Ngày ở Viện dưỡng lão bắt đầu rất sớm. Người già ngủ ít. Cụ Hân, 90 tuổi, chỉnh trang đầu tóc rất cẩn thận trước khi bước ra khỏi giường. Đó là tác phong còn giữ được sau hàng chục năm làm nghề giáo.
Tuy nhiên, thói quen chu toàn vẫn không thắng được sự lẫn cẫn của tuổi tác. Ở cuối giường, chiếc bánh bông lan được bóc ra nhưng không ăn mà bỏ dở ngay trên đệm.
Không phải ai cũng có thể tự chăm sóc bản thân như cụ Hân. Cụ Định, 88 tuổi, trong tình trạng sức khỏe rất yếu, ít khi ra khỏi giường.
Thời gian - đó là tài sản lớn nhất và dư thừa nhất ở viện dưỡng lão. Như một nghịch lý, những cụ già còn rất ít thời gian sống, lại đang đếm từng ngày trôi qua chậm chạp hơn ai hết.
Cụ Hiếu - thường được các điều dưỡng viên gọi là 'bố Hiếu' - 75 tuổi, cựu quân nhân. Ông không nhớ được những chuyện vừa xảy ra, nhưng lại kể vanh vách những kỷ niệm thời trận mạc. Hàng ngày, ông phải tập đi vài giờ đồng hồ, để chống lại chứng thoái hóa khớp.
Cụ Bảo là người luôn theo sát, động viên 'bố Hiếu' tập đi mỗi ngày. Cụ Bảo cũng là người hăng hái rủ các cụ khác trong viện dưỡng lão vận động thể dục. Mới vào viện dưỡng lão được 4 tháng, cụ Bảo vẫn chưa 'chấp nhận' lối sinh hoạt quá chậm rãi ở đây.
Sau một cơn tai biến mạch máu não nặng, cụ Lạc - 78 tuổi - gần như mất hoàn toàn trí nhớ và khả năng giao tiếp. Cụ thường lảng tránh và nhìn người lạ với sự cảnh giác lẫn tò mò như một đứa trẻ.
Phòng sinh hoạt chung trong Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng rộng rãi và sáng sủa. Ở đây có tivi, sách báo, các loại cờ.
Nhưng không mấy người để ý đến các công cụ giải trí. Một số người ngủ gục. Số còn lại chìm đắm trong thế giới suy tưởng của riêng mình.
'Ngày xưa bà bơi rất giỏi. Bây giờ mà được ra sông, bà bơi cho mà xem' - cụ Mai Lâm, 77 tuổi, tâm sự. Bệnh huyết áp khiến cụ chỉ được vận động nhẹ.
Ngày trong viện dưỡng lão trôi qua với 3 bữa ăn chính và 1 bữa phụ. Tất cả mọi người đều ăn chung thực đơn. Một số cụ ăn ít cơm, lót dạ thêm bằng đồ ăn liền do người nhà chuẩn bị.
Những người có sức khỏe thì tự ăn, còn những người yếu hơn thì phải có người bón. Mỗi bữa cơm trôi qua khá chậm, thường trung bình mất hơn 1 giờ đồng hồ.
Nụ cười ở viện dưỡng lão. Cụ Yên, 89 tuổi, đã lẫn. Khoảnh khắc khi cụ quay ra cửa và cười, có lẽ với một mảnh hạnh phúc đột nhiên rơi ra từ ký ức.
'Tách' - cụ Ích khép tay và nheo mắt rất chuyên nghiệp khi làm động tác chụp ảnh. Không ai biết trước kia cụ làm nghề gì, nhưng cụ Ích rất thích làm động tác ấy. Mọi người trong viện dưỡng lão cũng thường nhờ cụ Ích 'chụp ảnh' như thế, cho vui.
Rất hiếm thấy ảnh người thân của các cụ. Trên mặt bàn, hầu hết các cụ đều để ảnh chính mình. Đồ trang trí của cụ Hân có thêm những chiếc dép lê của những người bạn cùng phòng. Họ chấp nhận để cụ sưu tập dép vào mùa hè và từ chối vào mùa đông - khi sàn nhà rất lạnh.
Viện dưỡng lão bí mật thông tin đời tư của từng thành viên. Nhưng với mức phí từ 6,5 - 9,2 triệu đồng mỗi tháng chứng minh họ có điều kiện kinh tế khá giả, hoặc là con cái của họ.
Cuộc sống an nhàn, nhưng không có nhiều lựa chọn. Ngày nối ngày quanh quẩn trôi đi. Những cuộc chia tay ở đây, nếu có, thường là vĩnh viễn.
Tuổi tác, bệnh tật, trôi đi chầm chậm cùng với dòng thời gian. Viện dưỡng lão là những trang cuối, trầm lắng nhất trong cuốn album cuộc đời.
Theo Báo Đất Việt