, nách, bẹn,... Loại rôm này có thể lan ra rất rộng, có thể là kín lưng hoặc toàn thân, khiến cho trẻ cảm thấy vô cùng bứt rứt và khó chịu. Rôm đỏ là loại rôm dễ gây bội nhiễm nhất.

Rôm sâu là các nốt rôm thường mọc sâu dưới da và xuất hiện khi trẻ bị rôm đỏ tái đi tái lại nhiều lần. Loại rôm này là những nốt sần sâu 1-3mm, không gây ngứa ngáy khó chịu như rôm đỏ nhưng lại có thể làm tổn hại tuyến mồ hôi vĩnh viễn.

Biện pháp phòng ngừa rôm sảy

Khi bị rôm sảy, cần để trẻ sinh hoạt ở những nơi thoáng mát. Hạn chế đưa trẻ tới những nơi đông người, kín hay quá bí bởi cơ thể trẻ có mát mẻ, không bị nóng thì nốt rôm mới mất đi được. Bên cạnh đó, cần mặc cho trẻ những loại quần áo, tã lót có chất liệu thấm hút mồ hôi tốt, tránh những trang phục làm từ chất liệu vải tổng hợp, thấm hút mồ hôi kém.

Thường xuyên tắm rửa sạch sẽ cho trẻ để thông thoáng các lỗ chân lông. Trẻ bị rôm nên được tắm bằng thuốc tím pha loãng hoặc sữa tắm. Tuyệt đối không sử dụng xà phòng hay những loại sữa tắm có độ pH không thích hợp với da bé, tránh tình trạng rôm sảy trở nên nghiêm trọng hơn và dễ dàng bị bội nhiễm. Nếu không chắc chắn về độ an toàn của những loại sữa tắm cho con, bạn có thể dùng các nguyên liệu tự nhiên để tắm cho bé như mướp đắng, sài đất, lá đào, lá dâu,... cũng rất hiệu quả.

Trị rôm sảy cho trẻ với mướp đắng. Nguồn: suckhoedoisong.

Sau khi đã tắm rửa sạch sẽ cho trẻ, nên thoa phấn rôm để da trẻ được khô và thông thoáng hơn. Lưu ý, nên thoa ngay sau khi tắm, không để lúc trẻ đổ mồ hôi quá nhiều mới thoa vì như vậy rất dễ làm bít tắc lỗ chân lông. Nếu tình trạng rôm sảy của trẻ kéo dài và không có dấu hiệu nhẹ đi, cần cho trẻ sử dụng kem bôi có corticoid nhẹ để chống nhiễm khuẩn. Khi có dấu hiệu của nhiễm khuẩn nang lông, cần dùng cồn iod như betadin cho trẻ nhiều lần trong ngày. Bên cạnh đó, việc sử dụng vitamin C liều cao cũng giúp trẻ không gặp phải nhiều tổn thương ở tuyến mồ hôi. Trường hợp trẻ mắc rôm sâu, nên dùng isotretinoin theo chỉ định của bác sĩ. Đừng quên cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều rau củ để thanh nhiệt, giải độc cơ thể tốt hơn.

Theo sohuutritue.net.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU